“Cuộc chiến” giành con khi ly hôn: Những cuộc tranh giành bất tận

07/04/2021 - 09:13

PNO - Tôi vẫn nhớ ánh mắt u buồn, đau khổ của chị khi nhắc đến con. Mong chị được đoàn tụ cùng núm ruột của mình.

>> “Cuộc chiến” giành con khi ly hôn: (Bài 1) Những đứa trẻ bơ vơ trong hồi kết của hôn nhân

Chủ tọa phiên tòa vừa tuyên bố kết thúc phiên xử giữa chị T.T.H. (TP.HCM) và anh Đ.H.T. (Hà Nội), cô gái nhỏ ngồi ở hàng ghế dự khán chạy lên ôm chầm chị H. khóc nức nở vì hạnh phúc. Chị H. đã thắng trong vụ kiện tranh chấp quyền nuôi con. Ở một góc khác của phòng xử án, anh T. gục đầu, thẫn thờ vì thua kiện. Một cuộc tranh chấp con kéo dài hai năm đã đi đến hồi kết (tạm). Vậy là một đứa trẻ vừa thoát cảnh bị "xâu xé" giữa hai đấng sinh thành. 

Đấu lý và đấu trí

Chị H. kể, ngày chia tay, vợ chồng chị đã giải quyết rất êm đẹp bằng thỏa thuận: chị nuôi hai con (một đứa sinh năm 2005, một đứa sinh năm 2008). Vậy mà năm 2019, chị bất ngờ nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhân dân (TAND) Q.4 do chị là bị đơn trong vụ kiện thay đổi quyền nuôi con. Tòa mở phiên sơ thẩm. Chị bật ngửa khi chồng cũ tố: chị bạo lực tinh thần con, ngăn trở tình cảm cha con, có con riêng không lo con chung chu toàn...

Mẹ con chị T.T.H. và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ sau phiên xử
Mẹ con chị T.T.H. và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ sau phiên xử

Chị H. và luật sư bình tĩnh tìm đối sách. Anh T. tố chị H. ngăn cản anh liên lạc, thăm nom các con, thì chị H. trình lên hội đồng xét xử (HĐXX) những tấm hình các con cùng bố tham quan du lịch, thăm họ hàng tận miền Bắc vào nhiều thời điểm khác nhau. Anh tố chị bạo hành con. Chị trình lên tòa vi bằng đã được lập. Trong đó,  địa phương, khu phố, hàng xóm... xác nhận chị không có hành vi bạo lực, ngược đãi các con. Chị H. không nhiều lời, chị để chứng cứ lên tiếng. Cô con gái cũng bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục sống cùng mẹ. Lợi thế là vậy, nhưng phút 89, HĐXX cho rằng, anh T. đã lớn tuổi, sống cô độc và cần con cái bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng. Anh T. được trao quyền nuôi con. 

Chị H. uất nghẹn, kháng cáo. viện kiểm sát quận kháng nghị, đề nghị TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh T. Mất cả năm, phiên phúc thẩm mới mở. Anh H., chị T. lại lao vào cuộc "chạy đua chứng cứ". Lần này gió đã xoay chiều. Chị H. thắng kiện. Cô con gái quýnh quáng ôm mẹ: "Con được tiếp tục ở với mẹ rồi". Thỉnh thoảng cô liếc sang người cha thân yêu đang ủ rũ. Ánh mắt cô chùng lại, mặt hơi cúi xuống. Đứa trẻ 13 tuổi thoáng áy náy về sự hân hoan của mình khi nhận ra điều đó có thể làm tổn thương đấng sinh thành. Phiên tòa của người lớn đã vô tình đặt con trẻ vào một tình thế hết sức cay nghiệt: lựa chọn một tình thâm và chối bỏ một tình thâm. 

Gần 500 ngày “truy vết” con thơ mất tích

Chị C.N.T., ở Q.7, tìm đến Báo Phụ Nữ TP.HCM với gương mặt thất thần. Chị mở đầu câu chuyện bằng tiếng nấc: “Em nhớ con em quá! Gần một năm trời em chưa gặp con, giờ không biết con mập ốm ra sao, biết làm gì rồi?”.

Người phụ nữ mang căn bệnh suy thận mạn, đang chờ ngày ghép thận, đã bất chấp an nguy của bản thân để sinh con thay vì phá thai theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng, con vừa tròn hai tháng, chưa kịp làm giấy khai sinh, thì vợ chồng mâu thuẫn. T. chuẩn bị làm thủ tục ly hôn thì anh N., chồng chị, đã bồng con đi mất. Bà mẹ trẻ với bầu sữa căng cứng ngày ngày tha thẩn khắp nơi tìm con. 

Một buổi tối, T. tức tưởi gọi tôi: “Chồng em đưa con về Bắc rồi. Em gọi điện, nhắn tin cầu xin anh gửi hình ảnh, bật video call để em gặp con. Nhưng anh không phản hồi”. T. nhờ người thân bên chồng, đăng lên mạng xã hội, cầu cứu nhiều đoàn thể nhưng đều vô vọng. Thấy chuyện đã đi quá xa, T. nhờ luật sư cùng truy vết đứa bé.

Trích xuất camera của tòa nhà, họ phát hiện người bồng bé ra khỏi chung cư là người chị gái công tác trong ngành tư pháp của anh N. Về phường người chị này cư trú để tìm hiểu, T. tá hỏa khi biết anh N. đã âm thầm làm giấy khai sinh cho con. Trước đó, T. cũng đã đi tìm giấy chứng sinh của con nhưng không thấy. T. bèn đến bệnh viện xin cấp lại và ra P.Tân Hưng (Q.7) làm khai sinh. Một thời gian sau, chị nghe người thân bên chồng báo anh N. đã đưa bé về Bắc giữa mùa dịch.

Từ đơn yêu cầu của T., TAND H.Nhà Bè ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc anh N. giao con cho người mẹ. Thế nhưng, việc thi hành án không thành, vì bé đã “mất tích”. Ngoài kiện ra tòa, chị T. còn gửi đơn khiếu nại đến cơ quan của chị chồng chất vấn: Tại sao một công chức ngành tư pháp lại giúp sức cho em trai thực hiện hành vi trái pháp luật và đạo đức là đem giấu một đứa trẻ chưa dứt sữa? Ngoài ra, nếu không có sự ảnh hưởng của chị chồng, anh N. cũng không thể làm được giấy khai sinh tại địa chỉ nhà chị này vì hộ khẩu của anh ngoài Bắc. 

Vụ việc căng thẳng cho đến khi TAND Q.Phú Nhuận mở phiên sơ thẩm. Tòa đã chấp thuận yêu cầu ly hôn của T. và trao quyền nuôi con cho chị. Hồi tết, tôi nhận được tin nhắn của T.: “Cuối cùng em cũng đã được nhận con rồi”, kèm bức ảnh chụp mẹ con đi chơi tết với gương mặt rạng ngời.

Thắng bốn bản án, nhưng chỉ được “gặp” con trên mạng

Trưa 3/12/2020, đang bận làm tóc cho khách ở tiệm riêng tại H.Ngọc Hiển (Cà Mau), chị Nguyễn H.N. được người thân gọi: “Lên coi zalo của thằng T. kìa, nó đưa hình con gái em lên mạng. Con bé nhìn cưng lắm!”. Chị N. lập tức lấy điện thoại để… xem con. Chị nghẹn ngào: “Hôm ấy, ngày 19/10 âm lịch, là sinh nhật năm tuổi của bé L.Đ.”. 

Gần ba năm qua, chồng cũ ôm con đi biệt. Chị N. chỉ được “gặp” con qua những hình ảnh từ khi đứa bé mới hơn chục tháng mà chị còn lưu trong điện thoại. Bé L.Đ., con chị, nay đã hơn năm tuổi. Hễ nghe tin chồng cũ mang con đi đâu, N. lại đóng cửa tiệm tóc, lặn lội đi tìm. Lúc anh ta đưa con về Q.8, TP.HCM nơi anh tạm trú, lúc đưa qua Bình Chánh, lúc về Giá Rai, Bạc Liêu…

Nhắc lại hành trình tìm con từ tháng 6/2018 đến nay, N. tức tưởi: “Càng đi tìm con tôi càng tuyệt vọng. Có khi đến nhà trọ, ngồi vật vã chờ năm sáu tiếng đồng hồ mà vẫn trở về tay trắng. Tôi biết anh ta không nuôi bé, mà mang bé về giao cho ông bà nội ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu trông. Tôi tìm đến đó thì bị ông bà mắng chửi, đóng cửa không cho gặp chứ đừng nói là được ôm hay bế bé”. 

Ngày vợ chồng dẫn nhau ra tòa, bé L.Đ. mới 16 tháng tuổi. Trong khi chờ tòa phân xử, hôm con bé ở với mẹ, lúc cha đòi đưa con về thăm nội. N. không ngờ gia đình anh T. đã rắp tâm cắt đứt quan hệ với N. và giữ bé lại nuôi.

Sau bản án đầu tiên (ngày 7/2/2018), TAND thị xã Giá Rai quyết định cho hai bên thuận tình ly hôn và giao quyền nuôi dưỡng con cho chị N. thì anh T. kháng án. Từ đó, đã bốn lần họ đưa nhau ra tòa, cả bốn bản án đều quyết định giao con cho N. Nhưng kể từ ngày nhận bản án đầu tiên đến nay, N. vẫn chưa được gặp con dù chỉ một phút.

Điều làm N. uất ức nhất chính là chị vác đơn đi kiện chỗ nào cũng “thắng”, nhưng là thắng trên giấy mực, còn con gái thì vẫn biệt tăm. Mới đây, ngày 4/3, khi làm việc với cơ quan Thi hành án H.Bình Chánh (nơi tạm trú mới của anh L.V.T.), anh T. đã cam kết cho chị N. về nhà ba mẹ ruột của anh ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu thăm con. Chị mừng rỡ bắt xe về nhà chồng. Suốt chuyến đi, chị không chợp được mắt vì cứ hình dung cảnh được ôm con sau ba năm mòn mỏi. Thế nhưng, chẳng những không được gặp con, N. còn bị đánh trọng thương. Vụ việc này đã được Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh trên số báo ngày 17/3/2021, và đã được cơ quan cảnh sát điều tra công an thị xã Giá Rai thụ lý.

Câu chuyện của N. làm tôi nhớ đến chị T.C.H., ở Cai Lậy, Tiền Giang. 14 năm trước chị gõ cửa Báo Phụ Nữ TP.HCM với đống đơn gần năm ký - hành trình ba năm kêu cứu để được gặp con. Khi ly hôn, tòa án giao quyền nuôi con cho chị, nhưng chồng chị ôm con giấu biệt. Chồng làm thợ hồ, nên chị lần theo các công trình xây dựng ở Tiền Giang tìm anh. Anh chỉ hứa hẹn giao con rồi lại trốn mất. Chị đến nhà ba má chồng tìm con thì bị chửi, bị đuổi đánh. Nhiều bài đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã giúp chị, cơ quan thi hành án ở Tiền Giang cũng vào cuộc, nhưng chồng chị và con nhỏ lại không ở địa phương. Cách đây khoảng bốn năm, chị gọi cho tôi, nghẹn ngào: “Làm sao tìm được con em chị ơi? Giờ nó 15 tuổi rồi, chắc nó không biết đến sự tồn tại của mẹ, không biết em nhớ nó, đi tìm nó cực khổ dường nào”. 

Khi thực hiện tuyến bài này, tôi muốn liên lạc lại chị H., nhưng không còn giữ số chị. Tôi vẫn nhớ ánh mắt u buồn, đau khổ của chị khi nhắc đến con. Mong chị đã được đoàn tụ cùng núm ruột của mình. Còn chị N., ở Giá Rai, những ngày này, đã về lại tiệm tóc, và luôn trong tư thế sẵn sàng đóng cửa tiệm để lao đi tìm con khi có bất kỳ thông tin nào về bé - dẫu như chị nói: “Tôi không biết mình sẽ còn bị lừa gạt, bị đánh đập tới nông nỗi nào, nhưng vì con, tôi sẽ gắng!”...

Thùy Dương
(Còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI