Đối mặt với “body shaming”: Nếu không phản ứng, bạn sẽ gánh nỗi khổ mãi mãi

02/04/2022 - 05:24

PNO - Cần tỏ thái độ rõ ràng, để bạn bè, đồng nghiệp hiểu rằng: những câu chọc giỡn ngoại hình là vô duyên, là vết dao gây thương tổn.

​Tôi có nước da ngăm, cộng với thân hình nhỏ con nên nhìn tôi đen nhẻm và tất nhiên là không ưa​​ nhìn. Ngày bé, tôi ở với ông bà, người làng cứ thấy tôi là trêu chọc "không biết giống ai" vì bố tôi đẹp trai sáng sủa "dư tiêu chuẩn phi công", mẹ tôi cũng không “đen kìn kịt” như tôi. 

Ban đầu, tất nhiên là tôi khó chịu, tôi khóc, cãi lại. Rồi tôi thấy thái độ của mình chẳng giải quyết được gì, tôi càng phản ứng tiêu cực thì người ta càng trêu và lấy làm thích thú. Mỗi ngày, tần suất và mức độ ác ý càng tăng.

Tôi càng phản ứng tiêu cực thì người ta càng trêu hơn và lấy làm thích thú. Ảnh minh họa
Tôi càng phản ứng tiêu cực thì người ta càng trêu hơn và lấy làm thích thú (Ảnh minh họa)

Nếu ở dơ bị chê, tôi sẽ tắm gội sạch sẽ, nếu học dốt, tôi sẽ chăm chỉ để giỏi, còn nước da thuộc về lĩnh vực… bất khả kháng, tôi không sao cải thiện được. 

Không cải thiện được thì tôi tìm cách sống chung. Nên khi có ai ghẹo tôi đen thì tôi sẽ đùa lại, rằng đen như tôi rất có lợi khi chơi trốn tìm vào buổi tối.

Lần khác, tôi vặc lại với người có lời lẽ ác ý rằng: "Cô thử phơi mặt ngoài đồng cả ngày như cháu xem cô có trắng hơn cháu không?". 

Dần dà, những lời trêu ghẹo ít dần. Tôi còn bịa ra câu chuyện vui về nước da của mình. Rằng khi bé cơ quan bố mẹ tôi hay phải đi sơ tán, có lần vội quá mẹ để tôi ngồi vào gánh nồi niêu. Đến nơi sơ tán, nghe tiếng tôi khóc mà mẹ tôi không tìm thấy con ở đâu vì tôi với mấy cái đáy nồi đen như nhau.

Câu chuyện của tôi được cả làng truyền tai nhau, người ta nghe và cười và có lẽ từ đó mọi người thấy tôi sẽ nghĩ ngay đến câu chuyện nọ và thôi buông những lời trêu ghẹo, hẳn họ thấy tôi dễ nhìn hơn, cũng có thể họ thấy tôi đen hay trắng cũng chẳng khác gì nhau vì tôi luôn vui vẻ, lễ phép chào hỏi mọi người.

Lớn lên, khi đi học hay đi làm, tôi luôn chủ động lôi nước da “ngăm ngăm da trâu nhìn lâu thấy đẹp” của mình ra nói kèm câu chuyện ngày bé. Đổi lại, tôi nhận được những tràng cười, tiếng cười giúp mọi người gần nhau hơn, và khi ấy tôi đen hay trắng không còn quan trọng nữa. Có người còn nói tôi chỉ ngăm chứ làm gì tới nỗi đen mà cứ tự bêu xấu mình.

Có người thán phục tôi can đảm khi dám lôi mình ra làm trò cười. Họ nói họ cũng là nạn nhân của những cợt đùa nhưng họ chỉ biết mặc cảm, tủi thân và khép mình để né tránh chứ không biết nhìn thẳng vào khuyết điểm và biến thành một lợi thế vui vẻ.

Tôi thì nghĩ hầu như ai cũng có thói tật gì đó để người khác trêu đùa, có khi vô tình có khi ác ý. Quan trọng là mình có để tâm đến hay không.

Như cô bạn tôi, chỉ cao 1m40, ngăm đen, nhưng học giỏi, bạn từng khóc bao trận vì tủi thân, nhưng sau khi bị tôi xúi, bạn biết mỉm cười trả lời: “Tại em mải học nên không chú ý dưỡng da, với em nghe là đen thì đỡ mối mọt, và chiều cao của một người là tính từ đỉnh đầu tới trời kia mà”.

Lần đầu tiên dám “đốp” lại, nhìn người đối diện ú ớ, bạn bảo cảm giác thật sung sướng. Bạn không còn buồn bã và khép kín. Bạn học rất giỏi, bằng này cấp kia nhưng lại không biết tìm cách nào để tự bảo vệ mình. Bạn cứ tiếc, giá bạn có thể mạnh mẽ hơn từ sớm thì bạn sẽ không để lỡ khá nhiều cơ hội.

Giá bạn có thể mạnh mẽ hơn. Ảnh minh họa
Giá bạn tôi có thể mạnh mẽ sớm hơn (Ảnh minh họa)

“Body shaming” - tôi nghĩ sẽ khó mà “tiệt nọc”, vì người ta thường bao biện “vui chút mà”, không hề nghĩ người bị mang ra làm trò chẳng vui chút nào.

Vì vậy tôi nghĩ, ngay khi có cơ hội, cần tỏ thái độ cho người khác biết trò đùa chỉ vô duyên và gây tổn thương, không hề vui như họ tưởng.

Phương Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI