Đừng biến nhà ở thành nhà tù

16/11/2018 - 08:46

PNO - Hình thức "tù tại gia" được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề xuất tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) khiến dư luận “nổi sóng”, nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia luật.

Mới mà không mới

Nói về vấn đề này,  luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, “tù tại gia” là hình thức phạt tù không mới trên thế giới. Hình thức “tù tại gia” được quy định trong Luật Hình sự tại một số quốc gia như Mỹ, Thái Lan, Singapore…

Ở những nước này, hình thức tù tại gia phải đáp ứng những điều kiện nhất định, như: tội nhẹ, không thuộc các trường hợp phạm tội nguy hiểm giết người, ma túy, khủng bố, tham nhũng; thời gian chấp hành án phạt tù chỉ trong vòng vài tháng đến một năm; đối tượng là thanh thiếu niên phạm tội; khi áp dụng hình thức phạt tù này, phạm nhân bị gắn thiết bị điện tử để kiểm soát phạm vi di chuyển, nếu họ vi phạm sẽ phải đi tù tại các cơ sở giam giữ…

Dung bien nha o thanh nha tu
Ở nước ngoài một thiết bị điện tử sẽ được đeo vào người của phạm nhân mang án tù tại gia để cơ quan thi hành pháp luật có thể theo dõi

Ông Mạch cho rằng, ở Việt Nam, tù tại gia là khái niệm và hình thức phạt tù rất mới, hình thức phạt tù này chưa từng được quy định trong các văn bản pháp luật hình sự , cũng chưa từng được nêu lên trong các diễn đàn, các kỳ họp Quốc hội. Do vậy, việc đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến đề xuất áp dụng hình thức tù trên là vấn đề đáng lưu tâm và cần nhắc.

“Đây là đề xuất chúng ta nên quan tâm và nghiên cứu. Thứ nhất, có thể giảm bớt áp lực quá tải trại giam; thứ hai, giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước; thứ ba, giảm bớt cán bộ quản giáo theo dõi; thứ tư, tạo điều kiện cho những người lầm lỗi có việc làm ngay tại gia đình, được gần gũi với những người thân, dễ dàng hòa nhập với gia đình, cộng đồng xã hội”, luật sư Mạch nêu quan điểm.

Dưới góc độ xã hội học, TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: Ở Mỹ, đối với các tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em, sau khi hết thời gian giam giữ trong tù, các đối tượng này có thể tiếp tục bị bỏ “tù tại gia”, chỉ được phép di chuyển trong một không gian theo quy định. Một trong những biện pháp kiểm soát tù nhân tại gia là gắn chip điện tử. Con chip này, tùy theo từng mức độ có thể gắn và báo trong phạm vi toàn liên bang.

Theo bà Hồng, trong văn hóa Việt Nam, vẫn còn câu chuyện “tình làng nghĩa xóm”, sự “nể nang”… do đó, khi đối tượng pháp luật áp dụng “tù tại gia” thì chính quyền địa phương có thể theo dõi chặt chẽ hay không? Có đảm bảo phạm nhân chấp hành nghiêm quy định khi mình chịu án phạt này? Chúng ta có được phương tiện, kỹ thuật như các nước hay không? Bên cạnh đó, làm sao để đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật.

TS Khuất Thu Hồng lo lắng nhiều vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh trong xã hội. Bởi so với bỏ tù, tù tại gia là hình thức “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều. Có quyền lo ngại, liệu có vấn đề chạy tiền, chạy quan hệ để đối tượng vi phạm pháp luật hưởng án tù treo thay vì bỏ tù thông thường.

Dung bien nha o thanh nha tu
Ông Hồ Đức Phớc - người đề xuất nghiên cứu hình thức tù tại gia

"Những người phạm tội kinh tế có thể không gây nguy hiểm cho xã hội, có thể đặt ra quy định tù tại gia. Nhưng quay trở lại câu chuyện, liệu có việc họ lợi dụng quy định này để tiếp tục phạm tội hay không? Do đó, theo tôi, quy định tù tại gia đặt ra ở Việt Nam hiện nay là rất khó. Chúng ta cần nghiên cứu rất kỹ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời tránh việc lách luật để xảy ra tham nhũng ở đây", TS Khuất Thu Hồng nói.

Nhiều vấn đề bất cập

Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP.HCM) chỉ ra một số điểm bất cập ở đề xuất này, đó là Luật Hình sự mới ban hành, vừa được sửa đổi; sửa đổi bổ sung bộ Luật Hình sự thì cũng phải sửa đổi bổ sung các luật khác liên quan; việc áp dụng các loại hình phạt trên thực tế cũng chưa đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh…

“Ở nước ngoài, quản lý người phạm tội tại nhà trên cơ sở trình độ quản lý con người của họ đã quá cao, nền tư pháp đảm bảo thượng tôn pháp luật nên chỉ cần cấy chíp điện tử, đeo vòng tay hay phương tiện kỹ thuật để đảm bảo giám sát tuyệt đối phạm nhân họ đang quản thúc. Quản lý con người của họ không cần hộ khẩu, tạm trú tạm vắng…, làm bất cứ công việc gì hay ở đâu thì phải dùng thẻ ID, thẻ ngân hàng và trung tâm dữ liệu đều kiểm soát được”, luật sư Tuyền đánh giá.

Theo luật sư Tuyền, mức án trong các điều luật cần phải được phân hóa, chia nhỏ để mọi hành vi trái pháp luật hình sự dù lớn hay nhỏ cũng đều phải được xử lý. Khi xử lý thì phải công bằng, mức hình phạt phù hợp, có tính thuyết phục và tuyệt đối không có tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp.

Luật sư Tuyền cho rằng việc đề nghị thêm loại hình phạt tù này là thừa, không phù hợp với tình hình pháp luật, kinh tế và chính trị hiện nay. Bởi trong luật hình sự Việt Nam (điều 32 BLHS 2015) đã quy định nhiều loại chế tài hình sự từ nhẹ đến nặng đối với cá nhân phạm tội như sau: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ , trục xuất, phạt tù có thời hạn (có thêm chế định cho hưởng án treo), tù chung thân, tử hình.

“Theo tôi loại hình phạt tù tại gia là loại hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo mà Luật Hình sự đã áp dụng”, luật sư Tuyền nêu  ý kiến.

Cần có lộ trình phù hợp

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng để một dự luật được áp dụng trong thực tế cần đảm bảo khi soạn thảo, ban hành phải tham khảo nhiều cơ quan đơn vị thường xuyên tổ chức thi hành án phạt tù và cần có ý kiến của những nhà chuyên môn pháp luật. “Cần đánh giá các tác động một cách trực tiếp khi dự luật được thông qua”, luật sư Học nhấn mạnh.

Luật sư Học cho rằng đến thời điểm hiện nay, nước ta vẫn chưa thể triển khai hình phạt tù tại gia. Bởi, cần có sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan chứ không đơn thuần áp dụng một cách đơn giản. Mặt khác, tính phức tạp của quản lý tội phạm cần phải có sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ.

Đồng ý với quan điểm của luật sư Học, luật sư Mạch cho rằng đây chỉ là ý kiến đề xuất nêu ra để mọi người cùng bàn luận, đánh giá và đưa ra những ý tưởng khả thi.

Xét về tính hiệu quả, hình thức phạt tù này mang lại những ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, để có thể áp dụng hiệu quả và mang tính khả thi trong điều kiện xã hội Việt Nam thì cần có lộ trình phù hợp.

Thứ nhất, cần bổ sung quy định này vào Bộ luật Hình sự hiện hành, sau đó sẽ điều chỉnh bổ sung vào các văn bản hướng dẫn, các văn bản liên quan như Luật Thi hành án dân sự. Một số đại biểu cho rằng cần bổ sung ngay vào Luật Thi hành án Hình sự là không hợp lý vì Bộ luật Hình sự là văn bản quy định tội phạm và hình phạt. Luật Thi hành án dân sự ra đời dựa trên nền tảng của Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, trong Luật Thi hành án hình sự cần quy định rõ các điều kiện để áp dụng hình phạt tù này như: những loại tội phạm nào,  mức án như thế nào thì được áp dụng; đối tượng được xem xét áp dụng hình phạt này; việc quản lý tội phạm như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi khi người phạm tội “chịu hình phạt tù tại gia”? Việc quản lý của gia đình, địa phương như thế nào? Nếu vi phạm, trách nhiệm ra sao? Chi phí? Vấn đề tạo điều kiện về việc làm cho những người này như thế nào? Trách nhiệm khi phạm nhân vi phạm trong thời gian chịu hình thức tù tại gia? Cuối cùng, cần đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, việc quản lý giám sát. 

Trường Nguyên – Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI