Đức tiếp tục ra điều kiện khó, Nga lắc đầu với G8

13/04/2016 - 14:29

PNO - Ngoại trưởng Đức mới đây đã đánh tiếng mời Nga quay trở lại G7, để trở lại thành G8, nhưng Nga không còn mặn mà nữa.

Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier vừa nêu ra hai điều kiện để Nga có thể quay trở lại nhóm G8. Điều kiện thứ nhất là Nga cần phải tiếp tục hợp tác với phương Tây trong quá trình giải quyết cuộc xung đột hiện nay ở Syria.

Điều kiện thứ hai là Nga cần phải thúc đẩy các điều kiện để giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine.

Duc tiep tuc ra dieu kien kho, Nga lac dau voi G8
Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier (Ảnh: en.cyplive.com)

Phát biểu trước cuộc họp, nhà ngoại giao hàng đầu Đức cho biết ông hy vọng nhóm sẽ trở lại là G8, giống như trước khi Nga bị loại khỏi nhóm.

Hãng thông tấn Đức DPA dẫn lời ông nói: "Tôi muốn hình thức G7 không kéo dài và chúng ta đưa ra các điều kiện để mang nhóm G8 trở lại".

Ông nhắc lại rằng, thực tế đã chứng minh, trong thời gia qua, không một cuộc xung đột quốc tế lớn nào có thể giải quyết nổi nếu thiếu Nga, đồng thời ghi nhận những đóng góp tích cực của Moscow trong tiến trình khắc phục cuộc khủng hoảng Syria. 

Duc tiep tuc ra dieu kien kho, Nga lac dau voi G8
Tổng thống Syria Assad sang Moscow gặp Putin ngày 20/10/2015

Tuy nhiên, với vị thế hiện nay, chưa hẳn Nga đã đánh giá sự quay trở lại G8 là vấn đề quan trọng.

Năm 1999, Nga gia nhập nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Italy, Pháp, Canada và Anh, để G7 đổi thành G8. 

Duc tiep tuc ra dieu kien kho, Nga lac dau voi G8
Các nhà lãnh đạo nhóm G8 tại khu nghỉ dưỡng Lough Erne, ở Bắc Ireland hồi năm 2013 (Ảnh: EPA)

Đến tháng 3 năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình và cuộc nội chiến ở nước láng giềng bùng lên ở Donbass, các đại diện của Câu lạc bộ G8 đã quyết định không tham gia hội nghị thượng đỉnh của khối ở Sochi, mà chuyển sang họp ở  Brussels.

Lãnh đạo các nước G7 khi đó tuyên bố rằng không muốn “ngồi chung mâm” với Nga cho đến khi lãnh đạo Nga thay đổi chính sách của mình đối với Crimea (trao trả Crimea cho Ukraine).

Duc tiep tuc ra dieu kien kho, Nga lac dau voi G8
Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh công nhận Crimea là một phần lãnh thổ Nga ngày 21/3/2014

Giới lãnh đạo Nga khi đó cũng rất cứng rắn khi cho biết Crimea là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Nga. G8 hay G7 cũng chỉ là mang tính hình thức vì những quyết định quan trọng chỉ có thể được thảo luận một cách hiệu quả trong khuôn khổ G20.

Trong chuyến thăm chính thức Italia hồi tháng 6-2015, khi trả lời câu hỏi của báo giới về việc nhóm G7 kêu gọi tăng cường trừng phạt Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin thản nhiên tuyên bố rằng, vào thời điểm này, Liên bang Nga chẳng có quan hệ gì với G7.

Đồng thời ông thẳng thắn chỉ trích “G7 không phải là một tổ chức. Đó là một dạng Câu lạc bộ theo sở thích”, họ chẳng có quyền gì cho hay không cho Nga gia nhập.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Sự thật Thanh niên (Nga) tháng 3-2014, trả lời câu hỏi liệu nhà lãnh đạo nước Nga có chút tiếc nuối nào về việc G-8 có thể loại Moscow, ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, nói rằng ông Vladimir Putin đã thản nhiên trả lời: “Không, không hề”.

Duc tiep tuc ra dieu kien kho, Nga lac dau voi G8
Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong số ít nguyên thủ quốc gia mong muốn Nga quay trở lại với G7. Ảnh: Reuters

Khi các nước G7 đe dọa tẩy chay hội nghị thượng đỉnh ở Sochi nhắm gây sức ép với Nga về vấn đề Crimea, đòi Moscow ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền lâm thời Ukraine, Tổng thống Nga đã không thèm đếm xỉa đến ý kiến của các nước phương Tây và không cần nếu các nước phương Tây không đến dự hội nghị G8 mà Nga đang chuẩn bị.

 Theo Chủ tịch Đoàn Chủ tịch hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga (SVOP) Fedor Lukianov, việc quay trở lại G-8 không có ý nghĩa nhiều đối với Nga.

G-20 mới là tổ chức Nga cần củng cố vị thế. Trung Quốc, thành viên của G-20, cũng là một cường quốc không tham gia vào G-7, nhưng vẫn là quốc gia có các chỉ số kinh tế tốt nhất thế giới.

Duc tiep tuc ra dieu kien kho, Nga lac dau voi G8
Chủ tịch Tập Cận Bình tại G20 - Ảnh: Reuters

Trước đó, Điện Kremlin đã nhiều lần tuyên bố rằng trong G-20, khuôn khổ hợp tác mà các quốc gia có vị thế bình đẳng và ít phụ thuộc vào Mỹ, việc hành động và tiến hành các thỏa thuận diễn ra thuận lợi hơn nhiều so với G-7.

Trong giai đoạn Nga bị cô lập nặng nề nhất, Tổng thống Nga Putin vẫn tận dụng các cuộc gặp trong khuôn khổ G-20 để tiến hành các thỏa thuận với giới lãnh đạo phương Tây.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI