Dai dẳng “cuộc chiến” di dời, xử lý cơ sở gây ô nhiễm

30/09/2020 - 15:31

PNO - Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm không hề dễ dàng vì vẫn thiếu những quy định pháp lý cần thiết.

Dắt chúng tôi đến trước một cơ sở giặt nhuộm đã ngừng hoạt động ba năm trước, bà Mười phấn khởi kể, bây giờ, người lớn không còn phải bịt khẩu trang khi ở trong nhà, trẻ con cũng không còn nằm ho sặc sụa vì hít phải bụi bẩn.

Tại TPHCM, 5 năm qua, hàng trăm cơ sở “siêu ô nhiễm” đã bị buộc ngừng hoạt động hoặc di dời, trả lại bầu không khí dễ thở cho cư dân. Trên thực tế, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm không hề dễ dàng vì vẫn thiếu những quy định pháp lý cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Mười đi ngang một cơ sở giặt nhuộm từng gây ám ảnh ở khu phố 4, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, nay đã đóng cửa - Ảnh: SƠN VINH
Bà Nguyễn Thị Mười đi ngang một cơ sở giặt nhuộm từng gây ám ảnh ở khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, nay đã đóng cửa - Ảnh: Sơn Vinh

Đổi thay ở những khu “siêu ô nhiễm”

72 tuổi, hơn 50 năm sống ở khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, bà Nguyễn Thị Mười chứng kiến sự thay đổi của khu phố từng được mệnh danh là “siêu ô nhiễm”. Khoảng 15 năm trước, hàng chục cơ sở giặt nhuộm đột ngột mọc lên dọc đường Nguyễn Văn Quá, thuộc khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận. Nhớ lại thời điểm đó, bà Mười ám ảnh: “5 năm trước, cũng vào tháng này, nước đen ngòm ngập tới đầu gối. Sáng sớm, mở cửa ra là khói đen bay ngợp trời, không ăn uống gì được”.

Dắt chúng tôi đến một cơ sở nằm cách nhà chừng 30 bước chân, bà Mười cho biết, cơ sở này đã dừng hoạt động cách đây hơn ba năm. Từ đó, người dân ở đây cảm thấy dễ thở vì không phải sớm tối hít “khói màu”. Bây giờ, trẻ con, người lớn ở trong nhà không còn phải bịt khẩu trang như trước. Đêm đến, mấy đứa cháu của bà Mười cũng không còn nằm ho sặc sụa vì hít phải bụi bẩn.

“Nói nào ngay tụi tui gửi đơn thưa cũng nhiều. Thời gian sau, mấy ông chính quyền làm cũng mạnh nên họ phải đóng cửa, chuyển đi nơi khác. Hôm cơ sở này dọn đi, dân ở đây ăn mừng quá trời” - bà Mười kể.

Một cán bộ ở Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TPHCM nhận định, hàng chục cơ sở giặt, nhuộm ở đường Nguyễn Văn Quá chính là tác nhân biến kênh Tham Lương thành “dòng kênh chết”. Khoảng 10 năm về trước, đến khu vực này, người dân sẽ dễ dàng nhận thấy cảnh ống khói đua nhau bức tử môi trường, còn bên dưới lòng cống là nước thải đủ màu xả trực tiếp ra kênh Tham Lương.

“Các cơ sở này hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh nhưng quy mô của mấy chục cơ sở gộp lại thì chẳng khác nào một khu công nghiệp. Các cơ sở ở đây đã bị xử phạt từ nhiều lần do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” - vị cán bộ trên nhớ lại.

Năm 2016, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thí điểm xử lý 21 cơ sở gây ô nhiễm ở phường Đông Hưng Thuận. Ban đầu, kế hoạch không thực hiện được do các chủ cơ sở không chấp hành. Sau khi bị niêm phong, tạm dừng hoạt động, chủ cơ sở lại gỡ niêm phong, lén lút hoạt động.

Đến nay, theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12, việc xử lý 21 cơ sở “siêu ô nhiễm” ở đường Nguyễn Văn Quá đã hoàn tất. Trong đó, 3 cơ sở tự nguyện di dời khỏi TPHCM, 2 cơ sở tự chuyển đổi ngành nghề khác phù hợp với quy hoạch tại địa phương, 16 cơ sở di dời vào khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh, TPHCM). 

Suốt gần nửa thế kỷ tồn tại, Trạm nghiền Xi măng Thủ Đức (thuộc Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1) nằm bên trục Xa lộ Hà Nội, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức từng là nỗi ám ảnh của người dân sống quanh khu vực này. Ông Hà Văn Minh - ở phường Trường Thọ - kể, 10 năm trước, gia đình ông chuyển về khu vực này sinh sống nhưng suýt phải bán nhà đi nơi khác do khói bụi quá mức vì trạm nghiền này sử dụng công nghệ lạc hậu từ những năm 60 của thế kỷ trước. 

Cuối năm 2016, UBND TPHCM đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 phải chấm dứt hoạt động của trạm nghiền xi măng này và có phương án di dời đến nơi khác để trả mặt bằng chỉnh trang đô thị. Đến nay, trạm nghiền xi măng này đã dừng hoạt động, nhiều hạng mục công trình đã được tháo dỡ, người dân địa phương cũng thoát khỏi tình trạng sống chung với ô nhiễm. Theo quy hoạch, nơi đặt trạm nghiền xi măng cũ sẽ trở thành dự án khu phức hợp VICEM Hà Tiên. 

Được biết, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 từng đề xuất được di dời trạm nghiền xi măng về khu công nghiệp Phú Hữu (quận 9) nhưng không được các sở, ngành chấp nhận vì lo ngại sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. 

Cảnh ô nhiễm ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12 khi các nhà máy gây ô nhiễm chưa di dời - Ảnh: HOÀNG NHIÊN
Cảnh ô nhiễm ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12 khi các nhà máy gây ô nhiễm chưa di dời - Ảnh: Hoàng Nhiên

 

Còn thiếu nhiều quy định về xử lý cơ sở ô nhiễm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đến nay, TPHCM đã cơ bản xử lý xong các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, trong số 37 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn tồn đọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện tất cả đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để, trong đó, 21 cơ sở đã ngưng hoạt động hoặc di dời, 16 cơ sở còn hoạt động sản xuất. 

Từ năm 2017, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục 40 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý với biện pháp cụ thể là: 13 cơ sở tự khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; cấm hoạt động và di dời 2 cơ sở; di dời 25 cơ sở, thời hạn hoàn thành di dời là đến hết năm 2019.

Đến nay, vẫn chưa có kết quả phê duyệt danh mục theo đề xuất. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, các đơn vị chức năng của TPHCM đã kiểm tra, xử lý và đến nay, 25 cơ sở đã ngưng hoạt động sản xuất hoặc di dời, trong 15 cơ sở còn hoạt động thì có 12 cơ sở đã khắc phục ô nhiễm, chỉ còn 3 cơ sở chưa có biện pháp khắc phục ô nhiễm.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, TPHCM cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, theo Luật Đầu tư, TPHCM đã tập trung kêu gọi đầu tư với những ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, đến nay, chưa có quy định về kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các thông tư hướng dẫn về tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đều dựa trên nghị định cũ dù đã có nghị định thay thế. Ngoài ra, có nhiều cơ sở bị đưa vào danh sách gây ô nhiễm môi trường từ nhiều năm trước, nay đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm nhưng chưa có quy định về việc rút tên các cơ sở này khỏi “danh sách đen”.

Theo quy định hiện hành, một cơ sở vi phạm về lĩnh vực môi trường sẽ bị xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là tước giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn nhưng tại TPHCM, có nhiều cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ chấp hành việc nộp phạt, không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có quy định về cưỡng chế thi hành biện pháp đình chỉ hoạt động.

Điện và nước là yếu tố cơ bản cho hoạt động sản xuất của cơ sở; việc ngừng cung cấp điện, nước cho công đoạn sản xuất là biện pháp hiệu quả và thiết thực buộc cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành nghiêm quyết định xử phạt. Nhưng hiện nay, biện pháp này chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo UBND TPHCM, thời gian tới, sẽ đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành việc xử lý ô nhiễm, đồng thời thường xuyên giám sát các cơ sở đã được rút tên khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm.

TPHCM cũng sẽ tập trung nhiều nguồn lực tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X về chương trình đột phá giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố sạch, xanh, bền vững. 

Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thực hiện cơ chế đặc thù, TPHCM sẽ nghiên cứu đề xuất tăng các loại phí, lệ phí và đề xuất các loại phí, lệ phí mới vào hoạt động doanh nghiệp có ảnh hưởng đến môi trường. 

Một cơ sở giặt nhuộm ở đường Nguyễn Văn Quá đã di dời hơn ba năm nay nhưng khói đen vẫn còn bám trên mái nhà - Ảnh: SƠN VINH
Một cơ sở giặt nhuộm ở đường Nguyễn Văn Quá đã di dời hơn ba năm nay nhưng khói đen vẫn còn bám trên mái nhà - Ảnh: Sơn Vinh

 

Sớm di dời cơ sở ô nhiễm trong khu dân cư

Còn cơ sở sản xuất trong khu dân cư là còn ô nhiễm, từ ô nhiễm không khí đến tiếng ồn. Đặc biệt, các loại hóa chất dùng trong sản xuất sẽ phát tán nhanh đến cộng đồng, nguồn nước. Việc di dời các cơ sở sản xuất vật liệu độc hại, dễ gây cháy nổ là nhu cầu cấp bách, cần thiết, không thể chần chừ được nữa. Mấy năm nay, TPHCM đã làm nhiều rồi nhưng theo tôi, cần phải đẩy nhanh tiến độ, làm quyết liệt hơn nữa.


Giáo sư Lê Huy Bá (chuyên gia môi trường)

Kiến nghị ngừng cấp điện, nước đối với cơ sở chây ì

Để giải quyết khó khăn trong việc xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cấp phép đầu tư hoạt động với một số ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đưa vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp hoạt động không đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Để nâng cao hiệu quả xử phạt, TPHCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình các cấp có thẩm quyền về sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó bổ sung biện pháp cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện, nước phục vụ sản xuất để cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành nghiêm quyết định xử phạt; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, bổ sung các quy định ràng buộc trong việc cung cấp điện, nước cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh khi các đơn vị này vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị đình chỉ hoạt động.

UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy trình rút tên đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo tiêu chí của Thông tư số 04/2012-TTBTMMT.

Sơn Vinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI