Dân xót xa chặt bỏ hàng ngàn cây cam để làm củi trong mùa thu hoạch

21/11/2017 - 08:55

PNO - Nhiều năm bỏ tiền của chăm sóc nhưng hàng ngàn gốc cam tại Hà Tĩnh lại không cho quả, hoặc cho quả kém chất lượng khiến người dân “dở khóc dở cười”, chặt bỏ làm củi.

Những ngày qua, nhiều hộ dân trồng cam tại thôn 4 (xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) lâm cảnh “dở khóc dở cười” khi phải tự tay mang cưa ra phá bỏ vườn cam đang độ thu hoạch của mình sau 6 năm chăm bón.

Đứng nhìn vườn cam hơn 300 gốc đã được chặt bỏ gần hết, ông Thiều Sỹ Hùng (51 tuổi, xã Hương Thủy) xót xa nói “cam này không ra quả, có nữa thì chất lượng cũng rất kém nên không bán được, đành chặt bỏ để lấy củi”. Chủ vườn cam này cho biết, ông đã có 20 năm gắn bó với nghề trồng cam nhưng chưa lúc nào thấy cam cho quả lại kém chất lượng đến mức phải chặt bỏ.

Năm 2011, ông Hùng mua hơn 300 gốc cam chanh tại một vườn ươm ở thị trấn Hương Khê về trồng. Ba năm sau, vườn cây cam này bắt đầu cho quả bói nhưng vỏ rất dày, tép khô, chất lượng quả kém nên bán không được.

Dan xot xa chat bo hang ngan cay cam de lam cui trong mua thu hoach
Cam ít trái, lại không đạt chất lượng khiến người dân mất trắng tiền sau nhiều năm chăm sóc.

Những vụ sau dù được bón phân, thuốc trừ bệnh đầy đủ theo kỹ thuật đã được hướng dẫn nhưng cam chỉ phát triển chiều cao, không cho tán, quả ít, kém chất lượng nên thương lái không mua. Để vớt vát chút vốn, nhiều người hái cam đem ra chợ bán nhưng cao nhất cũng chỉ 5.000 – 10.000 đồng/kg.

“Bán với giá đó thì không thể đủ để bù tiền công nói gì tiến vốn cả mấy trăm triệu bỏ ra. Trồng 6 năm nay chặt như thế này xót lắm, nhưng để lại thì được ích gì. Sau vụ này, tôi sẽ mua bưởi Phúc Trạch về tự ghép để trồng”, ông Hùng nói và cho biết nguyên nhân dẫn đến cam kém chất lượng như trên là do người dân mua phải cây giống kém chất lượng.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, bà Tôn Thị Thất (55 tuổi, trú thôn 4) cho biết, hơn 1.000 gốc cam trên diện tích 1,3 ha của gia đình bà cũng ngày càng còi cọc, không cho quả, lá biến thành màu vàng dù được chăm sóc theo kỹ thuật. “Xót quá nên tôi cố chăm sóc thêm thời gian nữa xem có cứu vãn được gì không rồi mới tính đến chuyện chặt bỏ”, bà Thất than vãn.

Dan xot xa chat bo hang ngan cay cam de lam cui trong mua thu hoach
Cho rằng giống cây cam kém chất lượng, ông Hùng mang cưa ra phá bỏ vườn cam để thay thế cây trồng mới.

Ông Bạch Đình Hữu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy cho biết, toàn xã có hơn 120ha diện tích trồng bưởi và cam. Trong đó có khoảng 10ha với hơn 5.000 cây cam cho quả kém chất lượn,g tập trung nhiều nhất ở thôn 4 và thôn 7.

“Nguyên nhân dẫn đến việc cam kém chất lượng là do ảnh hưởng của mưa lũ, sâu bệnh, và có thể do chất đất chưa phù hợp, quy trình chăm sóc chưa đúng. Còn về giống thì chưa thể khẳng định”, ông Hữu cho biết.

Ông Võ Tá Tài, Trung tâm Bảo tồn gen giống bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê khẳng định, giống cam cung cấp cho các hộ dân ở xã Hương Thủy luôn đảm bảo chất lượng. Theo ông Tài, muốn cam phát triển tốt thì phải xem các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu và cả ảnh hưởng của thiên nhiên và cả việc bón phân đúng quy trình hay không.

“Nhiều diện tích cam cùng bị như vậy là điều khác lạ, nhưng chưa thể khẳng định cam bị vậy là do giống hay quy trình chăm sóc. Nguyên nhân ban đầu có thể do quy trình chăm sóc không đảm bảo và ánh hưởng của thổ nhưỡng, đất đai thường… Chúng tôi đang kiểm tra và tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp”, ông Lê Quang Vinh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI