Cú hích năm học mới

07/09/2015 - 16:05

PNO - Là quốc gia có chi phí giáo dục cao trong khu vực, nhưng nhiều năm qua Thái Lan vẫn ở vị trí "khiêm tốn" về đánh giá chất lượng giáo dục.

Là quốc gia có chi phí giáo dục cao trong khu vực, với số tiền mà phụ huynh phải bỏ ra cho một đứa trẻ đến trường mỗi năm trung bình là 10 triệu VNĐ, nhưng nhiều năm qua Thái Lan vẫn ở vị trí “khiêm tốn” về đánh giá chất lượng giáo dục.

Thực trạng này buộc các nhà hoạch định chính sách của Thái Lan phải tìm cách gỡ rối. Sáng kiến mới nhất, áp dụng trong năm học mới này, hứa hẹn tạo thay đổi tích cực là giảm giờ học tại lớp, tăng thời gian hoạt động ngoại khóa, khiến cả học sinh (HS), phụ huynh lẫn nhà trường đều phấn khởi.

Cu hich nam hoc moi
Giáo viên quận Beaverton, bang Oregon (Hoa Kỳ) được đào tạo cách dạy vừa học vừa chơi - ẢNH: PORTLAND TRIBUNE

Từ năm học này, 3.500 trường tiểu học và trung học cơ sở của Thái Lan sẽ kết thúc giờ học lý thuyết sớm hơn 90 phút. Từ hai giờ chiều, HS ra khỏi lớp và được tự chọn về nhà hay ở lại trường tham gia hoạt động ngoại khóa (gồm các môn thể thao và các môn năng khiếu nghệ thuật như múa, hát, vẽ...).

Nhà chức trách Thái Lan khẳng định, mục đích cải cách lần này nhằm giảm tải áp lực học hành đối với HS và tạo điều kiện cho các em phát huy sở trường, nâng cao kỹ năng sống thông qua tương tác thực tế cùng bạn học.

Ông Kamol Rod-klai thuộc Ủy ban Giáo dục cơ bản nói: “Chúng tôi không ép buộc nhưng mong các em hãy ở lại trường sau giờ lên lớp vì những hoạt động được tổ chức đều là những bài học kỹ năng bổ ích mà các em đang thiếu.

Tất cả kiến thức mới này tác động đến quá trình phát triển trí lực của các em”. Ông Kamol Rod-klai cũng cho biết, HS và phụ huynh có thể trực tiếp gửi ý kiến phản hồi, giúp các nhà hoạch định có sự điều chỉnh, hoàn thiện chương trình.

Trong suốt một thời gian dài, giáo dục Thái Lan dù được đầu tư rất nhiều vẫn không thu được kết quả như mong muốn. Nhiều chuyên gia của nước này cho rằng, vấn đề nằm ở sự tương tác giữa giáo viên (GV) và HS.

GV không nên chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn phải tạo điều kiện giúp HS khám phá bản thân, cọ xát nhiều hơn nữa từ môi trường thực tế, học đi đôi với hành, thay vì chỉ thiên về lý thuyết và truyền đạt lối mòn một chiều từ thầy đến trò, không khuyến khích tư duy độc lập.

Năm nay, quận Beaverton thuộc thành phố Portand, bang Oregon (Hoa Kỳ) thí điểm tăng cường thời gian hoạt động thể chất của GV và HS mà không cần giảm bớt tiết học tại ba trường tiểu học và hai trường trung học.

Ngay trong lớp học, tất cả không cần ngồi hay đứng cố định một chỗ mà cả HS và GV đều có thể di chuyển thoải mái. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, não sẽ làm việc hiệu quả hơn, tập trung hơn khi cơ thể vận động, cụ thể là khi tay chân chăm chú vào một động tác nào đó. Chương trình thí điểm nhằm đẩy lùi sự thụ động của HS khi các em ngày càng lười vận động, phần lớn giải trí bằng các thiết bị công nghệ.

Cô Lauren Jolly, một trong những GV tham gia chương trình thí điểm cho biết: “Chúng tôi thoải mái hơn trong lớp học, các em cũng thế. Tiết học ồn ào hơn, nhiều tiếng cười hơn và thật thư giãn. Càng vận động nhiều, các em càng tiếp thu tốt hơn”.

Về lâu dài, chương trình này sẽ được áp dụng cho các trường học trên toàn quận, với hơn 40.000 HS. Năm nay, chương trình thí điểm tốn 85.000 USD nhưng được cho là khoản đầu tư minh bạch.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI