Đổi mới đánh giá HS tiểu học: thầy khổ, trò sợ, phụ huynh hoang mang

18/12/2014 - 07:21

PNO - PN - Suốt một học kỳ thực hiện đánh giá học sinh tiểu học (HSTH) theo Thông tư 30, quá trình học tập đều được nhận xét bằng lời. Đến thi học kỳ, bài kiểm tra của học trò lại được tính điểm. Ngay lúc này, phụ huynh (PH) thấy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Doi moi danh gia HS tieu hoc: thay kho, tro so, phu huynh hoang mang

Phụ huynh phân vân giữa lời đánh giá và điểm thực tế, giáo viên thì ôm thêm "núi" việc

Đổi mới… nửa vời

Thầy Văn Nhựt Phương, Hiệu trưởng trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) dẫn chứng: “Con tôi học ở một trường tiểu học khác. Khi rước con về tôi hỏi: Hôm nay con học thế nào? Con nói tốt. Còn lớp con? Dạ, tốt luôn. Tôi hỏi tiếp thế ai học tốt hơn? Con phán ngay: Ai cũng “hoàn thành” hết, sao con biết ai giỏi hơn được. Thực ra, trẻ con vẫn thích được biết ai giỏi hơn, đó cũng là động lực để phấn đấu”.

Việc GV định ra một mức độ nhất định rồi đánh giá HS hoàn thành hay không hoàn thành, có hiểu hay không hiểu bài… đã phần nào bộc lộ sự máy móc trong cách đánh giá bằng nhận xét. Thậm chí, khi mới áp dụng, nhiều GV sáng tạo ra những con mộc có hình bông hoa, mặt cười, dòng chữ “con hiểu bài”… để đóng vào tập HS như một cách làm để đối phó.

Trong khi ở các nước hoặc các trường quốc tế tại VN, GV nhận xét rất chi tiết, không chỉ là chuyện học được hay không được, làm bài đúng sai mà còn quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất của HS như giấc ngủ trưa ở trường, từng biểu hiện lạ trong giờ học… có khi lên đến cả trang giấy. Nhưng đó là bởi vì mỗi lớp của họ chỉ có 20 HS và còn có nhân viên học vụ hỗ trợ cô giáo.

Một GV dạy môn kỹ thuật ở Q.11 bức xúc: "Cách đánh giá mới này thật sự gây khó cho GV và cả HS. Chẳng hạn với bài kỹ thuật nấu ăn, khi các em hiểu bài, thực hành được, chúng tôi nhận xét: con hiểu bài và biết cách thực hành kỹ thuật nấu cơm, có thể vận dụng để phụ giúp cha mẹ. Học trò liền thắc mắc với vẻ sợ sệt: ý cô nói vậy là sao, bài thực hành của con được mấy điểm? Tôi không biết giải thích sao với học trò. Để vẹn cả đôi đường, nhiều GV ở trường tôi phải thay đổi nửa vời, nghĩa là với bài học thì vẫn đánh giá bằng nhận xét nhưng vở bài tập thì cho điểm để PH và HS dễ hiểu".

Việc đổi mới cách đánh giá nhận xét nhằm làm giảm áp lực cho HSTH là một chủ trương đúng mà nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, nó hiệu quả do họ có điều kiện lý tưởng về sĩ số và những bộ chuẩn kèm theo từ chương trình đến tập huấn GV… Trong khi, ở Việt Nam, việc áp dụng nhanh chóng vào thực tế đã dẫn đến nhiều lúng túng và bộc lộ rõ sự thay đổi… nửa vời.

Một PH có con đang học trường tiểu học Chính Nghĩa (Q.5) nêu ý kiến: “Từ đầu năm đến giờ, bài làm của con chỉ được nhận xét làm đúng hoặc sai, có hiểu bài, bài làm đúng nhưng trình bày chưa đẹp… Tôi làm sao biết được sức học của con lên hay xuống, tính ra được bao nhiêu điểm để mà có kế hoạch ôn tập, kềm cặp cho hợp lý. Bây giờ thi học kỳ I lấy điểm, cuối năm cũng tính điểm để xét lên lớp. Lỡ đến ngày thi con tôi làm bài điểm thấp thì sao? Vậy chẳng khác nào cả quá trình nhận xét không có ý nghĩa gì cả”.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, kiểu đánh giá này có gì đó chưa ổn với tình hình thực tế, nhất là cách đánh giá cuối học kỳ và cuối năm. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT Q.5 băn khoăn: “Người học đang làm quen với các đánh giá mới nhưng đến cuối kỳ lại quay về kiểm tra lấy điểm số. Kết quả được tính bằng điểm số nhưng cả quá trình học, HS được đánh giá bằng nhận xét dẫn đến sự khập khiễng. Chỉ điểm số của một bài kiểm tra không thể hiện hết khả năng của học trò so với cả một quá trình trước đó”.

Đồng quan điểm này, một hiệu trưởng ở Q.3 chỉ rõ, việc Bộ đổi mới đánh giá HSTH có phần vội vàng. Ở ta, PH lâu nay vẫn quen dựa vào điểm số để theo dõi quá trình học tập của con, hơn nữa đâu phải PH nào cũng có trình độ và nhạy cảm để hiểu hết những nhận xét chuyên môn của GV, đó là chưa kể với những PH vùng sâu vùng xa, thuộc dân tộc ít người chưa rành tiếng quốc ngữ. Gặp GV nhận xét chưa chuẩn, PH càng thấy mông lung. Nhưng nếu cho điểm thì khác, ai cũng có thể hiểu được. Nếu em đó thường xuyên đạt điểm tốt, đột nhiên xuất hiện liên tục vài điểm kém thì PH (dù không biết chữ) vẫn dễ dàng nhận ra dấu hiệu “cảnh báo”, cần phối hợp với nhà trường để điều chỉnh ngay.

Doi moi danh gia HS tieu hoc: thay kho, tro so, phu huynh hoang mang

Sĩ số lớp quá đông và chương trình quá nặng sẽ khiến các cô giáo khó có những đánh giá xác đáng cho từng học trò (ảnh minh họa)

Giảm sĩ số, bớt việc cho giáo viên

“Quy định không yêu cầu GV phải đánh giá hết tất cả HS, mà có thể thực hiện luân phiên. Tuy nhiên, với HSTH, còn non nớt, các em rất khó chấp nhận sự phân biệt. GV cũng không nỡ nhìn em này vui mừng hớn hở được nhận xét sau khi làm bài, còn em khác thì không có. Vì vậy, nhiều GV ở Q.5 phải tranh thủ giờ dạy bộ môn, còn GV chủ nhiệm được nghỉ thì lại phải ngồi nhận xét hết cho cả lớp”, cô Võ Ngọc Thu chia sẻ.

Theo cách đánh giá mới, GV sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HSTH. Nội dung đánh giá gồm quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực như tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề…; sự hình thành và phát triển một số phẩm chất như chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục, trung thực, kỷ luật, đoàn kết...

Thử nhẩm tính, GVCN sẽ mất bao nhiêu thời gian cho việc ghi lời phê một lớp học? Hiện nay, ở TP.HCM, sĩ số bình quân là 35 - 40 em/lớp, một ngày các em học 5 tiết. Cô giáo phê một lời phê gồm hai dòng, hết ít nhất 1 phút, kiểm tra xem đúng sai hết khoảng 4 phút, thời gian cho mỗi em trên 1 môn là 5 phút. Thời gian tốn cho công đoạn này của một giáo viên là: 5 (phút) x 40 (HS) x 5 (môn) = 1.000 phút = 16 giờ/1 buổi dạy.

(...) Dường như các vị vội vã ra thông tư, quyết định để đối phó với dư luận mà thiếu chính kiến, thiếu sự chủ động, từ đó gây lúng túng, lãng phí cho nhiều cấp liên quan.

Việc này có thể ví như một huấn luyện viên bắt vận động viên nhảy xà phải nâng thành tích lên mức cao hơn trong khi không có tập luyện, thao dượt từ trước và vận động viên cũng không có quyền bỏ cuộc. Vận động viên kia cũng sẽ nhảy cho huấn luyện viên hài lòng, nhưng kết quả thế nào, mọi người đều biết rõ.

LA TỬ LAN (quận 6, TP.HCM)

Để làm được những điều này, GV phải quan sát tỉ mỉ từng em để đưa ra những nhận xét chính xác và khách quan nhất. Nhưng hoàn cảnh chung của nhiều trường tại TP.HCM đều có sĩ số 45-50 em/lớp, GV phải xoay xở ra sao?

Cô L.T.M.N., GV tiểu học Q.Phú Nhuận chỉ rõ: “Muốn đánh giá bằng lời với các môn học thì trước hết thầy cô vẫn phải đánh giá định lượng. GV phải biết cụ thể bài làm của HS đúng sai câu nào, mức độ hoàn thành bao nhiêu phần trăm, xem xét cách trình bày… rồi mới chuyển tải thành lời nhận xét xác đáng cho học trò. Đó là chưa kể, các mặt thể chất, tâm sinh lý của trẻ ngoài môn học cũng cần được theo dõi. Các khâu tiến hành nhận xét đều đòi hỏi công phu và thời gian nhiều hơn, nhưng với sĩ số và khối lượng công việc không thay đổi, chúng tôi khó đủ thời gian để có những đánh giá xác đáng”. Có lẽ vì vậy mà học sinh và phụ huynh thường rơi vào tình huống lo sợ và hoang mang khi nhận được câu đánh giá: “chưa hoàn thành”, hoặc “chưa tiến bộ”, vì không biết được phải “bổ sung” hàm lượng kiến thức thế nào, điều chỉnh sinh hoạt ra sao để… “đủ tiến bộ”.

Nếu GV chủ nhiệm chỉ phụ trách một lớp đã gánh thêm nhiều việc ngoài chuyên môn thì những GV dạy bộ môn (âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật, thể dục…) phải dạy ít nhất 10-20 lớp khiến việc nhận xét tỉ mỉ càng trở nên quá tải, chuyện đối phó là khó tránh khỏi. Một GV dạy mỹ thuật lớp 3 ở Q.4 than: "Lớp nào cũng trên 45 em, phụ trách bộ môn như chúng tôi chỉ dạy mỗi lớp một tiết/tuần nên để đủ tiết nghĩa vụ phải dạy chừng 20 lớp mỗi tháng. Như vậy, ngoài nhận xét thường ngày, hàng tháng, chúng tôi phải “cắm đầu” vào 40 cuốn sổ để nhận xét cho gần 1.000 HS, làm sao nhớ nổi chi tiết về sự tiến bộ của từng HS?".

“Chỉ có giảm sĩ số, giảm việc cho GV may ra chúng ta mới có thể đòi hỏi GV nhận xét chỉn chu, tỉ mỉ chi tiết như ở những trường quốc tế”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.Gò Vấp đề xuất.

Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đều cho rằng, việc đổi mới việc đánh giá HSTH là cần thiết, nhưng trước tiên phải cần xem xét lại sĩ số lớp, chuẩn chương trình cũng như xây dựng các chuẩn mực đánh giá thật bài bản, có lộ trình nghiên cứu, thí điểm và rút kinh nghiệm hẳn hoi mới nên áp dụng đại trà.

GIA TUỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI