​Dồn toàn lực xây Vành đai 3

11/03/2022 - 18:21

PNO - Tại hội thảo về đường Vành đai 3 tổ chức chiều 11/3, lãnh đạo các địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cùng đông đảo chuyên gia đầu ngành đều thống nhất việc triển khai dự án là hết sức cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Chậm ngày nào, thiệt hại lớn ngày đó

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh với quyết tâm chính trị cao của các địa phương liên quan, đến nay dự án đã hoàn thành Báo cáo tiền khả thi, trình Thủ tướng xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới đây. Ông Mãi tin tưởng hội thảo sẽ là đóng góp quan trọng nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án đường Vành đai 3 để được Quốc hội thông qua.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: P.T
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: P.T

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, Vành đai 3 được ví là “con gà cao sản đẻ trứng vàng”, đến nay không còn bàn đến tính cần thiết đầu tư dự án mà phải nói là đã quá cấp thiết. 

Hiện nay, các tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, các tuyến Quốc lộ hướng tâm (Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1) đều quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ của thành phố.

Thời gian tới, khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành khai thác (giai đoạn 1) năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đầu tư nâng cấp để khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm vào năm 2024; tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2023, kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của TPHCM sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, nguy cơ cao về ùn tắc giao thông. 

Theo quy hoạch, TPHCM có 3 tuyến Vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km, nhưng đến nay mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71km, đạt chưa đến 20%. Việc đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống Vành đai như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM cũng như khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sơ đồ Vành đai 3
Sơ đồ Vành đai 3

TS Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh: “Cứ chậm triển khai Vành đai 3 ngày nào thì thiệt hại lớn ngày đó. Cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có nghẽn lớn về giao thông khiến doanh nghiệp chịu chi phí logistic cao nhất vùng. Doanh nghiệp phản ánh với tôi hiện nay chở 1 tấn hàng từ cảng Thị Vải - Cái Mép lên Tây Ninh còn đắt hơn chở từ Thiên Tân (Trung Quốc) về Thị Vải thì làm sao cạnh tranh được.

Tôi chưa bao giờ thấy cả 4 địa phương ngồi lại thống nhất chặt chẽ như thế này, có lẽ vì dự án đã quá cấp thiết quá rồi. Theo tôi, các địa phương cần tổ chức hội đồng vùng, giao TPHCM điều phối chung trong việc phát triển hạ tầng vùng bằng trái phiếu. Nếu được vậy thì từ nay đến 2030 sẽ hoàn thành mạng lưới giao thông vùng, thúc đẩy khu vực phía Nam phát triển rất nhanh, không chỉ đóng góp 43% ngân sách Nhà nước như hiện nay mà còn nhiều hơn nữa”.

Kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù

Theo ông Lương Minh Phúc, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, TPHCM kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù cho dự án. Trong đó, kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng vốn Ngân sách Trung ương và địa phương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, theo tỷ lệ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và 75% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn Long An. Ngay khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng xem xét chuyển kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (hơn 17.000 tỷ đồng) cho TPHCM và các tỉnh theo cơ cấu nguồn vốn.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: P.T
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: P.T

Kiến nghị Quốc hội cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương (từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện dự án). Đồng thời, cho phép sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn.

Đặc biệt, do dự án phức tạp, đi qua nhiều địa phương, để đảm bảo việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng và thi công, TPHCM kiến nghị Quốc hội cho phép phân chia dự án thành 8 dự án thành phần trên địa phận các địa phương, trong đó mỗi địa phương phụ trách 2 dự án thành phần (một về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và một về xây dựng). Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định. Giao UBND TPHCM là cơ quan điều phối chung trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Thủ tướng quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án và các dự án thành phần mà không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá những cơ chế đặc thù TPHCM kiến nghị rất hợp lý, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực lớn để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đảng bộ và chính quyền TPHCM cùng các địa phương liên quan cần quyết liệt triển khai dự án, hướng đến mục tiêu năm 2025 sẽ có 3.000 km cao tốc, 2030 có 5.000 km cao tốc theo Nghị quyết của Đảng.

Dự kiến hoàn thành năm 2025-2026

Vành đai 3 dài toàn tuyến 76,34 km, trong đó đoạn qua TPHCM dài 47,51 km (đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh). Để phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn, đảm bảo hiệu quả đầu tư, UBND TPHCM kiến nghị đầu tư phân kỳ, giai đoạn 1 tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h, đường song hành quy mô 2-3 làn xe (không liên tục, tuỳ như cầu phát triển đô thị hai bên). Tổng đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.377 tỷ đồng. 

Dự kiến hoàn thành phần cao tốc trong năm 2025 (chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV - tổ chức vào đầu năm 2026); hoàn thành đường song hành và cơ bản toàn dự án vào năm 2026.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI