Đức Tuấn: "Tôi không có sự thỏa hiệp trong nghệ thuật"

06/09/2020 - 07:33

PNO - Đức Tuấn sẵn sàng đầu tư mọi thứ cho âm nhạc, để bản thân hạnh phúc, để khán giả được tôn trọng bằng một sản phẩm chất lượng, chỉn chu. Anh biết rằng khi cho đi sự tử tế, phần thưởng nhận về cũng sẽ xứng tầm.

20 năm giữa những thay đổi rõ nét của thị trường âm nhạc, Đức Tuấn vẫn trung thành với việc làm album và phát hành băng đĩa. Thay cho việc mua nhà rộng, siêu xe, đầu tư các lĩnh vực sinh lời... anh dành mọi thứ cho âm nhạc. Điều đó vẫn chưa hề thay đổi kể từ khi anh bước chân vào làng nhạc Việt cho đến hiện tại. Đức Tuấn gọi đó là tình yêu, mà khi yêu phải hồn nhiên, cuồng nhiệt, trọn vẹn đến giây phút cuối cùng.

"Tôi cầu toàn, đôi lúc hơi cực đoan"

Phóng viên: Trọn một kiếp yêu - album nhạc Lam Phương - vừa được ra mắt, anh đón nhận những phản hồi xoay quanh sản phẩm này ra sao?

- Ca sĩ Đức Tuấn: Cuối năm 2014, tôi có tìm đến nhà nhạc sĩ Lam Phương (ở miền Nam California, Mỹ) để nhờ ông tư vấn khi muốn bắt tay vào thực hiện album. Đến tháng 9/2019, tôi vào viện thăm ông và cho ông nghe những bản thu cuối cùng. Sau khi nghe, ông vô cùng thích thú và khen hay, bản phối sang trọng đúng ý ông. Tôi không biết ông khen có phải vì dễ tính hơn không, bởi trước đây ông nổi tiếng khắt khe trong nghề, nhưng những lời khen đó giúp tôi có thêm động lực để hoàn thiện sản phẩm lần này.

Trọn một kiếp yêu - album mới nhất của Đức Tuấn
Trọn một kiếp yêu - album mới nhất của Đức Tuấn

Những người đầu tiên nghe album hoàn chỉnh là bạn bè và những khán giả thân thiết nhất của tôi. Họ dành nhiều lời khen, bày tỏ sự yêu thích vì âm nhạc đẹp diệu kỳ. Tất nhiên, sẽ có những ý kiến trái chiều. Lời động viên giúp tôi vui, hạnh phúc. Những lời phê bình tôi đón nhận nhẹ nhàng, bình thản. Trước đây, tôi thường lo lắng khi một sản phẩm ra đời. Hiện tại, cảm giác đó gần như không còn, bởi tôi biết mình đã làm tốt nhất, chân thật nhất với cảm xúc của mình.

* Chấp nhận mọi khen chê, bình thản đón nhận mọi chuyện, vậy giờ đây anh mong muốn điều gì ở bản thân mình?

- Thật đơn giản, tôi chỉ muốn thể hiện những sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương bằng chính cảm xúc của bản thân. Có thể cho rằng tôi ích kỷ nhưng tôi có nguyên tắc là phải luôn chân thật với cảm xúc của chính mình trước thì mới tìm được sự đồng cảm từ khán giả.

Cảm xúc trong lúc ghi âm là của nghệ sĩ, còn cách thức thực hiện là tình cảm dành cho khán giả. Chẳng hạn với CD nhạc Lam Phương lần này, tôi mất một khoảng thời gian khá dài - hơn hai năm - mới hoàn thành. 

Có thể nói, với điều kiện âm nhạc Việt Nam hiện tại, tôi đã mang những điều tốt nhất đến khán giả. Tôi cố gắng mời nhạc sĩ Đức Trí sản xuất album này, như một sự bảo chứng về chất lượng, bởi 10 năm qua anh ấy không nhận lời sản xuất album cho bất kỳ ai. Album có sự tham gia của dàn giao hưởng Saigon Pops Orchestra, hợp xướng Saigon Choir, nhạc sĩ Hồng Kiên, Dũng Đà Lạt, Thanh Tân. Đĩa nhạc do Steven Fallone - kỹ sư âm thanh từng làm cho album Golden Hour của Kacey Musgraves (thắng giải Album của năm tại Grammy 2019) - làm master. Ngoài ra, mức đầu tư cho một album audio cũng không nhỏ. 

* Thời gian dài, kinh phí lớn thường được nhắc đến trong mỗi sản phẩm của anh. Điều đó như một sự bảo chứng để khán giả đón nhận thoải mái hơn…

- Tôi rất cầu toàn, điều đó đã thành thói quen. Tôi không có sự thỏa hiệp trong nghệ thuật. Tôi không có khái niệm “như vậy là được rồi”. Tôi luôn muốn bất kỳ sản phẩm nào của mình cũng phải tốt nhất trong điều kiện cho phép. 

Anh Đức Trí phàn nàn rằng làm việc với tôi rất mệt. Đó cũng là cảm giác của không ít người từng làm việc với tôi. Nhưng khi sản phẩm ra mắt, ai cũng tự hào với sản phẩm của mình. Sự nghiêm khắc trong quá trình làm việc, cầu toàn đôi lúc hơi cực đoan của tôi khiến mọi người căng thẳng. Những đòi hỏi của tôi về một sản phẩm hoàn hảo không thể thực hiện trong thời gian ngắn được. 

* Cầu toàn có khi nào trở thành rào cản cho chính anh? Nhưng hình như không phải vậy, tôi có cảm giác con đường của anh khá êm đềm...

- Đến bây giờ, tôi vẫn chưa có cảm giác chùn chân, mỏi gối vì trước khi bắt đầu làm một việc, tôi luôn lượng sức và có sự chuẩn bị cẩn trọng. Ví dụ, muốn hát nhạc Phạm Duy, tôi phải đi học, tìm hiểu về ông hay muốn hát nhạc kịch phải tìm trường lớp... Nhưng tôi luôn sống cho hiện tại, thay vì lo lắng cho những chuyện chưa xảy ra trong tương lai. Việc gì đến, tôi sẽ tìm cách giải quyết sau. Tôi thích những điều bất ngờ. 

Người ngoài nhìn vào có thể bảo con đường của tôi quá êm đềm, nhiều may mắn, song không phải như thế. Ai thành công không vấp ngã, ai muốn nếm mật không phải nằm gai. Tôi cũng vậy nhưng tôi không than vãn, kêu ca. 

* Chất giọng tốt giúp anh hát được sáng tác của nhiều nhạc sĩ, thuộc nhiều phong cách, nhưng nhìn ở mặt còn lại, khó định vị được màu sắc của Đức Tuấn...

- Tôi không phải là tắc kè hoa trong âm nhạc. Tôi chỉ biến âm nhạc của nhiều người trở thành âm nhạc tôi hát, theo phong cách của riêng tôi. Ví dụ, mọi người thường cho rằng hát nhạc Trịnh phải hát theo cách cô Khánh Ly nhưng tôi sẽ hát theo cách của Đức Tuấn. Và tôi cũng không có suy nghĩ phải làm sao cho thật khác cô ấy, để tự gây áp lực. Tôi luôn đề cao cái tôi nghệ thuật trong con đường âm nhạc của mình.

Tôi không phải cố gắng thay đổi định vị của khán giả, chỉ làm những gì thật nhất với cảm xúc. Có thể vì thế, con đường làm nghề của tôi sung sướng. Tôi tiếp cận các nhạc phẩm đều không theo khuôn mẫu nào cả, nên thỏa sức bay bổng, sáng tạo. Tôi không có nỗi sợ trong âm nhạc, rằng hát thế này khán giả không thích, hát thế kia họ không đón nhận.

Không toan tính với âm nhạc

* Các album của anh, phần lớn đều là những sáng tác đã định danh một thời gian dài trước đó. Điều đó cho thấy anh đang thiếu nhạc mới?

- Trước album nhạc Lam Phương, tôi từng cho ra mắt album toàn sáng tác mới của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh. Tôi không chỉ hát nhạc xưa. Những nhạc sĩ trẻ có nhiều ca khúc hay, bắt tai, hợp thị trường; tuy nhiên, tôi cần những điều khác. Tôi không hát nhạc mọi người đang thích, chỉ hát nhạc tôi thích. Tất nhiên tôi không thích, không đồng nghĩa bài hát đó dở.

MV của Đức Tuấn được ê-kíp của Ý khen ấn tượng

MV Ta sẽ hồi sinh được ca sĩ Đức Tuấn thực hiện từ ca khúc Ý Rinascerò, Rinascerai (sáng tác của nhạc sĩ Ý Roby Facchinetti, lời của Stefano D’Orazio) với phần chuyển ngữ của nhạc sĩ Hà Quang Minh, giới thiệu vào đầu tháng Sáu vừa qua. Ca khúc nói lên câu chuyện của thế giới giữa những cơn nguy nan nhưng vẫn giữ niềm tin sẽ vượt qua, sẽ tái sinh. 

Phần chuyển ngữ bám theo ý nghĩa gốc đã được Đức Tuấn sử dụng kết hợp với chính những cảm nhận của anh sau đợt đại dịch COVID-19. Anh mong muốn mọi người sẽ tôn trọng môi trường thiên nhiên hơn, phải trân trọng những người xung quanh mình hơn và gìn giữ những giá trị nhân bản cũng như đức tin của mình. MV sử dụng nhiều hình ảnh đẹp của thiên nhiên Việt Nam khiến người xem ấn tượng. 

Ê-kíp của các nhạc sĩ Ý dành lời khen ngợi cho Đức Tuấn thông qua sản phẩm này: “Chúng tôi rất ấn tượng với sản phẩm của các bạn - phần video rất đẹp mắt và Đức Tuấn là một nghệ sĩ thật tuyệt vời”.

Tôi hoặc sẽ hát nhạc nước ngoài thuần chất nước ngoài hoặc sẽ hát nhạc Việt Nam mang đậm chất Việt, không cưỡng âm, ca từ có tính thơ, bài hát giàu giai điệu. Đó là những tiêu chí để tôi ưu tiên lựa chọn. Có người bảo tôi cổ lỗ sĩ quá nhưng như vậy mới là Đức Tuấn.

Cần khẳng định âm nhạc Việt Nam là một kho đồ sộ, vì thế tôi không thiếu âm nhạc để thể hiện. Sau album nhạc Lam Phương, tôi có nhiều dự án để làm trong 10 năm tới.

* Nhạc Việt phát triển mạnh trên thị trường online. Thẳng thắn, việc bán đĩa, làm album không còn tốt nhưng anh vẫn tiếp tục làm album.

- Việc bán băng đĩa không tốt như ngày trước. Tuy vậy, khi sản xuất một album, lợi ích không chỉ đến từ việc bán đĩa, mà còn nhiều giá trị khác, khó thể cân đo đong đếm. Với riêng tôi, việc sản xuất album là điều cần thiết cho nghệ sĩ. Thậm chí, nếu khán giả không mua đĩa nữa, tôi vẫn làm, vì đó đã là đam mê. Tôi yêu điều gì sẽ yêu rất hồn nhiên, cuồng nhiệt, làm đến cùng. Khi sản xuất đĩa, người nghệ sĩ sẽ vận dụng được hết kỹ năng, học hỏi thêm và hoàn thiện mình, cũng sẽ tự khắt khe hơn với chính mình để cho ra sản phẩm tốt nhất.

* Trung thành với lý tưởng sản xuất đĩa, đó cũng là điều minh chứng cho vị thế của một ca sĩ?

- Ở vị thế hiện tại, tôi không cần phải minh chứng hay khẳng định điều gì với ai cả. Tôi chỉ làm điều tôi thấy thích. Tôi không toan tính lợi ích trong âm nhạc. Có người sẽ dùng tiền mua đất, mua nhà, đầu tư... còn tôi có thể dành hết cho âm nhạc. Đối với tôi cho là nhận. Khi bạn làm việc tử tế, hết lòng, ắt sẽ thu được thành quả tốt. Vì thế, tôi sống và hoạt động vô tư. 

Sự phức tạp của giới giải trí, thị trường âm nhạc là câu chuyện quay cuồng bão tố ở bên ngoài, còn tôi là tâm bão vẫn rất tĩnh lặng. Điều đó có nghĩa tôi luôn là một phần của thị trường âm nhạc hiện tại. Tôi ở giữa theo dõi sự quay cuồng của thị trường, biết mọi người đang làm gì nhưng không bị cuốn vào vòng xoáy đó. 

* Sự kết nối mà anh đề cập có lẽ không chỉ đến từ âm nhạc thuần chất mà còn thông qua những nhận định, phát ngôn liên quan đến ca sĩ trẻ, gần đây nhất là việc bày tỏ sẵn sàng dạy Chi Pu hát. Trong khi đó, nhiều người có vẻ dè dặt vì sợ động chạm?

- Mỗi nghệ sĩ có chức năng khác nhau trong nền âm nhạc hiện tại. Tôi và thế hệ của tôi không còn trẻ nên chức năng phục vụ giải trí không còn đặt nặng. Dù vậy, chức năng định hướng cần phải có. Chúng tôi đi trước, trải qua nhiều thứ, cần phải có tiếng nói đúng đắn, xem đó như là trách nhiệm. Vì thế, tôi không lo lắng về những sự đụng chạm khi phải chia sẻ những điều đúng đắn. 

* Nhìn rộng ra, anh thấy gì từ thị trường âm nhạc hiện tại, đặc biệt với thế hệ trẻ?

- Âm nhạc thời 4.0 có nhiều điều thú vị, tiện lợi, sức lan tỏa mạnh... Tôi vẫn đang đưa sản phẩm của mình lên nền tảng này nhưng số lượng hạn chế vì sự cầu toàn của bản thân. Tôi nghe nhạc online nhiều mà cũng giữ đĩa vật lý nhiều. Tôi là người giao thoa của hai xu thế âm nhạc. Việc đứng ở vạch giữa này đôi khi khiến tôi tốn nhiều thời gian để nghe và nắm bắt về thị trường.

Còn về YouTube, hiện tại, các bạn đang phát triển theo mô hình nghệ sĩ giải trí nên sản phẩm có thể nghiêng về phần xem nhiều hơn. Với tôi, các bạn đang làm giải trí, chứ chưa phải làm âm nhạc thực thụ. Nhưng đây cũng không phải vấn đề quá nghiêm trọng, bởi đó là xu thế tất yếu. Chúng ta đừng lo xa. Thế hệ chúng tôi vẫn đang làm âm nhạc giống như cột sống của thị trường. Nhìn vào một người nào đó ta thấy da thấy tóc, thấy cơ chứ đâu dễ thấy được cột sống nhưng không có nó cơ thể đó không tồn tại. 

Thế hệ chúng tôi lớn dần lên. Bên cạnh đó, có một lứa nghệ sĩ mới đang được đào tạo tốt, các bạn có thể giỏi hơn chúng tôi ở cùng độ tuổi đó. Họ đang theo đuổi thị trường nhưng khi đi qua giai đoạn này, các bạn sẽ có sự thay đổi trong tư duy để làm điều cần làm như chúng tôi hiện tại. Sự điều chỉnh này diễn ra hết sức tự nhiên. Sẽ có lúc chúng ta không còn thấy những cái tên đình đám hiện tại trên thị trường âm nhạc nữa. Công chúng vẫn hay quen nói rằng họ hết thời, trong khi thực tế, họ đang làm những việc khác, lớn hơn. 

Trên hết vẫn là gia đình

* Dường như âm nhạc là người bạn lớn trong đời anh. Tạm khép lại chúng, anh thấy cuộc sống của mình có đơn điệu quá không? 

- Tôi kết nối với mọi người thông qua âm nhạc tốt, còn cuộc sống riêng lại là câu chuyện khác. Có nhiều mối quan hệ hoặc cố phải làm thân nhưng chỉ để xã giao hoặc khiến phí phạm thời gian của nhau thì để làm gì? Tôi không cố để phải đi theo những lề thói, sự mặc định bên ngoài. Tôi sống hồn nhiên theo ý thích của tôi.

* Anh còn thích gì, ngoài âm nhạc?  

- Ngoài âm nhạc, tôi có niềm vui với thể thao. Tôi thích chạy bộ, chơi tennis, tập gym, xem phim, du lịch, sưu tập nhiều thứ. Tôi không phải người sử dụng thời gian hợp lý, chỉ có thể nói tôi trọn vẹn với mọi thứ tôi thích. Tôi luôn xoay xở để làm được hết những điều tôi muốn, mà đôi lúc tôi chẳng hiểu vì sao bản thân có thể làm được. 

Với âm nhạc, tôi làm cho mình nhiều nhưng với cuộc sống đời thường, tôi không giữ lại cho mình điều gì cả. Vì thế, tôi chẳng phải lăn tăn, tiếc nuối trước một tài sản, vật chất nào đó. Và trên cả âm nhạc, tôi vẫn dành vị trí hàng đầu cho hạnh phúc gia đình. Khi chúng ta xác định được điều gì quan trọng, tự khắc sẽ có sự điều chỉnh để làm mọi thứ tốt nhất cho chúng.

* Anh từng nghĩ đến một gia đình nhỏ hơn chứ? 

- Tâm hồn tôi vẫn rất trẻ. Tôi vẫn thích sự tự do. Tôi luôn có nơi để đi về, chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Ba mẹ tôi vẫn vui khi con sống cùng và chưa bao giờ lo lắng hay phàn nàn việc tôi chưa lập gia đình. Tôi chưa tìm được lý do để sống riêng. Tôi thích sau những giờ làm việc, hoạt động bên ngoài, được trở về với gia đình lớn và chăm sóc cho mọi người. Hạnh phúc với tôi đơn giản thế thôi. Cảm giác này quý hơn vật chất hay những thành tựu 
bên ngoài.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ! 

Thành Lâm (thực hiện) 
Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI