Kẹt xe hay kẹt tiền?

18/02/2022 - 06:57

PNO - Từ những đường phố vắng lặng lúc cao điểm dịch và thông thoáng lúc tết, giao thông TPHCM những ngày này bắt đầu tái xuất hiện “đặc sản” kẹt xe.

Kẹt xe khiến người ta nhận ra cuộc sống đang dần bình thường trở lại, và cũng có người nói vui: “Sài Gòn kẹt xe thì cả nước mới hết kẹt tiền”. Câu nói đó như biểu thị niềm vui trước sự hồi sinh của thành phố sau cơn “bạo bệnh”, khi người lớn đi làm, trẻ em đi học, quán xá mở cửa, tiếng rao của những người bán hàng rong vang vọng khắp các con hẻm nhỏ… nhưng nó cũng ngầm thừa nhận thực trạng kẹt xe đã và đang trở thành một điều quá đỗi bình thường của giao thông TPHCM. Khi một điều không bình thường kéo dài quá lâu, quá thường xuyên, quá dai dẳng, nó bỗng trở nên bình thường.

Kẹt xe đã trở lại sau những ngày nghỉ dịch...
Kẹt xe đã trở lại sau những ngày nghỉ dịch...

Khi đặt vấn đề lựa chọn giữa kẹt xe hay kẹt tiền, chúng ta vô tình đặt giao thông và phát triển kinh tế ở hai phía đối lập nhau, trong khi đáng lẽ ra, giao thông phải đi trước, hỗ trợ, mở đường cho phát triển kinh tế. Đứng trên góc độ quản lý đô thị, giao thông trì trệ không phải là biểu hiện của một thành phố phát triển năng động, và kẹt xe không nên là tín hiệu của một đô thị đang vận hành một cách bình thường. Giao thông phải là một dòng chảy thông suốt, không điểm nghẽn để người dân được đi lại với khoảng cách và thời gian tối ưu nhất.

Thực chất, tiền bạc và năng lượng của xã hội đang bị tiêu hao một cách vô hình trong dòng người ùn tắc hằng ngày, hằng giờ tại các giao lộ, trên các trục đường chính. Theo một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), kẹt xe khiến TPHCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, tương đương 1,3 tỷ USD mỗi năm. Đó là chưa kể những thiệt hại về sức khỏe, tâm lý và mức độ ô nhiễm khí thải từ các phương tiện cơ giới.

Nói vậy để thấy, thay vì xem kẹt xe đồng nghĩa với trạng thái bình thường của TPHCM, hãy đặt vấn đề làm thế nào để giao thông vẫn thông suốt dù thành phố đang vận hành lúc cao điểm nhất. 

Phải công nhận, TPHCM là một trong những địa phương có quy hoạch và đầu tư hạ tầng bài bản nhất cả nước và thời gian qua cũng đạt được không ít kết quả đáng ghi nhận. Đại lộ vành đai thênh thang, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á, hàng loạt cầu vượt được khánh thành. Trong năm 2021, dù bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, ngành giao thông vẫn nỗ lực đưa nhiều công trình vào khai thác. 

Tuy vậy, nhiều dự án giao thông khác vẫn còn trì trệ, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng gần như chưa có bước đột phá nào. Là địa phương đi đầu cả nước về ý tưởng xây dựng metro với mạng lưới quy hoạch sáu tuyến từ năm 2006 (nay đã được điều chỉnh lên tám tuyến) nhưng sau hơn 15 năm, TPHCM vẫn chưa có được tuyến metro đầu tiên. Sự ì ạch của phương tiện vận tải công cộng kéo theo sự phát triển ngày càng mạnh mẽ và tự phát của phương tiện cá nhân khiến hạ tầng không thể theo kịp. Để góp phần giải quyết bài toán kẹt xe, cần đẩy mạnh các dự án metro và hệ thống xe buýt trung chuyển, từ đó hạn chế phương tiện cá nhân.

TPHCM là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên hệ thống giao thông không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại mà còn phục vụ nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của cả khu vực. Do đó, cần có cơ chế thu hút vốn hiệu quả để triển khai nhanh mạng lưới giao thông vành đai đã được quy hoạch. Đường vành đai sẽ kết nối giao thông liên vùng, tạo điều kiện lưu thông cho các phương tiện trong khu vực mà không cần vào trung tâm TPHCM, góp phần giảm ách tắc trong nội thị.

Những dự án giao thông mang tính chiến lược, cấp bách của TPHCM rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Trung ương, nhất là về vốn đầu tư. Thời gian qua, TPHCM luôn là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách cao nhất cả nước (khoảng 27%) nhưng tỷ lệ tổng chi trên tổng thu ngân sách lại thấp nhất cả nước. Đặc biệt, từ năm 2017, tỷ lệ phân bổ ngân sách cho TPHCM giảm từ 23% xuống còn 18% nguồn thu của thành phố khiến nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm càng trở nên hạn hẹp.

Do đó, vừa qua, UBND TPHCM liên tục đề nghị Quốc hội tăng tỷ lệ ngân sách giai đoạn 2023 - 2026. Việc phân chia tỷ lệ ngân sách phù hợp với nhu cầu phát triển của TPHCM chính là một cách đầu tư khôn ngoan, để thành phố tăng nguồn thu và đóng góp lại cho ngân sách cả nước nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần giao cho TPHCM cơ chế tự chủ hơn trong việc đầu tư các dự án hạ tầng cấp bách, linh động hơn trong việc triển khai thu hút nguồn vốn xã hội hóa thông qua các hình thức hợp tác công tư (PPP).

Hạ tầng giao thông tốt, hệ thống giao thông công cộng vận hành bài bản sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống, thu hút đầu tư. Khi đó, mối quan hệ giữa giao thông và kinh tế là hỗ trợ cho nhau, và người dân không còn chua chát đùa rằng “hết kẹt xe lại kẹt tiền”. 

 Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI