Đáng lo cho nền giáo dục

20/04/2018 - 07:00

PNO - Những người lớn như vị hiệu trưởng nhận hối lộ, ông phụ huynh quá quắt bắt cô giáo quỳ, hay đứa học trò nhiễm máu giang hồ đâm thầy giáo… xét đến cùng đều là sản phẩm của nền giáo dục.

Không khỏi giật mình khi thống kê về các sự kiện xảy ra gần đây liên quan đến ngành giáo dục. Trong vòng hơn một tháng, hơn 20 sự kiện toàn một màu xám xịt.

Khi “chuyến tàu vét” của các giáo sư chưa kịp lặng sóng thì cô giáo “tịnh khẩu” đã nổi lên chiếm lấy dòng chủ lưu trên mạng xã hội. Hành vi bạo lực tinh thần của cô giáo này chưa xử lý xong thì cô giáo ở Hải Phòng lần đầu tiên “lăng-xê” món “nước uống giẻ lau bảng” dành cho học trò lớp Ba.

Dang lo cho nen giao duc
 

Khi sự cố ấy đang còn phải loay hoay giải quyết thì trò lại đón đường đâm thầy giáo trọng thương. Ở một địa phương khác, công an cũng vừa đọc lệnh bắt giam một hiệu trưởng nhận tiền “chạy việc”...

Trước hàng loạt câu chuyện buồn đó, người ta chỉ còn biết lắc đầu cám cảnh: sao lại bi đát như vậy?

Quả thật, rất khó hình dung diện mạo của ngành giáo dục lại đen tối đến như thế. Chuyện buồn, phải nói là chuyện kinh dị mới đúng, cứ nối tiếp nhau gây chấn động dư luận. Từ bậc học thấp nhất là mầm non cho đến bậc học cao nhất là tiến sĩ với những phẩm hàm giáo sư cao quý cứ nối tiếp nhau bung bét.

Lại được cộng hưởng bởi mạng xã hội luôn “thiếu tình, thừa đá”, khiến giáo dục đang hiện lên như một bức tranh bị bôi bẩn. Có người nói rằng, ngành giáo dục đang bị “sao quả tạ” chiếu. Ngẫm lại, đó chỉ là tự an ủi mình, chứ nó không đúng trong trường hợp này.

Thực ra mọi sự đã được dự báo. Đó là hậu quả của việc xem nhẹ những bài học làm người mà chỉ chạy theo thành tích hão, là hậu quả của mối quan hệ quản lý - thầy cô - phụ huynh - học trò đều được quy về… vật chất.

Khi giáo viên ngửa tay cầm tiền của phụ huynh, cấp trên nhận “lót tay” chạy việc của cấp dưới, học sinh dũng cảm nói lên sự thật liền bị trù dập… thì rất khó hy vọng về một môi trường giáo dục đúng nghĩa.

Đừng đổ lỗi cho chương trình hay cơ sở vật chất yếu kém. Người thầy mới vẽ nên diện mạo của bức tranh giáo dục, tạo nên nhân cách học trò. Một “kỹ sư tâm hồn” mà không có tâm hồn thì sao có thể bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cho người khác. Khi người thầy không xứng đáng thì trách sao trò không nên người.

Những người lớn như vị hiệu trưởng nhận hối lộ, ông phụ huynh quá quắt bắt cô giáo quỳ, hay đứa học trò nhiễm máu giang hồ đâm thầy giáo… xét đến cùng đều là sản phẩm của nền giáo dục.

Nhìn vào nền giáo dục của một nước sẽ thấy được tương lai của đất nước đó. Nói khác đi, con người và bức tranh xã hội là sự phản ánh chân thực nền giáo dục. Bởi thế, những vụ việc chấn động đã, đang và sẽ còn tiếp diễn cũng chỉ là hệ quả do chính nền giáo dục tạo ra. Những sự kiện khiến chúng ta phải rùng mình lo lắng cho tương lai - thứ được quyết định bởi nền giáo dục hôm nay.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói đại ý, nếu thắng trên cuộc đua giáo dục sẽ thắng trên trận địa kinh tế. Nhưng có lẽ, nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng toàn diện. Bởi con người có lương thiện hay tàn nhẫn, trung thực hay gian xảo, dũng cảm hay hèn nhát, có tri thức hay dốt nát… cũng đều từ giáo dục mà ra.

Dân tộc mạnh hay yếu được quyết định bởi một thứ tài sản lớn nhất, đó chính là con người, chứ không phải bất kỳ thứ gì khác. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI