Để người dân sớm tiếp cận với thuốc điều trị COVID-19

13/12/2021 - 07:18

PNO - Mặc dù, Chính phủ đã đốc thúc việc sản xuất và mua thuốc điều trị COVID-19, nhưng người dân vẫn chưa tiếp cận dễ dàng.

Nguồn cung không đủ cầu

Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở TPHCM thời gian gần đây có xu hướng gia tăng, một số cơ sở điều trị quá tải, không đủ thuốc điều trị cho người dân. Bác sĩ điều trị F0 tại nhà khẳng định, thuốc điều trị COVID-19 cho bệnh nhân trở nặng còn thiếu, nhiều F0 khi chuyển nặng gọi điện đến y tế phường để xin thuốc điều trị nhưng không có hoặc không đủ thuốc. Nhiều người bất chấp, ra chợ đen mua thuốc lậu, đắt đỏ gấp chục lần (8 triệu đồng/bốn vỉ thuốc Molnupiravir; 12 triệu đồng/hộp) để mong giữ được mạng sống cho người thân. 

Tại kỳ họp thứ tư HĐND TPHCM mới đây, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định “thuốc không phải thiếu mà cần tăng khả năng tiếp cận”. Ông Tăng Chí Thượng cũng cho biết, TPHCM vừa tiếp nhận bổ sung 25.000 liều Molnupiravir, Sở Y tế đã phân bố ngay cho các địa phương. Tuy nhiên, do số lượng còn hạn chế, thành phố xem xét ưu tiên cấp cho F0 thuộc nhóm nguy cơ.

Thuốc điều trị COVID-19 được rao bán trên mạng
Thuốc điều trị COVID-19 được rao bán trên mạng

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Hô hấp TPHCM, cho rằng, giá thuốc tăng phi mã ở thị trường chợ đen đã chứng minh rằng cung không đủ cầu, nhiều người dân bất chấp mua cả thuốc lậu từ Ấn Độ. Lúc này, Bộ Y tế cần phải đặt lên bàn cân xem xét phương án nào (sản xuất trong nước hay nhập khẩu) nhanh nhất để thuốc sớm đến tay người bệnh và nhân viên y tế. 

Bởi, theo bác sĩ Trần Văn Ngọc, những thuốc điều trị nào được sản xuất và được phép bán ra trên thị trường, được thử nghiệm lâm sàng hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới thì Bộ Y tế nên sớm đặt mua về cho người dân khi công tác nhượng quyền sản xuất của các công ty dược, việc ký hợp đồng hay nhập nguyên liệu, đăng ký sản xuất… còn nhiều thủ tục rườm rà phải chờ đợi. Hoặc đẩy nhanh khâu thẩm định, cấp phép để các công ty dược nhanh chóng đi vào sản xuất. 

Các chuyên gia y tế và các bác sĩ cho rằng, khi nào thuốc được bán rộng rãi, người dân dễ tiếp cận, người lớn tuổi giảm tử vong, giảm lây lan dịch bệnh thì giá thuốc sẽ giảm đi rất nhiều, không như trong thời gian qua, giá thuốc tăng lên gấp đôi chỉ trong vòng một tháng. 

Chủ động lên phương án sản xuất hay mua

Vào cuối tháng 11, Tập đoàn Dược phẩm MSD của Mỹ và Công ty Pfizer đã có văn bản gửi Cục Quản lý Dược đồng ý nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc điều trị COVID-19, ngay sau đó đã có năm công ty dược trong nước nộp hồ sơ sản xuất thuốc kháng vi-rút Molnupiravir. Bộ Y tế đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép trong tình huống phòng, chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn.

Một toa thuốc của nhà thuốc tại Q.7, TP.HCM thể hiện thông tin bán thuốc Molnupiravir với giá 9,5 triệu đồng
Một toa thuốc của nhà thuốc tại Q.7, TPHCM thể hiện thông tin bán thuốc Molnupiravir với giá 9,5 triệu đồng

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng từ một số công ty dược này cho biết, một số công ty đã nhập đủ nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị COVID-19 để sản xuất thuốc theo nhượng quyền, nhưng vẫn còn đang đợi Bộ Y tế cấp phép số đăng ký thuốc và thẩm định đủ điều kiện mới bắt tay vào sản xuất. 

Giám đốc một công ty dược phẩm trong Hiệp hội Dược Việt Nam (xin được giấu tên) cho rằng, trước tình trạng số nhiễm bệnh COVID-19 tăng cao trở lại trong thời gian gần đây tại TP.HCM và các tỉnh, cùng với tình trạng thiếu thuốc và vắc xin, Chính phủ đã có những động thái quy trình rút gọn. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần cởi mở hơn bằng cách cho phép các công ty dược nhà nước tìm kiếm nguồn thuốc điều trị COVID-19 và hướng dẫn rõ vì lý do khẩn cấp nên xem xét nguồn nhập khẩu và sản xuất để bộ cấp phép nhanh nhất có thể. Với các công ty nhà nước không có khả năng nhập khẩu, có thể làm việc với các công ty có điều kiện nhập khẩu để làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất. 

Theo vị lãnh đạo này, ngoài việc ngoại giao và mua vắc-xin, Bộ Y tế nên nhanh chóng mở cơ chế cho các công ty dược trong nước sản xuất hoặc nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19 nhanh nhất để không bị kéo dài và mất cơ hội như vắc xin sản xuất trong nước hiện nay không tìm được người thử nghiệm và không thực hiện giai đoạn tiếp theo để được cấp phép. 

Theo các chuyên gia, để người dân và nhân viên y tế tuyến đầu có cơ hội tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 nhanh nhất, khống chế được dịch bệnh phụ thuộc vào kỹ năng đàm phán và chính sách mở của ngành y tế về cơ chế nhập khẩu và sản xuất vắc xin cũng như thuốc điều trị. 

Rút gọn thủ tục hành chính để nhanh có thuốc điều trị COVID-19

Trong Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 8/12 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế cần bám sát, tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời đề xuất, tháo gỡ về thể chế, các khó khăn, vướng mắc liên quan tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, cấp phép vắc xin, thuốc điều trị COVID-19… Bộ Y tế cần chủ động hơn nữa trong dự báo nhu cầu về số lượng, loại thuốc điều trị COVID-19 cho cả nước để có phương án mua, kể cả mua tập trung và phân bổ, sử dụng phù hợp với yêu cầu điều trị công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường; chống mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; có cơ số dự phòng cho tình huống dịch diễn biến xấu đối với các loại thuốc thiết yếu.

Về việc sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 trong nước, Bộ Y tế và các cơ quan tích cực triển khai, tạo điều kiện tối đa, kể cả hỗ trợ tài chính phù hợp, hiệu quả theo quy định cho các đơn vị, doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước trên nguyên tắc đảm bảo khoa học, an toàn, hợp lý, hiệu quả; rút gọn nhất về thủ tục hành chính nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về chuyên môn…

Bảo Anh

Hoàng Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI