Dự án thủy điện tràn lan: Dân đang nai lưng gánh hậu quả

06/04/2016 - 14:30

PNO - Sao người ta cứ làm dự án và thẩm định một cách tùy tiện, theo kiểu “tới đâu hay tới đó”, “hư đâu sửa đấy”?

Tôi có một vấn đề cứ mãi băn khoăn là tại sao những dự án, đặc biệt là dự án thủy điện, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng người dân mà cứ phải đợi đến khi đi vào vận hành mới đánh giá, xem xét tác động của nó và tìm cách khắc phục? Sao người ta cứ làm dự án và thẩm định một cách tùy tiện, theo kiểu “tới đâu hay tới đó”, “hư đâu sửa đấy”? Phải chăng vì lợi ích kinh tế ngấm ngầm nào đó mà người ta dễ dãi “cho qua”, xảy ra tai họa gì thì “hạ hồi phân giải”?

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo về tình hình xây dựng, vận hành hồ chứa thủy điện An Khê-Kanak thời gian qua, đề xuất giải pháp để bảo đảm nguồn nước phục vụ cuộc sống nhân dân vùng hạ lưu sông Ba (thuộc các tỉnh Gia Lai và Phú Yên).

Trước đó, tại phiên thảo luận vào ngày 1/4, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (tỉnh Gia Lai) cho rằng, công trình thủy điện An Khê - Kanak (được xây dựng trên sông Ba, thuộc huyện Kbang, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai và huyện Sơn Tây, tỉnh Bình Định với diện tích lưu vực 1.236km2 , do EVN làm chủ đầu tư) là “công trình sai lầm thế kỷ”, vì đã liều lĩnh chặn hẳn một dòng sông lớn, điều mà trên thế giới chưa ai dám làm. Hậu quả là từ khi công trình An Khê-Kanak hoàn thành, năm nào cũng có hạn hán, lũ lụt, dẫn đến thiệt hại lớn cho hàng triệu người dân, cả ở Gia Lai lẫn Phú Yên.

Từ khi khởi công (năm 2005), hoàn thành (năm 2009) đến nay, công trình thủy điện An Khê-Kanak liên tục gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, ai chịu trách nhiệm? Và những thiệt hại do hạn hán, lũ lụt (trong đó có nguyên nhân từ việc xả lũ không hợp lý) của hàng loạt công trình thủy điện lớn nhỏ ở miền Trung trong nhiều năm qua, những nơm nớp lo sợ của hàng trăm ngàn hộ dân Quảng Nam khi phải sống chung cùng “quả bom nước” Sông Tranh 2 trong vùng thường xuyên xảy ra động đất, ai là người bồi thường cho dân?

Rõ ràng, chỉ có người dân nai lưng gánh chịu hậu quả. Cần nhớ rằng, chỉ trong tám tháng, từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2013 đã có ba vụ vỡ đập thủy điện tại Đăk Krông 3, Quảng Trị; Đăk Mêk 3, Kon Tum và Ia Krel 2, Gia Lai; một vụ tràn đập tại Hố Hô, Hà Tĩnh, một vụ vỡ đường ống áp lực công trình thủy điện Đăm Bol, Đạ Tẻh, Lâm Đồng và một vụ sập hầm thủy điện tại Đạ Dâng - Đạ Chomo, Lâm Đồng.

Du an thuy dien tran lan: Dan dang nai lung ganh hau qua
Công trình thủy điện An Khê-Kanak liên tục gây ảnh hưởng đến đời sống người dân

Lại nhớ đến dự án công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư), một dự án suýt “được” triển khai, bởi mọi bước trong quy trình làm dự án đều được thông qua trót lọt, trong đó có cả “báo cáo tác động môi trường”, trong khi các nhà khoa học cho rằng nếu nó được triển khai, sẽ ảnh hưởng rất xấu đến môi trường và nhiều mặt của đời sống.

Năm 2013, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái gửi công văn khẩn đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường có báo cáo và kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho dừng và loại bỏ hai dự án thủy điện này ra khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai, do vi phạm các quy định của luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế. Chỉ trong năm 2013, Chính phủ đã cho tạm dừng hoặc loại bỏ trên 400 dự án thủy điện lớn nhỏ trong cả nước. Bấy giờ, người ta mới giật mình: sao nhiều dự án thủy điện đến thế? Tất nhiên, dự án nào cũng được khoác chiếc áo “giúp dân có điện”, nhưng chắc chắn đây là lĩnh vực đầu tư mang lại lợi nhuận “khủng” mới thu hút đến vậy.

Trong vai trò của mình, Quốc hội và Chính phủ cần siết lại vấn đề quản lý dự án, trong đó phải quy được trách nhiệm cụ thể nếu dự án gây thiệt hại cho dân. Nhất thiết phải có một quy trình nghiêm ngặt hơn về phê duyệt dự án, trong đó yêu cầu mỗi một dự án thủy điện phải có đủ luận chứng khoa học về kinh tế, xã hội, môi trường, nhất là phải có báo cáo phân tích những tác động của dự án đối với đời sống người dân và hội đồng thẩm định phải có tính độc lập, có sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan. Việc xây dựng công trình phải do các tổ chức khoa học - công nghệ có năng lực giám sát về mặt kỹ thuật. Trên hết, dự án phải tiếp thu góp ý của người dân và vận hành dưới sự giám sát của người dân.

Văn Dân (TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI