Du lịch: Đừng để lỡ cơ hội đón khách quốc tế

26/11/2021 - 06:51

PNO - Những vị khách quốc tế đầu tiên đã trở lại Việt Nam trong niềm vui, hy vọng mới của các doanh nghiệp lữ hành, nghỉ dưỡng… Các doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý cần sớm công bố các quy định mở, giúp họ mạnh dạn xúc tiến kế hoạch đón khách quốc tế, nhất là khi áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực đang tăng.

Tín hiệu vui từ Phú Quốc, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Những du khách quốc tế đầu tiên sau đại dịch đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 17/11 - ẢNH: Đ.DŨNG
Những du khách quốc tế đầu tiên sau đại dịch đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 17/11 - Ảnh: Đ.Dũng

15g40 ngày 17/11, chuyến bay số hiệu VN417 của Hãng Hàng không Vietnam Airlines từ Incheon (Hàn Quốc) đã hạ cánh sân bay quốc tế Đà Nẵng, đưa đoàn khách quốc tế đầu tiên sau thời gian dài dịch bệnh đến miền Trung. Đoàn khách đã lưu trú tại khu nghỉ dưỡng New World Hoiana (xã Duy Hải, H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). 

Trưa 20/11, đoàn du khách Hàn Quốc 204 người cũng đã đáp xuống sân bay quốc tế Phú Quốc, bắt đầu tour nghỉ dưỡng khép kín 4 ngày 3 đêm.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp (DN) đang chuẩn bị đón các đoàn khách quốc tế tiếp theo như Công ty Hanatour sẽ đón 1.500 khách/tháng; Công ty Mode (từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022) đón khoảng 3.000 khách; Công ty Anex (tour khách Nga) đón 2.000 - 4.000 khách/tháng; Công ty Highland Marketing đón 600 khách tháng 12/2021 và 1.500 khách vào các tháng Một và tháng 2/2022; Công ty His Sông Hàn đón 300 khách vào tháng 12/2021… 

Sau gần hai năm tạm ngưng vì dịch, những đoàn khách quốc tế đầu tiên nói trên đã đánh dấu sự kiện “rã băng” của mảng du lịch quốc tế. Điều kiện để khách quốc tế tham gia chương trình tour du lịch khép kín đến Quảng Nam, Phú Quốc là “hộ chiếu vắc xin”, xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trước khi khởi hành…

Mới đây UBND TPHCM đã trình Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vắc xin” từ tháng 12/2021 đến hết năm 2022. 

Theo UBND TPHCM, việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19 đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế. Một số quốc gia đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin cao đã khôi phục hoạt động du lịch nội địa và quốc tế cho khách đã tiêm vắc xin, đơn cử Thái Lan, Singapore.

Hiện Việt Nam đang tạm thời công nhận “hộ chiếu vắc xin” của hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và tiến hành trao đổi với gần 80 đối tác khác để công nhận lẫn nhau. Năm địa phương là Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng đã được chấp thuận chủ trương thí điểm đón khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vắc xin”. TPHCM có đủ điều kiện để có thể đón khách quốc tế trở lại từ tháng 12.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho biết, trong giai đoạn này, thành phố (TP) nỗ lực làm mới các sản phẩm du lịch, trước mắt phục vụ cho “người TP du lịch TP”. 

Thời gian tới, TPHCM sẽ thí điểm, cho phép các DN lữ hành quốc tế đủ điều kiện đón khách đến TPHCM theo chương trình du lịch trọn gói khép kín. Khách đến TP thông qua các chuyến bay thuê chuyến, chuyến bay quốc tế thường lệ và chỉ tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi theo đúng lộ trình định sẵn nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Dự kiến tháng 1/2022, TP sẽ đón khách quốc tế và có thể kết hợp nhiều điểm đến giữa TP và các địa phương. Kể từ tháng 4/2022, TP sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, TP cũng đề xuất mở lại một số đường bay từ TPHCM đến San Francisco, Los Angeles (Mỹ), London (Anh), Frankfurt (Đức)… 

Đánh giá về thuận lợi của TPHCM , bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng tỷ lệ người dân đã tiêm vắc xin hiện đạt mức cao, mũi 1 đạt tỷ lệ gần 100%, mũi 2 đạt trên 90%. Với điều kiện này, TPHCM hoàn toàn có thể thí điểm và khai thác hiệu quả mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng 12/2021 đến cuối năm 2022 (mùa đông, đón Giáng sinh, năm mới 2022, tết Nguyên đán, các sự kiện du lịch MICE cuối năm và đầu năm…). 

Theo bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM - hiện vấn đề khiến các DN lữ hành lo lắng là việc công nhận “hộ chiếu vắc xin” như thế nào, khách đến có bị cách ly hay không. 

Tàu biển cao cấp Celebrity Constellation cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) đưa khách quốc tế tham quan các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung năm 2019, khi chưa có dịch COVID-19 ẢNH: THUẬN HÓA
Tàu biển cao cấp Celebrity Constellation cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) đưa khách quốc tế tham quan các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung năm 2019, khi chưa có dịch COVID-19 - Ảnh: Thuận Hóa

Cần mở cửa mạnh dạn hơn

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM , ông Phạm Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group chuyên cung cấp dịch vụ du thuyền hạng sang tại Quảng Ninh - cho biết, việc ngành du lịch công bố và thống nhất kế hoạch đón khách cần thực hiện càng sớm càng tốt do các nước Đông Nam Á đã đón khách thương mại, tạo sự cạnh tranh lớn.

“Nếu chúng ta chỉ dừng ở kế hoạch, thí điểm hoặc e dè trong việc mở cửa sẽ lỡ mất cơ hội. Cụ thể, việc chậm mở cửa, chần chừ công bố hộ chiếu vắc xin, hạn chế truyền thông điểm đến với khách quốc tế sẽ khiến Việt Nam lỡ mất nhiều “booking”, ông Phạm Hà dẫn chứng và cho biết kể từ năm 2019, nhóm khách tiềm năng của đơn vị ông từ châu Âu, Mỹ, Úc, Đức cho biết rất mong muốn đến Việt Nam.

Hiện tại Lux Group chưa khai thác giai đoạn 1 trong việc đón khách quốc tế dưới hình thức chuyến bay charter (chuyến bay thuê trọn gói). Trong khi toàn bộ hệ sinh thái của đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng để đón khách và đang trông chờ kế hoạch tháng 1/2022 (giai đoạn 2). Theo ông Phạm Hà, điều quan trọng nhất quyết định khách quốc tế chọn đến Việt Nam là phải đảm bảo họ không bị cách ly. 

Ông Nguyễn Ngọc Tấn - Tổng Giám đốc Công ty Vận chuyển và Du lịch Saco - cho biết Saco đã chuẩn bị nhiều chương trình, chủ yếu là “city tour”, liên kết du lịch đưa khách về đồng bằng sông Cửu Long. Ví dụ như tour một ngày, hai ngày đặc biệt là các tour Cần Giờ, Củ Chi. “Vừa qua TPHCM đã liên kết một số tỉnh ví dụ Khánh Hòa, miền Trung để làm chương trình khép kín. Tôi mong mở cửa đến đâu thì an toàn đến đó. Hy vọng TPHCM sẽ đón nhiều đoàn khách quốc tế như Phú Quốc, Hội An, Đà Nẵng đang làm”, ông Tấn nói thêm.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel - thì đề xuất Bộ VHTTDL cần có chiến dịch truyền thông để thế giới biết đến việc mở cửa đón khách quốc tế của Việt Nam. Đây là điều mà Thái Lan và Singapore đã làm rất tốt. Thông thường, lịch nghỉ dưỡng của khách nước ngoài được lên kế hoạch trước từ 4-6 tháng. Nếu bây giờ mở tour thì sẽ đón khách vào khoảng quý I/2022. Với các khách ở thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ, họ thường đã có kế hoạch du lịch từ trước sáu tháng đến một năm, DN sẽ phải mất nhiều thời gian để tiếp thị.

Du lịch miền Trung đẩy mạnh ứng dụng số

Bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng - chia sẻ: Từ tháng cuối năm 2016, Đà Nẵng đã ra mắt app du lịch giúp du khách có thể tự vạch ra kế hoạch du lịch, thu hút hơn 100.000 lượt tải. Tháng 11/2017, Đà Nẵng trở thành một trong những nơi đầu tiên tại Đông Nam Á triển khai Chatbot giúp tương tác với du khách nhiều hơn và đưa vào hoạt động tài khoản Zalo Danang FantastiCity; liên kết với nhiều trang thương mại điện tử khác trong và ngoài nước để kết nối nhu cầu…

“Đặc biệt ngày 28/10/2021, ứng dụng thực tế ảo VR360 các điểm đến du lịch Đà Nẵng được ra mắt tại địa chỉ https://vr360.danangfantasticity.com/ với nhiều tính năng ưu việt: trải nghiệm thú vị tour khám phá Đà Nẵng với thuyết minh tự động; bố cục hình ảnh hiển thị mãn nhãn với âm thanh sống động; chat trực tiếp với Trung tâm Hỗ trợ du khách; công nghệ dẫn đường giúp du khách dễ dàng di chuyển; tương tác, kết nối với người dùng thông qua tính năng chụp ảnh và săn quà may mắn. Đây là sản phẩm hoàn toàn mới của du lịch Đà Nẵng để hướng tới chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Sau hai tuần ra mắt, ứng dụng VR360 của du lịch Đà Nẵng đã đạt 5.400 lượt trải nghiệm”, bà An nói.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam - cũng cho biết: “Từ vài năm trước, ngành du lịch Quảng Nam đã nghĩ đến chuyển đổi số trong ngành, nhất là số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến du lịch thông minh. Lần này, từ tác động của đại dịch COVID-19, vấn đề này càng quan trọng, cần triển khai ngay. Hơn nữa, thế giới đã và đang ứng dụng chuyển đổi số mạnh cho nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch”.

Theo đó, sở tập trung thực hiện số hóa dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, DN lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch, các di tích danh thắng… trên địa bàn tỉnh; xây dựng nền tảng hệ thống du lịch thực tế ảo trên bản đồ số và công nghệ VR360 đối với các khu, điểm du lịch, di tích danh thắng do Nhà nước quản lý, đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách khi đến với Quảng Nam.

 Quốc Thái - Đình Dũng - Nguyễn Dương 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI