Đừng làm đẹp theo quảng cáo trên mạng

31/12/2022 - 07:30

PNO - Nắm bắt tâm lý muốn làm đẹp cuối năm để đón tết của chị em, nhiều cơ sở thẩm mỹ không chất lượng đã “tung” các quảng cáo, gói khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách. Trong khi đó, các bác sĩ cảnh báo số lượng người bị biến chứng do làm đẹp không an toàn đang tăng lên…

Bác sĩ phẫu thuật lấy thanh nâng mũi cho một bệnh nhân bị biến chứng vì làm đẹp ở các cơ sở không đủ tiêu chuẩn - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ phẫu thuật lấy thanh nâng mũi cho một bệnh nhân bị biến chứng vì làm đẹp ở các cơ sở không đủ tiêu chuẩn - Ảnh: Phạm An

Cắt mí mắt, sửa mũi… theo “trend” 2023

Vào trang quảng cáo của một cơ sở thẩm mỹ tự giới thiệu là bệnh viện (BV) thẩm mỹ có “26 năm tinh hoa tái tạo mũi”, người xem dễ bị thu hút với các gói ưu đãi nâng mũi, tái tạo mũi chỉ từ 8,3 triệu đồng. Theo cơ sở này, khách hàng sẽ có sống mũi “trend” của năm 2023 đẹp từ dáng đến cánh mũi. Ngoài ra, còn có các gói làm đẹp như cắt mí mắt, hút mỡ, nâng ngực… đi kèm các kỹ thuật cao, không gây sưng đau, thời gian nâng mũi chỉ 15 phút.

Một tài khoản cá nhân tự giới thiệu là “bác sĩ có 15 năm kinh nghiệm, với thế mạnh về cắt mí mắt, độn cằm, nâng mũi, tạo hình body… đã thay đổi diện mạo cho hơn 10.000 khách hàng”. Dịp tết đến, “bác sĩ” này đã “tung chiêu” nâng mũi 6D giá rẻ, bảo hành miễn phí và nếu may mắn, khách hàng còn được các gói khuyến mãi làm đẹp khác. Dưới các bình luận quảng cáo, bác sĩ này còn tạo thanh đăng ký, hứa hẹn giảm giá sâu cho những khách hàng đăng ký đầu tiên.

Bên cạnh hàng loạt phòng khám, viện thẩm mỹ, BV thẩm mỹ “chui” đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội thì các tài khoản tại nền tảng TikTok, YouTube cũng “chạy đua” không kém với tên gọi “bác sĩ B.”, “bác sĩ thẩm mỹ X.”, hay “doctor”… khiến người xem khó phân biệt thật, giả. Đáng nói, hầu hết các tài khoản này không cung cấp giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, hạng mục được phép làm đẹp. Thậm chí, có “bác sĩ” tự nhận làm tại BV lớn của TPHCM nhưng khi tra cứu tại cổng thông tin hoạt động khám chữa bệnh thì lại không có tên.

Vừa qua, BV Tai mũi họng TPHCM, BV Trưng Vương… đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân làm đẹp bị biến chứng vì nghe theo quảng cáo. Trong đó có chị N.T.T.T. (32 tuổi, ở tỉnh Bình Thuận) vào BV Tai mũi họng TPHCM cầu cứu với chiếc mũi sưng vù, mưng mủ, chóp mũi có nguy cơ bị thủng. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị T. bị biến chứng nâng mũi gây nhiễm trùng, lệch vách ngăn mũi phải phẫu thuật để cắt lọc mô hoại tử, lấy cây silicon trong mũi ra. 

Khi vết thương lành, chị T. phải quay lại BV để bác sĩ phẫu thuật tạo hình mũi, nếu không sẽ bị sẹo xấu, lệch mũi. Chị T. chia sẻ: “Khi ngồi nghe tư vấn làm đẹp, tôi bị cuốn theo lời của nhân viên lúc nào không hay, chưa đến 10 phút tôi đã ký giấy đồng ý sửa mũi với giá hơn 30 triệu đồng rồi vào làm luôn. Tôi cũng không hỏi biên lai đóng tiền, hợp đồng nên khi bị nhiễm trùng, nơi đây phủ nhận và hăm dọa nếu tôi làm lớn chuyện”.

Bị biến chứng mới biết mình “sập bẫy” khuyến mãi

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Anh Tuấn - Phó khoa Tạo hình thẩm mỹ, BV Tai mũi họng TPHCM - cho biết, số lượng người bị biến chứng do làm đẹp đang tăng lên bao gồm nhiễm trùng, hoại tử… Nhiều người chịu đau đớn trong khoảng thời gian dài, thậm chí biến dạng mặt mới đến BV.

Đa phần người bệnh có tâm lý muốn làm đẹp giá rẻ, không đau, mau lành nên mất tỉnh táo. Khi đến cơ sở làm đẹp, khách hàng thường nghe theo người tư vấn chứ không hỏi về giấy phép hoạt động của cơ sở, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ; chấp nhận làm phẫu thuật, tiểu phẫu ở cơ sở, thậm chí tại nhà, khách sạn.

Đến khi bị biến chứng, người bệnh xâu chuỗi lại các tình huống mới biết đã “sập bẫy” khuyến mãi. “Làm đẹp, cho dù là xăm chân mày, cắt mí mắt… cũng sẽ nguy hiểm nếu người thực hiện không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ hành nghề theo đúng hạng mục được cấp phép” - bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ngoài nguy cơ về sốc phản vệ, dị ứng thuốc gây mê, thuốc tê, thì nơi làm đẹp, thiết bị, dụng cụ… có được vô trùng hay chưa cũng rất quan trọng. Bởi vì ngay cả những nơi đạt mức độ an toàn theo quy định của ngành y tế vẫn có nguy cơ xảy ra sự cố y khoa, nên ở những trường hợp làm đẹp tại nhà, khách sạn… sẽ rất nguy hiểm. 

Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, tại TPHCM, mỗi năm có khoảng 250.000 người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, trong đó 12.000 ca phẫu thuật đặt túi ngực và khoảng 100.000 người có độ tuổi trung bình 25-35 tuổi phẫu thuật thẩm mỹ các loại.

Để kiểm soát, chấn chỉnh quảng cáo của các cơ sở hành nghề y, dược và dịch vụ thẩm mỹ, Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đăng tải nội dung quảng cáo không đúng trên các trang mạng xã hội nhưng đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết sở đã yêu cầu phòng y tế tại các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường tham mưu cho UBND các cấp triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giúp quản lý chặt chẽ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người hành nghề và các cơ sở làm đẹp trái phép trên địa bàn. Sở Y tế TPHCM đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các quảng cáo quá phạm vi cho phép. 

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng lưu ý những bảng hiệu bắt đầu bằng: spa, thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ… khiến người dân dễ bị nhầm lẫn, khó phân biệt được các loại hình cơ sở làm đẹp theo quy định. Đây cũng là khó khăn trong quản lý của địa phương bởi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về bảng hiệu của các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp. Sở Y tế cũng đã đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan quy định chặt hơn nữa về bảng hiệu của các loại hình làm đẹp tại cơ sở, tăng nặng mức xử phạt các hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI