Đừng là “người khổng lồ ảo”

12/03/2014 - 08:20

PNO - PN - Buổi tối, các bạn của Kim, con gái tôi, gom về nhà tôi học nhóm. Kim nói về một nam ca sĩ - nhạc sĩ trẻ đạo thơ đang xôn xao dư luận, cả nhóm liền ngừng học để “tám”. Đứa tiếc cho anh ấy vừa mới nổi danh đã bị vết...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngay hôm sau, tôi phát hiện Kim đã cẩu thả trong việc dạy kèm môn văn cho em trai. Kim không hướng dẫn em cách tìm ý, xây dựng bố cục, sử dụng từ ngữ… mà mượn những bài văn đạt điểm cao của bạn bè trước đây để cu cậu học thuộc lòng. Có khi trúng tủ, bài kiểm tra đạt đến điểm tám. Thấy con đạt thành tích cao hơn, tôi rất vui, nào ngờ đó chỉ là kết quả - hậu quả của việc “đạo văn”. Biết chuyện, tôi rất giận con và tự trách mình lơ là, vô tâm, nhưng hai con thì thản nhiên, không hiểu tại sao mẹ lại đặt nặng vấn đề. Thậm chí, Kim tự hào cho đó là chiêu sáng tạo của mình để giúp em cải thiện điểm số!

Sau buổi ăn tối, tôi trò chuyện với hai con về chủ đề “vay mượn” chất xám. Tôi thẳng thắn, nghiêm túc nhưng không quá hà khắc để con dám nói thật. Huân, con trai tôi phân bua: “Miễn được điểm cao là mừng rồi mẹ! Nếu không ai nói, cô giáo đâu biết bài văn đó không phải do con viết”. Tôi gặng hỏi: “Cô không biết, nhưng con có biết không? Con học kém môn văn thì phải tự hoàn thiện bằng cách rèn luyện, đọc nhiều và biến những điều đọc được thành suy nghĩ, chất liệu của mình. Đằng này, con cải thiện bằng cách lấy của người khác trám vào lỗ hổng của mình, như thế sẽ ngày càng dở hơn”.

Dung la “nguoi khong lo ao”

Kim cãi: “Thời đại thông tin tràn ngập, băng đĩa, sách truyện, trang mạng phong phú, mình phải tận dụng triệt để những tiện ích của nó chứ mẹ! Cô giáo con có khi cũng không tự soạn giáo án mà lên mạng copy về".

Nhân lúc các con đang hào hứng nghe, tôi tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình. Nếu cô giáo biết tham khảo, học hỏi, trau dồi kiến thức và tự soạn giáo án thì những điều cô sở hữu được không chỉ là giáo án mà còn là tư duy, là sự chủ động, là sự tự tin, là tình yêu của học trò… Nói đến đây, tôi giật mình nhớ lại trước đây tôi từng mắc sai lầm trong việc dạy con. Cô giáo yêu cầu Kim về nhà cắt dán thủ công, tôi đã nhiều lần làm thay và còn dặn hễ ai hỏi thì con hãy nói là do con làm. Giá như tôi để con tự làm, nó sẽ thỏa sức sáng tạo, rèn luyện được đôi tay khéo léo, sự tỉ mỉ và lòng kiên trì.

Khoan bàn đến tác hại đối với tính trung thực, lòng tự trọng, trong chuyện đạo văn, đạo thơ, đạo ý tưởng hoặc lấy những thứ không phải của mình, người thua thiệt chính là bản thân chứ không phải ai khác. Lần thứ nhất “vay” dễ dàng, lần thứ hai “vay” thuận lợi, dần dà ý chí tự lập bị đẩy lùi, ta quen dựa dẫm, ỷ lại, phụ thuộc, trông chờ vào thành quả của người khác. Từ đó, nội lực bản thân yếu đi, khả năng sáng tạo thui chột dần.

Tôi không hy vọng các con sẽ thẩm thấu và làm theo những điều tôi dạy ngay hôm nay vì tuổi trẻ thời hiện đại thường thực dụng, quan trọng đích đến hơn là con đường đi. Tôi nhắn gửi các con: “Mẹ mong các con chỉ là người bình thường hoặc bé nhỏ nhưng biết vận dụng những điều tốt đẹp sẵn có trong thế giới này và từng ngày vươn cao bằng sức của mình; đừng là người khổng lồ ảo”.

 HẰNG NGÔN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI