Cuộc đua tìm thuốc điều trị COVID-19 đã đến giai đoạn cuối

28/07/2021 - 08:21

PNO - Công ty Shionogi sánh vai cùng hai hãng dược nổi tiếng Pfizer và Merck & Co. trong cuộc đua tìm kiếm phương pháp điều trị căn bệnh COVID-19...

Một công ty Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm trên người loại thuốc dạng viên, với liều lượng một viên mỗi ngày cho bệnh nhân COVID-19, sánh vai cùng hai hãng dược nổi tiếng Pfizer và Merck & Co. trong cuộc đua tìm kiếm phương pháp điều trị căn bệnh này.

Giai đoạn nước rút

Công ty Shionogi có trụ sở tại Osaka - nổi tiếng với loại thuốc giảm cholesterol Crestor - cho biết họ thiết kế sản phẩm của mình để tấn công vi-rút SARS-CoV-2 ở ca mắc COVID-19 dạng nhẹ hoặc trung bình, với liều một viên/ngày giúp điều trị dễ dàng hơn tại nhà. Quá trình thử nghiệm hiệu quả thuốc và ghi nhận tác dụng phụ bắt đầu từ tháng 7/2021, dự kiến có khả năng kéo dài đến năm 2022. 

Thuốc truyền tĩnh mạch Remdesivir hoạt động bằng cách ngăn chặn  sự sao chép của vi-rút RNA - ẢNH: AP
Thuốc truyền tĩnh mạch Remdesivir hoạt động bằng cách ngăn chặn sự sao chép của vi-rút RNA - ẢNH: AP

Shionogi hiện đi sau Pfizer và Merck vài tháng. Theo Pfizer, viên uống hai lần mỗi ngày của họ có thể sẵn sàng tung ra thị trường ngay trong năm nay. Công ty đang chuẩn bị cho hơn 2.000 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Mỹ tham gia thử nghiệm thuốc kháng vi-rút và giả dược. Trong khi đó, Merck đã ký hợp đồng cung cấp 1,7 triệu liệu trình thuốc điều trị COVID-19 có tên Molnupiravir cho chính phủ Mỹ, trị giá 1,2 tỷ USD. Kết quả thử nghiệm ban đầu công bố vào tháng Bảy cho thấy Molnupiravir có tác dụng giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện và tăng tốc độ hồi phục của các ca bệnh nhẹ. Kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của Molnupiravir dự kiến hoàn thành vào tháng 9 hoặc tháng 10/2021.

“Cuộc đua” của cả ba công ty đều nhằm mục đích lấp đầy một trong những lỗ hổng lớn nhất trong việc chống lại đại dịch. Nghiên cứu chỉ ra rằng vắc-xin có hiệu quả trong việc ngăn ngừa ca bệnh nghiêm trọng do các chủng COVID-19 đã biết, bao gồm cả chủng Delta dễ lây lan. Nhưng những người không muốn tiêm phòng, không thể tiêm và mắc bệnh từ nhẹ đến trung bình sau chủng ngừa vẫn cần thuốc điều trị. 

Các phương pháp điều trị COVID-19 hiện có, điển hình là thuốc truyền qua tĩnh mạch Remdesivir của Gilead Sciences Inc., thường phải thực hiện tại bệnh viện và chỉ có tác dụng đối với ca bệnh nhẹ. Những loại thuốc khác có thể sử dụng trong phác đồ điều trị COVID-19, bao gồm nhóm kháng thể đơn dòng như thuốc do Regeneron Pharmaceuticals Inc. sản xuất và nhóm steroid như dexamethasone, không trực tiếp nhắm vào vi-rút, mà chủ yếu giúp kiểm soát các triệu chứng của người bệnh.

Đáng chú ý, steroid có nguy cơ khiến bệnh nhân lây nhiễm các loại nấm và vi khuẩn khác do ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Dịch bệnh nấm đen đang bùng phát ở Ấn Độ là một hậu quả của sử dụng steroid.

Vẫn còn những rào cản

Phó giáo sư Sophia Archuleta - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore - cho biết thuốc kháng vi-rút có nhiệm vụ liên kết và cản trở chức năng sao chép, nhân bản của protein vi-rút. Các nhà khoa học có thể xác định các liên kết thuốc tiềm năng từ cấu trúc 3D của protein vi-rút. Tùy theo thời gian, vi-rút có thể biến đổi cấu trúc protein khiến thuốc không còn phù hợp, vẫn có một số đặc điểm quan trọng đối với chức năng của protein đến mức chúng không thể đột biến. 

Một báo cáo hồi tháng Sáu trên Tạp chí Nghiên cứu Proteome của nhóm tác giả từ Đại học Toronto (Canada) đã phân tích protein của 27 loài  vi-rút Corona và hàng ngàn mẫu từ bệnh nhân COVID-19, qua đó xác định hai đặc điểm có tính bảo tồn cao, dễ trở thành mục tiêu thuốc tốt nhất. Tương tự, bằng cách áp dụng mô hình trí thông minh nhân tạo (AI), các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge và Viện Gurdon (Anh) phát hiện ra tổng cộng 200 loại thuốc đã được phê duyệt cho các bệnh khác có triển vọng điều trị COVID-19; 40 loại trong số đó hiện đang được thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm thuốc lớn nhất, với hơn 12.000 bệnh nhân COVID-19 tham gia, đang tiến hành tại Đại học Oxford (Anh) từ tháng 3/2020. 

Cần lưu ý rằng không phải ứng viên thuốc nào cũng cho kết quả khả quan trong thử nghiệm lâm sàng, vì mỗi loại thuốc được thiết kế cho một giai đoạn bệnh riêng biệt và cần trải qua nhiều vòng kiểm tra nhằm đảm bảo rằng thuốc chỉ tấn công tế bào nhiễm vi-rút đang nhân bản mà không làm hại các tế bào khỏe mạnh. 

Tuy nhiên, cùng với những hiệu quả của vắc-xin và cuộc chạy đua không ngừng nghỉ của các hãng dược nổi tiếng và uy tín trên toàn cầu, chúng ta hy vọng thuốc điều trị COVID-19 sẽ có một ngày không quá xa, đưa cuộc sống trở lại bình thường...

Linh La (theo WSJ, Conversation, SCMP, SciTechDaily, Health Europa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI