Khi huyết mạch giao thông bị… nghẽn mạch

18/02/2022 - 07:00

PNO - Dù đã được quy hoạch bài bản nhưng thời gian qua, nhiều dự án giao thông chiến lược vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến huyết mạch giao thông của TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bị nghẽn ở nhiều điểm.

“Nước đến chân rồi”

Đối với “siêu đô thị” như TPHCM, việc xây cầu, mở đường cục bộ, nhỏ lẻ không thể giải quyết triệt để vấn đề giao thông. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TPHCM - so sánh, trong khi TP. Hà Nội đang xúc tiến đến đường vành đai số 5 thì TPHCM hơn chục năm qua vẫn chưa thể khép kín được đường vành đai số 2 là quá chậm trễ. 

Sau hơn 5 năm thi công, đường Vành Đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, vẫn là khu đất trống, cỏ mọc đầy - ẢNH: SƠN VINH
Sau hơn 5 năm thi công, đường Vành Đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, vẫn là khu đất trống, cỏ mọc đầy - Ảnh: Sơn Vinh

Theo ông, về thực chất, đường vành đai số 1 đã trở thành đường đô thị nên đường Vành Đai 2 được xem là đường vành đai đầu tiên của TPHCM. Theo quy hoạch, TPHCM sẽ có ba tuyến đường vành đai bao quanh; trong đó, đường Vành Đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng và chia sẻ áp lực giao thông với nội thành, đường Vành Đai 3, 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mạng lưới đường vành đai - nhất là Vành Đai 2 - chưa thể khép kín nên áp lực giao thông lên các quận nội thành chưa được chia sẻ hiệu quả do lượng lớn phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Đông và miền Tây vẫn phải đi “xuyên tâm” qua các trục đường nội thành TPHCM.

Sau tết, tình hình kẹt xe trong nội đô TPHCM đã gia tăng trở lại, các khu vực cửa ngõ phía đông, phía tây cũng thường xuyên quá tải. Cho rằng “nước đến chân rồi”, ông Hà Ngọc Trường đề nghị trong năm nay và sắp tới, TPHCM cần tập trung toàn lực để khép kín đường Vành Đai 2 và triển khai nhanh đường Vành Đai 3: “Nếu không có đường vành đai chia sẻ áp lực cho nội thị, chúng ta sẽ mãi loay hoay với tình trạng kẹt xe, xong lại phải đau đầu tìm cách mở đường, xây cầu trong các quận nội thành vốn rất khan hiếm về quỹ đất. Sắp tới, nếu sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được đưa vào khai thác như dự kiến vào năm 2025 mà hạ tầng giao thông vẫn như hiện nay thì không thể kết nối sân bay với TPHCM và càng thêm tắc nghẽn”.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, dự án đường Vành Đai 2 sẽ được tái khởi động trong năm nay sau hai năm ngưng trệ. Hiện dự án này còn gần 14km (chia làm bốn đoạn) cần hoàn thành để khép kín toàn tuyến. Trong đó, ba đoạn thuộc TP.Thủ Đức nếu được hoàn thiện sẽ tạo động lực đáng kể cho Thủ Đức cũng như chia sẻ áp lực giao thông cho cửa ngõ phía đông TPHCM và các quận lân cận như 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, riêng đoạn qua H.Bình Chánh sẽ giải quyết áp lực giao thông đáng kể cho các quận 8, 6, 7, 4, Bình Tân…

Trầy trật metro 

Từ khoảng giữa năm 2021, đường Lê Lợi (Q.1) đã được trả một phần mặt bằng sau khi bị lô cốt bịt kín trong khoảng 5 năm để thực hiện dự án metro. Những tưởng sau khi được trả mặt bằng, con đường này sẽ được buôn bán nhộn nhịp trở lại nhưng hiện giờ, người dân ở một bên đường vẫn bị cảnh rào chắn bủa vây.

Theo ghi nhận của chúng tôi chiều 16/1, một bên đường Lê Lợi vẫn đang bị rào chắn bít lối. Ở nhiều đoạn, khoảng cách từ mặt tiền nhà dân đến rào chắn chỉ khoảng 1,5 - 3m, vừa đủ để một chiếc xe máy lưu thông. Do lưu thông khó khăn nên các hộ kinh doanh dọc tuyến đường này bị ế ẩm.

Mặc dù năm 2021, rào chắn trên đường Lê Lợi đã được tháo dở một phần nhưng người dân ở một bên đường vẫn buôn bán ế ẩm do vướng rào chắn trước cửa tiệm - Ảnh: Sơn Vinh
Mặc dù năm 2021, rào chắn trên đường Lê Lợi đã được tháo dỡ một phần nhưng người dân ở một bên đường vẫn buôn bán ế ẩm do vướng rào chắn trước cửa tiệm - Ảnh: Sơn Vinh

Từ khi còn là học sinh THPT, chị Trần Thị Mỹ Tâm (TP.Thủ Đức) đã nghe thông tin về việc xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Sau hơn 15 năm, tuyến đường sắt trên cao vẫn chưa thể vận hành. Hằng ngày, chị Mỹ Tâm vẫn phải chạy xe máy gần 17km để vào trung tâm thành phố làm việc. Chị nói: “Nếu có tàu điện, tôi có thể đi bộ từ nhà ra ga leo lên tàu vào trung tâm thành phố làm việc chứ không phải chịu cảnh khói bụi, kẹt xe như bây giờ”.

Ông Hà Ngọc Trường cho biết có hai nguyên nhân cơ bản khiến tuyến metro số 1 không đảm bảo tiến độ như kỳ vọng, gồm vướng mắc liên quan đến kỹ thuật và vướng mắc về thủ tục để giải ngân cho chủ đầu tư: “Có nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, thủ tục cần được giải quyết kịp thời để tuyến metro số 1 về đích đúng kế hoạch, đáp ứng kỳ vọng của người dân. Đối với tuyến metro số 2, theo tôi, cần phải thực hiện tốt công tác bàn giao mặt bằng trước khi khởi công. Bởi lẽ, khi thực hiện tuyến metro số 1, đã nảy sinh vướng mắc liên quan đến mặt bằng khiến nhà thầu khiếu nại”.

Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM - cho biết, dự kiến giữa năm nay sẽ chạy thử trên từng đoạn và sau đó là trên toàn tuyến metro số 1 trước ngày 31/12 để kịp đưa vào khai thác thương mại vào năm 2023. Như vậy, sau nhiều năm “lỡ hẹn”, người dân TPHCM cũng hy vọng sớm có được tuyến metro đầu tiên. 
Theo ông Hà Ngọc Trường, việc quy hoạch mạng lưới metro là nhằm đón đầu nhu cầu tham gia giao thông của người dân nhưng làm một tuyến mà mất 15 năm là quá chậm trễ và thành ra chạy theo sau nhu cầu:

“Việc có được một tuyến metro sẽ chưa thể giải quyết trọn vẹn nhu cầu đi lại mà phải hoàn thiện được mạng lưới tám tuyến theo quy hoạch mới có sự kết nối bài bản. Dĩ nhiên, muốn có được cả mạng lưới thì phải bắt đầu bằng việc hình thành từng tuyến, cho nên việc đưa vào vận hành tuyến metro số 1 cũng là một “cú hích” cho giao thông công cộng. Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ giúp người dân ở TP.Thủ Đức và các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương đi vào trung tâm TPHCM thuận tiện, nhanh chóng, giảm áp lực giao thông đáng kể cho khu vực đông nam TPHCM. Tuy nhiên, ngành giao thông cần tổ chức tốt hệ thống xe buýt trung chuyển và bến bãi tại các nhà ga, giúp người dân có chỗ gửi xe cá nhân để đi metro và tìm được xe buýt phù hợp sau khi xuống metro để đến được nơi cần đến”.

Tám tuyến metro

TPHCM có tám dự án metro, trong đó hiện đang triển khai hai tuyến, gồm tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (giai đoạn 1, Bến Thành - Tham Lương) và chuẩn bị đầu tư tuyến số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn). Những tuyến còn lại đang kêu gọi xúc tiến đầu tư. Tổng chiều dài các tuyến metro khoảng 220km, tổng vốn đầu tư ước gần 25 tỷ USD.

Đầu tiên là “tiền đâu”

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ nay đến năm 2025, việc triển khai hàng loạt nhóm dự án cấp bách đồng nghĩa với nhu cầu vốn rất lớn, lên đến hơn 500.000 tỷ đồng, trong đó cần hơn 218.000 tỷ đồng vốn ngân sách. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách đã được thông qua chỉ hơn 142.000 tỷ đồng, chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới. Nhóm năm dự án giao thông cấp bách cần được ưu tiên đầu tư vốn gồm đường Vành Đai 2, Vành Đai 3, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành, cầu đường Nguyễn Khoái.

Sở đề xuất UBND TPHCM kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc thủ tục để có nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, như tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022 - 2025, cho phép UBND TPHCM phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc Chính phủ cho vay nguồn vốn phù hợp với lãi suất 0%…

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia - cho rằng, Chính phủ và lãnh đạo TPHCM đều đánh giá việc đầu tư các tuyến đường vành đai là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, các dự án này đều có vốn đầu tư rất lớn và nhiều dự án bị kéo chậm lại. Như dự án đường Vành Đai 3, sau nhiều năm bàn bạc, nhận thấy việc huy động vốn tư nhân không khả thi, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Tuy vậy, việc cân đối bố trí nguồn vốn cũng hết sức chật vật.

Theo ông, dịch bệnh kéo dài đã khiến TPHCM “đuối sức” nên không dễ thu xếp các khoản đầu tư lớn cho hạ tầng. Trong khi đó, ngân sách trung ương cũng phải cân đối rất nhiều khoản chi cho các địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch. Hiện gói kích cầu hỗ trợ của Chính phủ đều đã xác định tỷ lệ bố trí nguồn vốn cho địa phương nào, đối tượng nào rồi nên nếu đề xuất hỗ trợ riêng cho giao thông TPHCM là rất khó. Về lâu dài, để có được nguồn vốn đầu tư hạ tầng trung và dài hạn, UBND TPHCM có thể tiếp tục xin Chính phủ cơ chế để linh động tự tạo nguồn vốn, như xây dựng quỹ đất dọc các trục đường mới mở để đấu giá quyền sử dụng đất. Phương án này sẽ khả thi với các dự án mở đường ở ngoại thành, vì đất trong nội thành hầu như đã cạn. Còn trước mắt, trong bối cảnh thiếu hụt vốn đầu tư, UBND TPHCM cần “liệu cơm gắp mắm”, dồn lực cho các dự án mang tính chiến lược, tránh đầu tư dàn trải. 

Mỏi mòn chờ công trình hoàn thành

Ông Nguyễn Văn Nẵng - 53 tuổi, ở TP.Thủ Đức - thường lùa đàn bò ra bãi đất trống gần nhà, nơi có những công trình thi công dang dở. Hơn mười năm trước, gia đình ông Nẵng đã bàn giao hàng trăm mét vuông đất cho Nhà nước để thực hiện dự án đường Vành Đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa. Nhưng đến nay, công trình chỉ là những bãi đất trống trơ trọi, một số đoạn được thi công rồi bỏ dở, máy móc và sắt thép đã hoen gỉ.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến sẽ thông xe trong năm nay sau bốn năm “lỗi hẹn”, giúp giải tỏa áp lực giao thông cho các quận 1, 3, Bình Thạnh và tạo đà phát triển cho khu đô thị Thủ Thiêm - ẢNH: ĐÔNG QUÂN
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến sẽ thông xe trong năm nay sau bốn năm “lỗi hẹn”, giúp giải tỏa áp lực giao thông cho các quận 1, 3, Bình Thạnh và tạo đà phát triển cho khu đô thị Thủ Thiêm - Ảnh: Đông Quân

Từ rất lâu, người dân đã mong mỏi tuyến đường Vành Đai 2 hoàn thành để giảm ùn tắc cho các trục đường vào cảng như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ nhưng dự án đã bị “trùm mền” còn người dân thì khốn khổ vì bị ngập úng do chịu ảnh hưởng của việc thi công công trình.

Nhiều năm nay, người dân ở Q.Bình Tân cũng mong mỏi chờ tuyến đường Vành Đai Trong được kết nối liên thông, giảm tình trạng ùn tắc. Nhưng đến nay, tuyến đường này vẫn chưa thể kết nối với đường Kinh Dương Vương, Tỉnh lộ 10, ngã tư Bốn Xã. Trong khi đó, rất nhiều trục đường ở Q.Bình Tân có kết cấu nhỏ, hẹp nên thường xuyên kẹt xe.

Quốc lộ 50 là tuyến giao thông huyết mạch từ TPHCM đến Long An và ngược lại. Hằng ngày, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường này rất đông đúc. Nhưng tuyến đường này lại có nhiều đoạn gồ ghề, xuống cấp, độ rộng mặt đường dành cho xe lưu thông chỉ khoảng 8,8m. Đã vậy, ở đoạn qua khu vực nghĩa trang Đa Phước, phần đường để xe lưu thông bị “bóp nhỏ” chỉ còn 4,4m. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường này trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông của TPHCM.

Một cán bộ Trạm Cảnh sát giao thông Đa Phước (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM) cho biết, Quốc lộ 50 là một trong những tuyến đường phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Những năm qua, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị giải pháp để kéo giảm giao thông trên tuyến đường này, nhưng giải pháp căn cơ nhất vẫn là mở rộng và thực hiện dự án đường song hành Quốc lộ 50 để giảm tải cho tuyến hiện hữu. 

Ba đường vành đai

- Đường Vành Đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư 12.540 tỷ đồng. Toàn tuyến dài hơn 64km, quy mô 6 - 10 làn xe, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (Q.7), ngã tư Bình Thái và nút giao thông Gò Dưa (TP.Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1A và chạy vòng về đường Nguyễn Văn Linh, tạo thành một vòng quanh thành phố. Đến nay, vẫn còn 14km bị… đứt mạch.

- Đường Vành Đai 3 được duyệt năm 2011, dài hơn 90km, chạy qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, giúp kết nối các cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22. Giai đoạn 1 của dự án là làm 76km với kinh phí khoảng 83.000 tỷ đồng, tức mỗi km hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án hiện vẫn trong giai đoạn thu xếp nguồn vốn và thực hiện thủ tục đầu tư.

- Đường Vành Đai 4 dài 198km, đi qua các tỉnh, thành Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và Long An, ước tính tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng. Dự án được duyệt năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.


 Phương Thanh - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI