Đừng để hối tiếc khi không khám sức khỏe tiền hôn nhân

25/11/2017 - 05:30

PNO - Nói chuyện về việc chị em bị sẩy thai, thai lưu nhiều lần hay sinh con dị tật do bất thường nhiễm sắc thể, các bác sĩ thở dài: "Đời thật trái ngược".

Trước khi đám cưới, cô dâu chú rể nào cũng bỏ tâm sức, thời gian, tiền bạc để thử áo cưới, đặt tiệc, thậm chí còn trang điểm thử. Nhưng trước khi sinh con, dù là chuyện hệ trọng, vì sản sinh ra một con người - là rường cột của gia đình, xã hội, lại ít ai kiểm tra sức khỏe sinh sản. Để rồi cuộc đời chất chứa bao câu chuyện buồn, mà lẽ ra, nếu khám tiền sản họ đã có thể biết và có biện pháp khắc phục, phòng tránh.

Dung de hoi tiec khi khong kham suc khoe tien hon nhan
Vợ chồng chị Vũ Thị D. thăm con trong bệnh viện

Điều trị hiếm muộn mới biết không có tử cung 

Như hầu hết các cặp vợ chồng có mặt tại khoa Hiếm muộn Bệnh viện (BV) Từ Dũ, chị Nguyễn Thị C., 31 tuổi (Q.12, TP.HCM) và chồng mòn mỏi chờ đợi 5 năm vẫn chưa có tin vui. Đôi vợ chồng nghèo làm nghề thợ hồ nghe ai chỉ thầy giỏi, thuốc hay là tìm đến từ An Giang, Bình Phước hay Quảng Ngãi…

Chị C. kể: “Thời con gái em không có kinh nguyệt như bạn bè, thắc mắc thì mẹ nói em khỏe mạnh, không ốm yếu xanh xao bệnh tật nghĩa là bình thường. Khi yêu nhau rồi cưới, cả hai đều nghèo,  ít học nên chúng em không biết nên đi kiểm tra sức khỏe trước khi cưới, mang thai. Bốc thuốc uống hoài mà vẫn không đậu thai, hai đứa dành dụm được ít tiền tính đi chữa vô sinh. Nào ngờ đến BV Từ Dũ khám, bác sĩ (BS) cho hay em không có tử cung (bất sản tử cung - PV). Nếu muốn có thai thì vợ chồng em cần thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ. Nhưng làm sao em có đủ tiền”.

Nước mắt chị lăn dài, người chồng ngồi kế bên siết chặt tay vợ, buồn bã. Đó là một trong những cảnh thường gặp ở khu vực phòng khám hiếm muộn của các BV sản khoa như Từ Dũ, Hùng Vương…

Điểm chung của họ là hầu như không khám sức khỏe tiền hôn nhân và khám tiền sản trước khi chuẩn bị có con. Chỉ đến khi mòn mỏi chờ đợi mà không có “tin vui”, hay mang thai nhiều lần nhưng bị sẩy thai, thai lưu, họ mới cuống cuồng đến BV tìm nguyên nhân. 

Đau lòng hơn, không ít trường hợp người phụ nữ đã mang mầm bệnh nguy hiểm như ung thư, tim, nhưng do không kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai nên không biết, hoặc chủ quan, nên khi mang thai, sức đề kháng suy giảm, hóc môn thay đổi khiến những bệnh nền bùng phát, phải đau lòng lựa chọn: cứu con hay cứu mẹ; mẹ mất khi con còn đỏ hỏn…

Như trường hợp của cô giáo Vũ Thị D. (SN 1987, ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Cưới nhau hơn ba năm vợ chồng cô mới có tin vui. Nhưng đến tháng thứ 6 của thai kỳ, cô vẫn bị “ốm nghén” nặng, không thể ăn uống bất cứ món gì. Từ 48kg cô chỉ còn 35kg. Đến BV địa phương khám, nơi đây bảo cô ốm nghén.

Đến tháng thứ 7 thai kỳ, cô còn bị ói ra máu. Xuống BV Đại học Y Dược TP.HCM khám, đôi vợ chồng nghèo bàng hoàng khi nghe BS báo tin: cô D. bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Khối u đã xâm nhiễm khắp dạ dày gây tắc hẹp toàn bộ môn vị, là nguyên nhân khiến cô không ăn uống được, thường xuyên ói ra máu.

Dung de hoi tiec khi khong kham suc khoe tien hon nhan
Chị Th. hạnh phúc ôm con gái sau ca mổ ngỡ đã thành công

Nhìn cảnh cô D. đến thăm con sau khi được phẫu thật cắt bỏ dạ dày, ai cũng rơi nước mắt. Sức khỏe suy kiệt nặng, nhưng cô đã vượt cạn phi thường khi phải chịu cùng lúc hai ca phẫu thuật: mổ bắt con và cắt dạ dày. Đau xót hơn khi đứa trẻ ấy không được lớn lên trong vòng tay mẹ, người mẹ trẻ ấy không thể chứng kiến con lớn lên, trưởng thành vì ung thư đã di căn khắp cơ thể cô.

Ba lần mang thai vẫn một nỗi đau: mất con

Bị hiếm muộn đã khổ. Mang thai nhưng không được thấy con chào đời càng khổ. Con chào đời với hình hài khiếm khuyết, sớm rời khỏi vòng tay mẹ thì bất hạnh, khổ đau chạm đến tận cùng. Người phụ nữ trải qua đầy đủ cung bậc đau khổ trên là chị Nguyễn Thị Th. ở TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. 

Đôi mắt u buồn, chị hỏi “sao với em, chỉ một đứa con cũng quá khó vậy?” khiến tôi ám ảnh mãi. Chồng chị Th. kể: “Sau hơn hai năm kết hôn, vợ em có tin vui. Chưa kịp mừng thì cô ấy sẩy thai. Một năm sau, vợ em lại có thai. Thai được 8 tháng, vợ chồng em chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, hồi hộp đếm từng ngày chờ con chào đời.  Tối nọ, vợ em vỗ nhẹ vào bụng gọi “cưng ơi, nói chuyện với ba mẹ đi”. Im ắng lạ thường. Vợ chồng em vào ngay BV Cam Ranh, tính xin mổ sớm. Nhưng thai đã chết lưu”. 

Rồi chị Th. lại mang thai lần ba. Thai kỳ 12 tuần, khi siêu âm đo độ mờ da gáy, BS cho biết có bất thường, khuyên chị bỏ thai. Không tin vào kết quả này, vợ chồng chị khăn gói vào BV phụ sản lớn nhất ở TP.HCM khám. BS cũng khuyên chị chấm dứt thai kỳ, vì thai nhi đã bị phù, rất yếu, sẽ chết lưu, ảnh hưởng sức khỏe người mẹ.

Nhưng quá ham con nên vợ chồng chị mạo hiểm, “cố đẻ”. Thật kỳ diệu, thai nhi tiếp tục lớn lên, máy và chuyển động mạnh. Tháng thứ 6 thai kỳ, BS kết luận: thai nhi bị bệnh tim bẩm sinh nặng và khuyên đình chỉ thai kỳ. Một lần nữa, vợ chồng chị quyết giữ con. 

Chị Th. sinh một bé gái ở tuần thai 38 với cân nặng của đứa trẻ bình thường: 2,9kg. Tuy nhiên, sinh linh bé nhỏ không khóc được, thở thoi thóp, người tím tái. Chị Th. chưa kịp ôm con vào lòng, bé đã phải vào phòng hồi sức sơ sinh. Đau đớn hơn, BS dặn người thân của chị: chuẩn bị lo hậu sự cho bé.  

Tôi nhớ đôi mắt tròn xoe, cái miệng quơ qua quơ lại tìm sữa của bé Minh T. - con gái chị Th. khi nằm lọt thỏm trên chiếc giường bệnh của người lớn tại khoa Phẫu thuật tim mạch của một BV. Gần 20 tháng, bé nặng chưa đầy 5kg, quắt queo như trẻ sơ sinh. Ca mổ đã sửa chữa thành công khuyết hổng ở tim của bé.

Bé mang đầy khiếm khuyết: đôi mắt to lồi, chiếc mũi tẹt điển hình của trẻ bị hội chứng Down, không có xương cụt, xương ống chân nên không thể ngồi hay đứng mà chỉ lăn cuộn tròn, trái tim khuyết tật nặng.

Đặt tên ở nhà cho con là Như Ý - vợ chồng chị Th. mong đợi điều kỳ diệu sẽ đến với gia đình và cô con gái bé nhỏ nhưng can trường. Nhưng Như Ý đã vuột khỏi tay cha mẹ mãi mãi vì thể trạng quá yếu và bị nhiễm trùng sau mổ. Nghiệt ngã hơn, BS cho biết do gen của vợ chồng chị Th. bị “lỗi” nên kết hợp lại sẽ sinh ra những đứa con dị tật. 

Anh chị Th. đau đớn tột cùng. Thực tế, nếu họ và những đôi vợ chồng khác được khám tiền sản, khám sau lần hư thai đầu thì bất hạnh đã không chồng chất. Như trường hợp “tin vui giữa giờ tuyệt vọng” của chị Lê Hoàng O., 29 tuổi, ở Q. Bình Tân. Lập gia đình bốn năm, hai lần mang thai chị đều bị thai lưu.

Khi đi khám và tư vấn di truyền, được biết cả hai vợ chồng bị bất thường nhiễm sắc thể (đột biến chuyển đoạn nhiễm sắc thể số 13 - PV). Họ phải thực hiện thụ tinh ống nghiệm và xét nghiệm di truyền tiền làm tổ trước khi cấy phôi vào buồng tử cung cho chị O. Cuối cùng chị đã sinh được một bé trai khỏe mạnh vào tháng 8/2017.

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI