Đề xuất chỉ cho bán thuốc không kê đơn trên sàn thương mại điện tử

17/04/2024 - 06:04

PNO - Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề xuất chỉ nên cho bán thuốc không kê đơn trên kênh thương mại điện tử.

Nhiều ý kiến cho rằng Luật Dược sửa đổi cần tạo sự đột phá, khuyến khích phát triển công nghiệp dược, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Trong ảnh: Bệnh nhân nhận thuốc điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) - ẢNH: PHẠM AN
Nhiều ý kiến cho rằng Luật Dược sửa đổi cần tạo sự đột phá, khuyến khích phát triển công nghiệp dược, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Trong ảnh: Bệnh nhân nhận thuốc điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) - Ảnh: Phạm An

Quy định cụ thể để tạo sự minh bạch

Chiều 16/4, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Một trong những nội dung mới được quan tâm là bổ sung loại hình kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử (TMĐT).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, đây là quy định cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của xã hội. Tuy nhiên, bà đề nghị: “Đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trên sàn TMĐT, cần quy định cụ thể hơn về các loại thuốc được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và đảm bảo an toàn cho người sử dụng” - bà kiến nghị.

Riêng với hình thức bán lẻ thuốc theo phương thức TMĐT, bà Nguyễn Thúy Anh lưu ý chỉ nên áp dụng với thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, cần rà soát quy định về TMĐT để đảm bảo phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo luật phải cân bằng được giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Bởi theo ông, bán thuốc nói chung và qua TMĐT phải kiểm soát nghiêm ngặt, do thuốc là mặt hàng tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Thậm chí trên thị trường còn bán các loại độc dược. Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo và Ủy ban Xã hội phối hợp để có quy định chặt chẽ hơn, cân nhắc kỹ giữa lợi ích và rủi ro, hậu quả khi mua thuốc trực tuyến. Bên cạnh đó cần đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước khi bán thuốc qua mạng để đảm bảo an toàn cho người mua.

Còn khoảng cách giữa nhu cầu và thực tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra, Việt Nam đã sản xuất được các loại thuốc thông thường song có tới 90% nguyên liệu làm thuốc phải nhập khẩu. Ngoài ra, đa phần thuốc đặc trị vẫn phải nhập từ nước ngoài. “Việc phát triển ngành dược vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân nên cần có chính sách quan tâm phát triển” - ông nhấn mạnh. Ông tin rằng, với các chính sách khuyến khích, phát triển, Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp dược, bởi tiềm năng trong lĩnh vực lớn, các doanh nghiệp dược cũng đã sản xuất được các loại thuốc thông thường, đa dạng về chủng loại, giá cả phải chăng.

Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - khẳng định, phát triển công nghiệp dược là vấn đề quan trọng, cần có chính sách đột phá thúc đẩy. Tuy nhiên, nội dung tại dự thảo vẫn chủ yếu mang tính quan điểm. Theo ông, phải làm rõ, thế nào là ưu đãi đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc biệt trong nghiên cứu để phát triển công nghiệp dược? “Nếu luật không quy định cụ thể thì khi Chính phủ ban hành nghị định sẽ rất khó làm rõ, không tạo ra được bước đột phá, khuyến khích phát triển công nghiệp dược như mục tiêu đặt ra” - ông nói.

Đánh giá các chính sách về ưu đãi phát triển công nghiệp dược tại dự thảo luật còn “chung chung và mang tính nguyên tắc”, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ cần làm rõ những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sớm có giải pháp cụ thể. Nhất là lĩnh vực ưu đãi đầu tư phải đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất dược liệu, sản xuất thuốc, vắc xin trong nước giai đoạn tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội rà soát lại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để từ đó luật hóa các chính sách, khuyến khích ngành này phát triển. Ông gợi mở một số nội dung như: cần có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp sản xuất dược công nghệ cao thông qua việc thúc đẩy liên doanh hợp tác nước ngoài, chuyển giao công nghệ; cơ chế mua sắm thuốc phù hợp với sản xuất trong nước; chú trọng cơ chế đàm phán giá trong chuyển giao công nghệ; cập nhật bổ sung sản phẩm công nghệ cao…

Ông cũng đề xuất nghiên cứu rà soát, luật hóa một số chính sách ưu đãi sản phẩm đầu ra với các cơ sở sản xuất thuốc trong nước, trong đấu thầu mua sắm, lựa chọn thuốc điều trị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế… Cần có chính sách quan tâm tới việc mua sắm, thử nghiệm nghiên cứu khoa học với thuốc hiếm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI