Dự phòng tình huống xấu nhất để chống dịch hiệu quả

19/04/2021 - 06:58

PNO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Kiên Giang phải kiểm soát chặt việc qua lại trên toàn tuyến biên giới để ngăn dịch.

Ngày 18/4, làm việc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Kiên Giang trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh ở Campuchia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu địa phương này phải kiểm soát chặt việc qua lại trên toàn tuyến biên giới để ngăn dịch.

Chuẩn bị cả kịch bản xấu nhất 

Theo báo cáo của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, để kiểm soát hơn 14km đường biên giới trên bộ cùng 26km đường biên giới trên biển, đơn vị này đã lập 44 chốt cố định, bốn điểm gác, bốn tổ cơ động, tăng cường bốn ca nô cao tốc để tuần tra. Các cán bộ, chiến sĩ cũng “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để thông tin cho người dân về diễn biến của dịch bệnh, cách phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng, đề nghị người dân báo ngay cho chính quyền địa phương nếu phát hiện người lạ hoặc người về từ các vùng dịch. 

Lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát việ c nhập cảnh qua đường biển ở tỉ nh Kiên Giang ẢNH: TỪ NHÂN
Lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát việ c nhập cảnh qua đường biển ở tỉ nh Kiên Giang ẢNH: TỪ NHÂN

Trong thời gian qua, đồn đã tiếp nhận 3.373 người Việt Nam nhập cảnh từ Campuchia về, tiếp nhận sự bàn giao từ phía Campuchia 25 trường hợp vi phạm các quy định về cư trú, nhập cảnh tại nước bạn. Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng cửa khẩu cũng đã bắt hai vụ xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Kiên Giang cần tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; tăng cường kiểm tra trên biển để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh theo người xâm nhập, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra, kể cả các tình huống xấu nhất, để chủ động ứng phó. Theo đó, cần xây dựng các kịch bản, phương án cách ly, phong tỏa khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập hay ca bệnh trong cộng đồng; nâng cao năng lực, công suất xét nghiệm với sự hỗ trợ từ Viện Pasteur TP.HCM để hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của dịch đến đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xác định, trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát, Bệnh viện đa khoa Hà Tiên là đơn vị tuyến đầu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là các trường hợp nặng. Hiện bệnh viện này có khả năng tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân COVID-19 khi cần thiết, có thể điều trị hiệu quả các trường hợp bệnh nhân ở mức độ trung bình và nặng.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, sẽ có các phương án hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao năng lực y tế của địa phương, đáp ứng phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ tăng cường trang bị máy thở cho bệnh viện, chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cử chuyên gia trực tiếp hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Hà Tiên nhằm nâng cao năng lực điều trị tại chỗ, đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng.

Ngoài ra, bộ sẽ kết nối bệnh viện với hệ thống hội chẩn, điều trị cả nước nhằm huy động lực lượng chuyên gia khi cần thiết. Về công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đánh giá các tỉnh biên giới phía Tây Nam là khu vực nóng nên đã dành ưu tiên trong các kế hoạch tiêm chủng. Tất cả lực lượng biên phòng ở tỉnh Kiên Giang đã được tiêm phòng mũi thứ nhất và sắp tới sẽ tiêm mũi thứ hai.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp 

Theo ông Lê Quốc Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Tiên - để kiểm soát tình trạng qua lại trái phép và buôn lậu qua đường mòn, lối mở, trong thời gian qua, địa phương đã tổ chức phối hợp nhiều lực lượng gồm bộ đội biên phòng, cảnh sát cơ động và dân quân tự vệ. Ngoài chốt chặn và tuần tra tuyến biên giới, địa phương còn lập tuyến sau vành đai biên giới với bảy chốt do công an thành phố, công an xã chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân quản lý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở tỉnh Kiên Giang trong ngày 18/4 - Ảnh: Từ Nhân
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở tỉnh Kiên Giang trong ngày 18/4 - Ảnh: Từ Nhân

TP.Hà Tiên có năm khu cách ly tập trung có khả năng tiếp nhận, cách ly 720 người. Số đang cách ly tập trung và điều trị tính đến chiều 17/4 là 161 người; số mắc COVID-19 là 38 người, đã điều trị khỏi 19 trường hợp. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên sau ngày 20/2. Trung tâm Y tế TP.Hà Tiên cũng được Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang hỗ trợ một tổ điều trị tăng cường, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Kiên Giang điều động một tổ hỗ trợ giám sát chuyên môn về dịch tễ, cách ly, hướng dẫn các nội dung trong khu cách ly.

Lãnh đạo TP.Hà Tiên kiến nghị Bộ Y tế xem xét, cung cấp đủ lượng vắc-xin phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên tiêm ở TP.Hà Tiên, gồm 6.686 người. Hiện nay, theo kế hoạch của tỉnh, số vắc-xin phân bổ cho Hà Tiên chỉ 2.243 liều. Hà Tiên đã thông qua UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập bệnh viện dã chiến, đồng thời đề nghị hỗ trợ TP.Hà Tiên trang thiết bị dùng để điều trị COVID-19.
Ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư thường trực tỉnh Kiên Giang - cho biết, Kiên Giang cần chi viện năng lực điều trị cũng như trang thiết bị và cần có bệnh viện dã chiến. Tỉnh kiến nghị với Bộ Y tế, với Chính phủ hỗ trợ để TP.Hà Tiên sớm có bệnh viện dã chiến và có đầy đủ trang thiết bị để điều trị, kể cả cấp cứu bệnh nhân nặng. 

Trong một ngày, Campuchia có thêm 618 ca nhiễm mới

Hiện số ca nhiễm ở Campuchia đang tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Vừa qua, trong 11 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, có đến 10 người nhiễm COVID-19. Chính vì vậy, nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm từ biên giới là rất lớn. 

Tại tỉnh An Giang, trước tình hình dịch bệnh ở Campuchia diễn biến phức tạp và có hai ca nhiễm COVID-19 nhập cảnh trái phép qua Cửa khẩu Long Bình, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã họp khẩn bàn các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo thông tin từ cuộc họp, Chính phủ Campuchia quyết định đóng cửa thủ đô Phnom Penh và thị trấn Takmao, tỉnh Kandal trong 14 ngày tính từ 0g ngày 15-28/4 để phòng, chống dịch. Hiện Campuchia có hơn 5.770 ca nhiễm COVID-19, trong đó có khoảng 4.300 người liên quan “sự kiện cộng đồng ngày 20/2”. Ngày 18/4, dù áp dụng biện pháp phong tỏa và giới nghiêm, Campuchia vẫn ghi nhận 618 ca dương tính mới, tăng vọt so với 291 ca của ngày 17/4.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở 13 tỉnh, thành

Trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành mới đây về phòng, chống dịch COVID-19, đại diện Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất hiện nay là biên giới Tây Nam và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 

Bộ Y tế đề nghị các địa phương và lực lượng biên phòng giữ thật vững, thật chắc khu vực biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, cách ly nghiêm ngặt. Nếu buông lỏng, lơ là, để bệnh nhân nhập cảnh trái phép làm lây lan vi-rút SARS-CoV-2, đặc biệt các biến chủng mới, thì việc kiểm soát tại cộng đồng sẽ rất khó khăn. Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải sẵn sàng khi có dịch. Theo đó, cần nâng cấp cơ sở xét nghiệm để đáp ứng việc lấy mẫu xét nghiệm, chuẩn bị cho kịch bản cách ly trên diện rộng, chuẩn bị hậu cần cho cách ly, chuẩn bị tình huống cho công tác điều trị… 

Từ ngày 18-30/4, Bộ Y tế thành lập năm đoàn công tác do bộ trưởng và các thứ trưởng dẫn đầu để kiểm tra, tăng cường công tác phòng, chống COVID-19 tại 13 tỉnh, thành có chung đường biên giới với Campuchia, tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. 

Tiêm vắc-xin cho lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới

Ngày 18/4, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An cho biết, đơn vị đã tổ chức tiêm cho hơn 700 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chống dịch ở tuyến biên giới Tây Nam. Sau khi được khám sàng lọc, các cán bộ, chiến sĩ được tiêm mũi thứ nhất và theo dõi sức khỏe tại chỗ trong ba giờ. Qua theo dõi, chưa có trường hợp nào phản ứng sau tiêm. Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử “đã được tiêm vắc-xin”.
Trong quá trình diễn ra tiêm vắc-xin COVID-19, đơn vị thực hiện đã đảm bảo quy trình an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống dịch bệnh, bố trí các khu vực tiếp nhận, khám sàng lọc, khu vực tiêm chủng, khu vực theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm với đầy đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn an toàn tiêm chủng của cơ quan y tế.
Trước đó, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng các tỉnh An Giang, Kiên Giang đã lần lượt được tiêm vắc-xin COVID-19 theo phân bổ của Bộ Y tế. Các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch tại nhiều tỉnh, thành của miền Tây Nam Bộ cũng đã được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. 

Tiêm vắc-xin cho lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới Ngày 18/4, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An cho biết, đơn vị đã tổ chức tiêm cho hơn 700 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chống dịch ở tuyến biên giới Tây Nam. Sau khi được khám sàng lọc, các cán bộ, chiến sĩ được tiêm mũi thứ nhất và theo dõi sức khỏe tại chỗ trong ba giờ. Qua theo dõi, chưa có trường hợp nào phản ứng sau tiêm. Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử “đã được tiêm vắc-xin”. Trong quá trình diễn ra tiêm vắc-xin COVID-19, đơn vị thực hiện đã đảm bảo quy trình an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống dịch bệnh, bố trí các khu vực tiếp nhận, khám sàng lọc, khu vực tiêm chủng, khu vực theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm với đầy đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn an toàn tiêm chủng của cơ quan y tế. Trước đó, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng các tỉnh An Giang, Kiên Giang đã lần lượt được tiêm vắc-xin COVID-19 theo phân bổ của Bộ Y tế. Các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch tại nhiều tỉnh, thành của miền Tây Nam Bộ cũng đã được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Tiêm vắc-xin cho lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới 

Huyền Anh-Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI