Điều kiện thời tiết đang rất lý tưởng cho muỗi vằn sinh sản

30/06/2017 - 18:00

PNO - Mưa sớm, mưa nhiều kết hợp với nắng nóng khiến dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay vào mùa sớm hơn cả tháng so với năm ngoái.

Số ca sốt xuất huyết (SXH) đồng loạt gia tăng tại 47 tỉnh thành trên toàn quốc, với khoảng 37.000 trường hợp mắc bệnh. Trong đó, có 12 ca tử vong xảy ra tại TP.HCM (ba ca), Trà Vinh (ba ca), Đồng Tháp (hai ca) và Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Hà Nội mỗi nơi một ca. Tính riêng tại TP.HCM, hiện đã ghi nhận hơn 8.700 ca mắc SXH, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ ngày 29/6, bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM lý giải: do mùa mưa đến sớm, kèm lượng mưa nhiều và trời khá nắng nóng khiến dịch SXH diễn tiến bất thường.

Dieu kien thoi tiet  dang rat ly tuong  cho muoi van sinh san
Xử lý điểm chứa nước đọng để phòng chống SXH và bệnh do vi rút Zika - Ảnh Quốc Ngọc


* Ông dự đoán thế nào về tình hình SXH năm nay?

- Ngoài yếu tố gia tăng theo mùa, tức mùa mưa hiện tại mà tôi đã nói, SXH còn có cơ chế bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm. Trước đây, vào năm 2014 là thời điểm chúng ta đã ghi nhận tổng số ca mắc SXH cả nước thấp nhất trong vòng 10 năm.

Do đó, dự đoán chu kỳ SXH sẽ tăng trở lại vào giai đoạn 2017-2018. Cũng cần nói thêm, SXH chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị, chưa có vaccine phòng bệnh thì chu kỳ này luôn tồn tại bởi phụ thuộc vào yếu tố miễn dịch trong cộng đồng. 

* Ngành y tế chuẩn bị gì để đối mặt với chu kỳ tăng của dịch SXH, thưa ông?

- Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã triển khai các biện pháp khá bài bản để phòng dịch. Bao gồm kiểm soát các điểm nguy cơ tại phường xã, quận huyện. Điểm nguy cơ có nghĩa là những khu vực, địa điểm có vật chứa nước, nước sinh hoạt, dụng cụ phế thải… Hoặc những nơi thường xuyên có đông người tụ tập như trường học, chùa chiền, câu lạc bộ…

Địa điểm được xác định là điểm nguy cơ sẽ thường xuyên được kiểm tra, giám sát để xử lý, xóa bỏ, không để phát sinh điểm nguy cơ mới. Tuy nhiên, mùa mưa thì việc ngăn chặn điểm nguy cơ phát sinh rất khó khăn.

Ngành y tế phải tăng cường phối hợp nhiều hơn nữa với chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương, cùng sự chung sức của cả cộng đồng, người dân trong việc phát hiện và xóa bỏ điểm nguy cơ trong từng hộ gia đình, đơn vị, khu dân cư… Có như thế thì mục tiêu ngăn chặn, xóa bỏ và không để phát sinh điểm mới sẽ đạt hiệu quả cao. 

Thứ hai, đối với các ổ dịch SXH xuất hiện, dù nhỏ hay lớn, chúng tôi phải xử lý đúng quy định, bài bản, đủ rộng và đúng thời gian, phạm vi để không bùng phát thành những ổ dịch lớn.

Thứ ba, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xử lý vi phạm hành chính.Từ đầu năm đến nay, đã có 45 quyết định xử phạt hành chính tại tám quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Đẩy mạnh việc xử phạt này là nhằm tăng cường ý thức của cộng đồng, cơ quan, người dân trong việc xử lý điểm nguy cơ để phòng chống SXH và bệnh do vi rút Zika.

* Ông có thể đưa ra lời khuyên nào cho người dân trước tình hình SXH hiện nay?

- Đỉnh dịch của TP.HCM và khu vực phía Nam thường rơi vào tháng 10, 11 hằng năm. Do đó, ngay từ bây giờ, từng gia đình, từng người dân hãy dành ra 10-15 phút mỗi tuần để tìm, phát hiện và xóa bỏ điểm nguy cơ.

Xóa bỏ điểm nguy cơ là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn muỗi sinh sản, là cách phòng chống SXH và bệnh do vi rút Zika hiệu quả nhất.

Đối với trường hợp gia đình có người sốt cao kéo dài ba ngày liền, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, nên đưa đến bệnh viện để được theo dõi, thăm khám. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

Nhiều ca viêm não Nhật Bản trở nặng 

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, khoa đang có nhiều bệnh nhi phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản.

“Vào khoảng tháng 5, 6 đến đầu tháng 10 hằng năm là mùa của viêm não Nhật Bản. Bệnh phát sinh nhiều ở khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, ông nói.

Theo BS Khanh, bệnh lây qua trung gian là muỗi Culex mà dân gian thường gọi là muỗi ruộng. Muỗi chích heo, chim, sau đó mang mầm bệnh truyền sang người. Bệnh này rất khó phát hiện sớm. Những triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản cũng giống như các bệnh thông thường khác như sốt, ói, nhức đầu...

Do đó, BS thường hay chẩn đoán sốt siêu vi thời gian mới phát bệnh. Khó phát hiện sớm, nhưng viêm não Nhật Bản lại diễn biến rất nhanh. Có thể sau ba ngày, thậm chí một ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật. Đây là biểu hiện bệnh nặng, bệnh nhân rơi vào hôn mê, phải thở máy.

“Để đề phòng bệnh này cũng như nhiều bệnh nhiễm siêu vi khác, trẻ cần được đưa vào viện khám nếu có các biểu hiện của nhiễm siêu vi như sốt, nôn ói, nhức đầu…

Nếu đã có dấu hiệu rối loạn tri giác như co giật, hôn mê… phải đưa đi cấp cứu. Vì cần đến máy thở, nên viêm não Nhật Bản thường phải điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh thành”, BS Khanh nói.

Theo thống kê, khoảng 60% bệnh nhi sẽ khỏi bệnh và hồi phục hoàn toàn, 30% có di chứng và dưới 10% tử vong. Mỗi trẻ phải điều trị ít nhất 10 ngày, có khi kéo dài cả tháng.

Những trẻ không may bị di chứng có khi phải lệ thuộc máy thở cả năm trời. “Di chứng bệnh rất nặng nề. Có em phải sống đời thực vật. Lâu ngày đưa đến bội nhiễm phổi và tử vong. Có em chậm phát triển về trí tuệ, khả năng hòa nhập cộng đồng kém.

Thậm chí có em bị động kinh hoặc yếu liệt chi. Hiện tại, viêm não Nhật Bản có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine”, BS Khanh cho biết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI