Đề cử 50 cá nhân tiêu biểu TPHCM giai đoạn 1975-2025 - Bài 6:

Diệp Minh Châu - Nhà điêu khắc luôn khắc hình Bác trong tim

29/03/2025 - 07:23

PNO - Ông là họa sĩ, nhà điêu khắc có nhiều sáng tác nhất về Bác với hơn 200 tác phẩm. Trong đó bức tượng Bác Hồ với thiếu nhi bằng đồng từng đặt trước trụ sở UBND TPHCM do bàn tay tài hoa của ông thực hiện đã trở nên thân thuộc với người dân thành phố.

Hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), TPHCM tổ chức xét chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM giai đoạn 1975-2025. Đây là những cá nhân có công trạng và đóng góp nổi bật, để lại dấu ấn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM từ năm 1975 đến nay. Đồng thời, phải có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín cao và tầm ảnh hưởng rộng trong lĩnh vực hoạt động và xã hội.

Vừa qua, TPHCM đã công bố danh sách đề cử để lấy ý kiến rộng rãi. Danh sách gồm 60 cá nhân ở 7 lĩnh vực chính: chính trị, quản lý nhà nước (bao gồm ngoại giao); hoạt động xã hội; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; văn hóa, nghệ thuật và báo chí truyền thông; kinh tế; quốc phòng - an ninh; và dân tộc, tôn giáo.

Trong đó, có 7 văn nghệ sĩ, bao gồm: nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phùng Há, NSND Viễn Châu, NSND Kim Cương, giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, họa sĩ - nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Báo Phụ nữ TPHCM sẽ giới thiệu lại với quý bạn đọc những dấu ấn nổi bật của những tên tuổi được đề cử này. Từ đó, giúp mọi người nhìn lại những cống hiến của họ cũng như đóng góp của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM 50 năm qua.

Bài 1: NSND Phùng Há suốt đời vì nghệ sĩ nghèo

Bài 2: NSND Viễn Châu - không chỉ là “vua vọng cổ”

Bài 3: GS.TS Trần Văn Khê: một đời vì âm nhạc dân tộc

Bài 4: NSND Kim Cương: xứng danh “kỳ nữ”

Bài 5: Xuân Hồng - nhạc sĩ của những khúc ca mùa xuân

Trong số 7 văn nghệ sĩ được đề cử là gương mặt tiêu biểu của TPHCM 50 năm qua ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và báo chí, truyền thông, Diệp Minh Châu (1919-2002) là họa sĩ, nhà điêu khắc duy nhất. Người nghệ sĩ quê Bến Tre này được nhớ đến là nghệ sĩ có nhiều triển lãm, sáng tác về Bác Hồ nhất với hơn 200 tác phẩm.

Bức tượng Bác Hồ và thiếu nhi từng đặt trước UBND TPHCM là tác phẩm được nhiều người dân TP biết đến nhất của ông
Bức tượng tạc Bác Hồ và thiếu nhi từng đặt trước UBND TPHCM là tác phẩm được nhiều người dân TP biết đến nhất của ông - Ảnh tư liệu

Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ, bảo quản và trưng bày ở các bảo tàng lớn trong nước và nước ngoài (Tiệp Khắc cũ, Ấn Độ, Nga). Tên tuổi, sự nghiệp của ông được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư châu Âu. Ông cũng vinh dự được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I năm 1996).

Mối duyên với hội họa của họa sĩ Diệp Minh Châu đến năm ông 15 tuổi khi gặp được họa sĩ Hoàng Tuyến. Người thầy đầu tiên này đã chỉ dạy cho ông những kiến thức hội họa để hoàn thành 1 bức tranh phong cảnh. Từ đó 2 thầy trò làm công việc vẽ phông màn cho các gánh hát.

20 tuổi, Diệp Minh Châu khăn gói ra Hà Nội học dự bị Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và 1 năm sau thi đỗ thủ khoa của trường. Những tác phẩm của ông ra đời sau đó gây được sự chú ý của giới mỹ thuật và từng đem về cho ông các giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc như: huy chương đồng cho tranh Văn Miếu (1942), huy chương bạc cho bức tranh lụa Cầu Nguyện (1943).

Họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc ( Ảnh tư liệu)
Họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc - Ảnh tư liệu

Do tình hình chiến tranh, Nhật đảo chính Pháp nên ông không tốt nghiệp được mà trở về quê nhà tiếp tục vẽ tranh và tham gia các phong trào yêu nước. Cuối năm 1946, họa sĩ Diệp Minh Châu công tác ở khu Tám với chức danh phóng viên mặt trận. Các tác phẩm nổi tiếng của ông ra đời trong thời kỳ này gồm Phong cảnh Đồng Tháp Mười, Lớp học bình dân trong lán ven rừng, Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong.

Năm 1949, ông về công tác tại Viện Văn hóa Kháng chiến Nam Bộ. Giữa năm 1950, ông ra Việt Bắc ở hơn 6 tháng, sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh Bác Hồ vĩ đại, giản dị, gần gũi đã đi vào những bức tranh của Diệp Minh Châu. Hơn 30 bức tranh đẹp và quý về Bác Hồ ra đời như bức Bố cục nhà Bác trên đồi (lụa - 1951), Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc (sơn dầu - 1951), Bác câu cá bên bờ suối (sơn dầu - 1951), Ánh nắng trưa trước sân nhà Bác (sơn dầu - 1951)…

Bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu
Bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu - Ảnh tư liệu

Nhà điêu khắc - họa sĩ Diệp Minh Châu có 1 tác phẩm “để đời” thể hiện tình yêu lớn lao dành cho Bác. Đó là bức tranh vẽ tranh chân dung Bác Hồ với 3 cháu nhỏ, đại diện cho thiếu nhi ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước được ông vẽ bằng máu của mình. Bức tranh máu này đã được dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Chí Minh cùng với bức thư Kính gửi Cha của con do ông viết.

Thời gian sống ở chiến khu Việt Bắc, được gặp và làm việc cùng Bác Hồ nên chất lượng sáng tác của Diệp Minh Châu càng được nâng cao. Ông nhớ mãi lời dặn của Bác: “Chú cố vẽ đi nhé! Nhưng phải nhớ học tập chính trị và rèn luyện tư tưởng cho tốt. Có tư tưởng chính trị tốt thì vẽ mới chóng tiến bộ được”. Vâng lời Bác, ông luôn hướng sáng tác của mình vào sự nghiệp giải phóng chung của dân tộc, phản ánh, ca ngợi và khẳng định sự tất thắng trong cuộc chiến đấu giành độc lập của nhân dân miền Nam. Những tác phẩm tranh, tượng nổi tiếng của ông đã đi vào lòng người như Võ Thị Sáu, Lòng người miền Nam, Căm thù Phú Lợi, Hương sen (tượng)...

Tượng Võ Thị Sáu trước quân thù của tác giả Diệp Minh Châu, sáng tác năm 1958. Tác phẩm đạt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. (ảnh: Internet)
Tượng "Võ Thị Sáu trước quân thù" của tác giả Diệp Minh Châu, sáng tác năm 1958. Tác phẩm đạt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 - Ảnh tư liệu

Sau này, ông sáng tác điêu khắc về đề tài Bác Hồ nhiều hơn vì năm 1952 từng được cử sang học điêu khắc tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Tiệp Khắc. Các tác phẩm để đời của ông gồm có Tượng chân dung Bác Hồ (đá hoa cương), Bác Hồ bên suối Lênin (tượng tròn thạch cao), Bác Hồ với thiếu nhi (tượng đồng)... Trong đó bức tượng đồng Bác Hồ ở Việt Bắc tạc Bác đang dang tay ôm cháu bé vào lòng từng được đặt ở trước UBND TPHCM (hiện đặt ở Nhà thiếu nhi TP) đã trở nên thân thuộc với người dân TPHCM.

H.Nhu (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI