Du lịch châu Á gượng dậy bằng tour trong nước

04/09/2021 - 06:57

PNO - Từ Vạn Lý Trường Thành đến thung lũng Kashmir đẹp như tranh vẽ, các điểm du lịch của châu Á đang tìm kiếm du khách trong nước để vượt qua năm thứ hai của đại dịch.

Với việc du lịch quốc tế bị hạn chế nhiều, du khách nước ngoài không thể nhập cảnh vào nhiều quốc gia và người dân địa phương cũng không thể ra ngoài. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc, trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm 95% trong năm tháng đầu năm, so với cùng kỳ trước đại dịch năm 2019.

Đi cắm trại qua đêm trở thành xu hướng mới của người dân Hồng Kông trong thời dịch
Đi cắm trại qua đêm trở thành xu hướng mới của người dân Hồng Kông trong thời dịch

Mở cửa du lịch nội địa

Các biến thể mới của virus luôn là mối đe dọa thường xuyên đối với bất kỳ sự phục hồi nào ngay cả du lịch trong nước. Chính vì thế, ở những nước có số ca nhiễm giảm dần, họ bắt đầu nới lỏng giãn cách và cho phép du lịch trong nước.

Điển hình như Ấn Độ, sau khi có số ca nhiễm khoảng 30.000 ca/ngày, giảm so với mức cao nhất 400.000 ca/ngày vào tháng Năm, họ bắt đầu mở cửa du lịch nội địa. Những ngày này, khách du lịch đã quay trở lại các thung lũng và núi ở Kashmir. Những chiếc “shikaras”, hay những nhà thuyền truyền thống của người Kashmir, đã hoạt động trở lại trên mặt nước phẳng lặng của hồ Dal, khi du khách đến đây ngày càng nhiều.

Cô dâu trẻ Nihaarika Rishabh cho biết, cô và chồng cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng được rời khỏi nhà để đi hưởng tuần trăng mật. “Kỳ nghỉ ở Kashmir đã giúp chúng tôi xoa dịu thần kinh sau nhiều tháng sống trong khủng hoảng đại dịch”, cô nói. Ali, chủ nhà thuyền, rất vui vì lượng khách đến tham quan ngày càng đông. Ông nói: “Chúng tôi đã phải chịu đựng trong hai năm qua. Sinh kế của chúng tôi phụ thuộc vào du lịch”.

Cũng giống như Ấn Độ, các biện pháp kiểm soát virus nghiêm ngặt đã cho phép Trung Quốc trở lại cuộc sống tương đối bình thường. Theo trip.com, nền tảng đặt phòng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc thì số lượng khách du lịch đến Bắc Kinh trong tháng Sáu, Bảy đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với những ca nhiễm mới từ biến thể Delta làm cho các đợt bùng phát vào tháng Bảy, Tám đã khiến nhà chức trách phải đình chỉ các chuyến bay và chuyến tàu đến các thành phố bị ảnh hưởng. Các công viên và bảo tàng giảm lượng khách đến 60% công suất.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), việc du lịch nước ngoài khó khăn đã giúp mô hình cắm trại hoặc cắm trại kiểu hào nhoáng 5 sao phổ biến ở nước này. Nhiều địa điểm đã cung cấp dịch vụ giường, tắm vòi sen, quầy nướng BBQ… cho người cắm trại. Bill Lau, người sáng lập nền tảng du lịch Hồng Kông Holimood, nói rằng các gia đình và cặp đôi cần tìm một nơi nào đó để đi trong những ngày cuối tuần. Vì thế, mô hình này tạo lại trải nghiệm du dịch, dù chỉ là một trải nghiệm qua đêm.

Hy vọng khởi sắc cuối năm

Từng là những quốc gia an toàn trong đợt dịch năm ngoái nhưng hiện tại, Thái Lan, Việt Nam, Philippines… đang căng mình chống dịch COVID-19 và những dự tính mở cửa du lịch gần như phá sản. 

Là đất nước sống phần lớn phụ thuộc vào du lịch, Thái Lan từng đón 20 triệu du khách vào năm trước đại dịch nhưng nay, những người sống phụ thuộc vào du lịch phải chật vật sống qua ngày.

“Chúng tôi vẫn ở đây vì chúng tôi không biết phải làm gì khác”, một người dân tên Ruedewan Thapjul nói. Suthipong Pheunphiphop - Chủ tịch Hiệp hội Địa lý du lịch Thái Lan - thúc giục chính phủ cam kết kế hoạch mở cửa cho khách du lịch nước ngoài vào tháng Mười. Tại Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến các bộ, ngành về đề án thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến đảo Phú Quốc từ tháng 10/2021.

Singapore sau khi trở thành nước đầu tiên trên thế giới tiêm đủ hai mũi cho 80% dân số cũng đã gỡ bỏ một số hạn chế và dần khôi phục lại ngành công nghiệp du lịch. Tuy nhiên, chính phủ nước này cũng khá thận trọng, đảo quốc sư tử vẫn yêu cầu người nhập cảnh từ nước ngoài phải cách ly hai tuần trong khách sạn. 

Khánh Anh (theo AP, Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI