Cuộc đời gian truân nhưng lẫy lừng của nữ chủ nhân Nobel Hóa học 2018

06/10/2018 - 06:18

PNO - Trải qua nhiều mất mát đau xót và mắc ung thư vú, kỹ sư hóa học Frances Arnold vẫn kiên trì với sự nghiệp nghiên cứu, trở thành gương mặt nữ hiếm hoi nhận giải thưởng Nobel Hóa học

Cuộc sống là không hề dễ dàng với Frances Arnold, giáo sư kỹ thuật hóa học của Viện Công nghệ California (Caltech), cũng là chủ nhân giải Nobel Hóa học 2018.

Chiến thắng của Arnold không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai biết đến bà cũng như công việc của bà. Arnold luôn được xem là nhân vật quyền lực, được công nhận xứng đáng với phát minh khoa học quan trọng.

Cuoc doi gian truan nhung lay lung cua nu chu nhan Nobel Hoa hoc 2018
Kỹ sư sinh hóa người Mỹ Frances Arnold sau khi nhận Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ 2016 tại Helsinki, Phần Lan.

Nhưng không phải ai cũng biết Arnold có cuộc sống đầy trớ trêu và đau xót. Người chồng đầu tiên, kỹ sư sinh hóa James Bailey, qua đời vì ung thư năm 2001. Năm 2005, bản thân Arnold cũng được chẩn đoán ung thư vú.

Năm năm sau, người bạn đời thứ hai của bà - ông Andrew Lange, nhà vũ trụ học đại tài - cũng chết do tự tử.

Thảm cảnh không dừng lại ở đó khi con trai bà - William Lange-Arnold – thiệt mạng trong một vụ tai nạn năm 2016.

Vượt qua nghịch cảnh, Arnold kiên trì nghiên cứu và sở hữu sự nghiệp xuất sắc. Thứ Tư vừa qua (3/10), bà trở thành người phụ nữ thứ năm trong lịch sử giành giải Nobel Hóa học, đồng thời là một trong 17 nữ chủ nhân của giải Nobel về khoa học, bao gồm Y học, Hóa học và Vật lý. Kể từ khi bắt đầu năm 1901, Giải thưởng Nobel đã được trao cho 844 nam và 49 nữ.

Cuoc doi gian truan nhung lay lung cua nu chu nhan Nobel Hoa hoc 2018
Nobel Hóa học năm 2018  được trao cho ba nhà khoa học: Frances H. Arnold, George P. Smith và Sir Gregory P. Winter.

Trong cuộc họp báo mới đây tại Caltech, Arnord chia sẻ: "Có rất nhiều phụ nữ tuyệt vời trong ngành hóa học, chỉ chậm hơn một chút so với một số đồng nghiệp nam, nhưng họ vẫn rất xuất sắc. Tôi dự đoán các giải thưởng Nobel sắp tới sẽ công nhận nhiều nhân vật nữ hơn.”

Một trong những nữ chủ nhân giải Nobel năm nay là Donna Strickland với giải Nobel Vật lý. Là nhà vật lý học chuyên về công nghệ laser tại Đại học Waterloo, Canada nhưng Strickland vẫn là phó giáo sư, thậm chí không sở hữu trang Wikipedia riêng cho đến khi giải thưởng được công bố hôm thứ Ba (2/10).

Tuy nhiên, cả Strickland và Arnold đều là gương mặt nữ hiếm hoi trong giới Nobel mà nam giới chiếm ưu thế.

Cuoc doi gian truan nhung lay lung cua nu chu nhan Nobel Hoa hoc 2018
Giáo sư Donna Strickland trình bày các công cụ trong phòng thí nghiệm riêng sau cuộc họp báo ngày 02/10 tại Đại học Waterloo, Canada.

Theo báo cáo, Arnold đi tiên phong trong một phương pháp mới sử dụng đột biến di truyền ngẫu nhiên để tạo ra enzyme tùy chỉnh, cũng là hợp chất sinh học cung cấp năng lượng phản ứng hóa học trong các sinh vật sống.

Theo Carolyn Bertozzi - giáo sư hóa học tại Đại học Stanford, nữ chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học năm nay đã tìm ra cách lấy enzyme trong tự nhiên, tiến hóa chúng để xúc tác các phản ứng chưa từng tự xảy ra. Nhờ đó, chúng ta có thể tạo ra các phân tử mới, định hướng tiến hóa trong ống nghiệm.

Công trình của Arnold đã sản sinh ra nhiều công ty và sáng chế khác. Bà giành được vô số giải thưởng, giúp thành lập công ty nhiên liệu sinh học Gevo và nằm trong hội đồng quản trị của công ty giải trình tự gen Illumina Inc.

Giáo sư Carolyn Bertozzi cũng nói: “Frances là con người vô cùng đặc biệt, mạnh mẽ và thu hút. Nếu chọn ra một trong những người từng đoạt giải Nobel để trao giải Nobel Đặc biệt, thì bà ấy chính là người đó.”

Cuoc doi gian truan nhung lay lung cua nu chu nhan Nobel Hoa hoc 2018
Frances Arnold được Tổng thống Obama trao tặng Huân chương Công nghệ và Sáng tạo Quốc gia năm 2013.

Trong khi nghiên cứu công trình này, Arnold cũng làm cố vấn cho hậu bối trẻ tuổi. Bà là nữ giáo sư kỹ thuật đầu tiên mà Hadley Sikes, hiện là phó giáo sư kỹ thuật hóa học tại MIT, từng biết đến. Trong bộ phận tiến sĩ của Sikes không có nữ giảng viên nào cả.

Đây có thể là lời giải thích cho sự thiếu vắng bóng hình phụ nữ trong ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nói chung.

Vấn đề không phải là phụ nữ không yêu thích khoa học, mà trong hàng thập kỷ, người ta cho rằng phụ nữ đơn giản là không có những thành tựu như đàn ông.

Nhưng Rosalind Franklin, chuyên gia tinh thể học tia X đã phát hiện cấu trúc xoắn kép của DNA, thì sao? Giải Nobel cho khám phá đó đã được trao cho ba nam cộng sự của cô: James Watson, Francis Crick và Maurice Wilkins, năm 1962. Franklin qua đời năm 1958 còn Nobel thì không được trao cho người quá cố.

Và đầu năm nay, Jocelyn Bell Burnell (Đại học Oxford, Anh) đã được công nhận xứng đáng với Giải thưởng Đột phá Đặc biệt trị giá 3 triệu USD trong ngành Vật lý Cơ bản.

Bà phát hiện ra thiên thể pulsar năm 1967 khi còn mang học vị cử nhân, nhưng người nhận được giải Nobel năm 1974 cho phát hiện này lại là cố vấn nam của bà.

Cuoc doi gian truan nhung lay lung cua nu chu nhan Nobel Hoa hoc 2018
Frances Arnold phát biểu tại Caltech trong cuộc họp báo ngày 03/10/2018.

Bất bình đẳng giới và bất công vẫn tồn tại nhưng Arnold không để những điều đó ảnh hưởng đến mình. Bà không bao giờ nghi ngờ giá trị của bản thân hay ý nghĩa của các dự án mà bà đang theo đuổi. Arnold luôn trung thành với con đường của mình.

Sinh ra là con gái của một nhà vật lí hạt nhân nổi tiếng, Arnold từng xin quá giang đến Washington D.C. để phản đối chiến tranh Việt Nam vào những năm 1970. Theo Los Angeles Times, bà ra ở riêng khi mới học trung học, tự kiếm sống bằng nghề nhân viên phục vụ cocktail và tài xế taxi.

Arnold nói trong bài phát biểu năm 2017 tại Caltech: “Để tồn tại và phát triển trong một thế giới không ngừng thay đổi, tự nhiên mang đến một bài học tuyệt vời: Những người sống sót không chỉ cần nghi với thay đổi mà còn sử dụng thay đổi để phát triển toàn diện.

Để thành công, chúng ta phải thận trọng lắng nghe và không ngừng học hỏi.”

Ngọc Anh (theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI