Du lịch tái tạo và món quà đáp lễ của du khách

04/07/2023 - 06:21

PNO - Theo báo cáo “Tương lai của nhu cầu du lịch toàn cầu” do tổ chức Tourism Australia công bố vào tháng 11/2022, thời kỳ “bế quan” trong đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mọi người “tái kết nối” mạnh mẽ hơn thông qua du lịch.

Trong số gần 24.000 người được khảo sát, khoảng 1/6 đang tìm kiếm sự kết nối, cơ hội thư giãn, vui vẻ cùng gia đình và bạn bè, phục hồi sức khỏe tinh thần và thể chất thông qua các hoạt động dựa vào thiên nhiên hoặc khám phá các điểm đến và nền văn hóa mới. 

Báo cáo cũng cho biết, du lịch bền vững, bản địa và tái tạo là những ưu tiên mới nổi của ngành. Diane Dredge - Giám đốc của Tourism CoLab, tổ chức nghiên cứu về cách du khách có thể đền đáp cho cộng đồng địa phương và môi trường - chia sẻ: “Có một sự thay đổi lớn đang diễn ra. Mọi người tìm kiếm những trải nghiệm có thể kết nối lại họ với thiên nhiên, với người dân địa phương và trải nghiệm văn hóa cũng như những phẩm chất đặc biệt của địa phương”. 

Tour đi bộ kết hợp khám phá thiên nhiên và nghệ thuật bản địa đã trở nên phổ biến ở khu vực East Gippsland, Úc như một phần của xu hướng du lịch tái tạo - ẢNH: RACHAEL LUCAS-ABC GIPPSLAND
Tour đi bộ kết hợp khám phá thiên nhiên và nghệ thuật bản địa đã trở nên phổ biến ở khu vực East Gippsland, Úc như một phần của xu hướng du lịch tái tạo - Ảnh: Rachel Lucas-Abc Gippsland

Nguồn khách của du lịch tái tạo thường là những người quan tâm đến lượng khí thải carbon và những gì mà địa phương phải đánh đổi để tạo trải nghiệm tốt cho họ. Từ đó, những du khách với lòng vị tha này có thể tham gia tình nguyện tại một lễ hội địa phương, ăn sáng tại quán cà phê của doanh nghiệp xã hội hoặc mua các sản phẩm địa phương từ chợ. Leanne Flaherty - thành phố Sale, bang Victoria (Úc) - bắt đầu tham gia tình nguyện tại lễ hội Garma ở Arnhem Land vào năm 2014. Cô Flaherty nói hoạt động tình nguyện khá mệt nhưng cũng rất bổ ích, đem đến những cơ hội trải nghiệm mà cô sẽ không bao giờ có được nếu là một khách du lịch thông thường, chẳng hạn như cắm trại dưới những vì sao cùng những người lớn tuổi từ bộ tộc Yolngu bản địa, chia sẻ tiếng cười và món trà thảo mộc. 

Trong khi đó, Hawaii đã dành nhiều năm để chuyển đổi từ một sân chơi du lịch thành điểm đến có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Kalani Ka’anā’anā - Giám đốc thương hiệu của Cơ quan Du lịch Hawaii (HTA) - giải thích, cư dân Hawaii từ lâu đã khó chịu với khách du lịch đi bộ qua những nơi linh thiêng, phá hoại không gian tự nhiên và khiến các gia đình địa phương gần như không thể tụ tập trên bãi biển vào cuối tuần. Vì vậy, HTA đã cùng người dân địa phương nghiên cứu, đưa ra hàng chục giải pháp, từ lệnh cấm kem chống nắng vốn nguy hại cho rạn san hô, cho đến các hệ thống đặt chỗ trước tại những điểm tham quan thường xuyên quá tải như vịnh Hanauma của đảo Oahu hoặc công viên bãi biển Haena của đảo Kauai. 

Ở Hawaii, cách dễ nhất để mọi người thực hiện du lịch tái tạo là tham gia chương trình Malama Hawaii để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương. Theo đó, các khách sạn sẽ giảm giá cho những du khách đồng ý tham gia các hoạt động xã hội như trồng cây hoặc khôi phục các đầm cá bản địa. Cô Michele Bigley - một du khách từ Mỹ - chia sẻ: “Gia đình tôi có chuyến tham quan Blue Aina (lặn ống thở và dọn dẹp rạn san hô) tại đảo Maui.

Bộ dụng cụ dọn dẹp được quấn quanh cổ tay mỗi người. Nhiệm vụ của chúng tôi là quan sát những loài cá của bang Hawaii và nhặt rác. Tôi rất vui khi không nhặt được gì - một dấu hiệu tích cực cho thấy hiệu quả của các biện pháp làm sạch môi trường biển. Khám phá rạn san hô với người dân địa phương giúp chúng tôi có thêm kiến thức và mang đến cơ hội trả ơn những người đang bảo vệ hệ sinh thái bằng chi phí cho chuyến đi. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đó chính là du lịch tái tạo”. 

Ngọc Hạ (theo ABC.net.au, Subaru Drive)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI