Cụ bà bị nang sán to bằng quả bóng bàn "làm tổ" trong tim

28/02/2023 - 11:09

PNO - Bị mệt mỏi, khó thở hơn một năm, bà B. đi khám nhiều bệnh viện mới biết có nang chèn ép tim, nhưng không ngờ nang đó chính là… ổ sán chó.

 

Nang sán to bằng quả bóng bàn được lấy ra khỏi tim của bà B.
Nang sán to bằng quả bóng bàn được lấy ra khỏi tim của bà B.

Theo đó, bà P.T.B. (75 tuổi, ở Quảng Nam) bị các cơn khó thở, mệt mỏi. Cứ mỗi lần quá mệt, bà đến một bệnh viện địa phương khám nhưng không tìm ra bệnh. Sau đó, bà vào các bệnh viện tại TPHCM khám chuyên khoa tim, được xét nghiệm ký sinh trùng nhưng kết quả âm tính nên vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Một lần khám tại Viện Tim TPHCM, bà được chẩn đoán ở tim có khối nang to chèn ép. Đây là nguyên nhân làm cho cơ tim bị ảnh hưởng, từ đó gây giảm khả năng co bóp. Vì vậy bà bị các triệu chứng mệt mỏi, khó thở như suy tim. Tuy nhiên, do khối nang nằm ở vị trí nguy hiểm nên nơi đây cho thuốc về uống chứ không phẫu thuật xử lý. 

Bà B. tiếp tục đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM… tìm bệnh. Nghe bà kể lại quá trình bệnh và đi khám nhiều cơ sở y tế, các bác sĩ chỉ định chụp MRI xác định vị trí nang, hội chẩn để đưa ra phương án phẫu thuật bóc tách nang cho bà.

Trong ảnh chụp MRI, các bác sĩ nghi ngờ khối nang là nang sán chó nên chỉ định bà B. xét nghiệm ký sinh trùng, nhưng kết quả vẫn âm tính. Mặc dù vậy, hình dáng của nang rất giống nang sán chó nên bác sĩ không loại trừ khả năng này.

“Nếu đúng là nang sán mà không mổ xử lý sẽ rất nguy hiểm, bởi nang sán có vỏ rất mỏng lại nằm trong buồng tim. Khi quả tim co bóp sẽ ma sát liên tục gây ra nguy cơ vỡ nang rất cao. Lúc đó, người bệnh có nguy cơ bị sốc phản vệ, đột tử. Vì vậy, người bệnh cần được phẫu thuật loại bỏ nang này” - phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - nói.

Theo đó, ê-kíp bác sĩ mổ hở cho bà B. Qua thám sát, phần tim có chứa nang ở thất trái to bất thường, bóc tách tim, lộ rõ khối nang kích thước khoảng 4cm. Bác sĩ Định thận trọng lấy trọn khối nang ra ngoài. Sau đó phẫu thuật tạo hình lại thất trái cho bà B., qua 3 tiếng đồng hồ căng thẳng, ca mổ thành công ngoài mong đợi. Hiện tại, sức khỏe bà B. đã ổn định, bà cũng sẽ được điều trị sán thêm khoảng một tháng.

Hình ảnh con sán khi xem qua kính hiển vi
Hình ảnh con sán khi xem qua kính hiển vi

“Rất may mắn, nang to như một quả bóng bàn không vỡ khi thủ thuật, bởi một khi vỡ ra, dịch và các đầu sán sẽ lập tức được phóng thích ra các mô xung quanh, bệnh nhân chắc chắn tử vong” - bác sĩ Định nói thêm.

Khi khối nang được lấy ra ngoài, thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Huệ Vân, Trưởng bộ môn Vi sinh - Ký sinh, Đại học Dược TPHCM tiến hành xét nghiệm. Qua kính hiển vi, những con sán này vẫn còn sống, xác định là sán dây chó, có thể thuộc giống Echinococcus. Do nhiều nguyên nhân nên các kết quả xét nghiệm ký sinh trùng của bà B. đều bị âm tính giả.

Theo bác sĩ Vân, qua khai thác bệnh sử, nhà bà B. nuôi khá nhiều động vật như bò, heo, chó… có thể bà đã vô tình nuốt phải trứng sán dây chó khi ăn uống các thực phẩm bị nhiễm trứng sán, hay tiếp xúc trực tiếp với các động vật nhiễm bệnh. 

Khi trứng sán vào cơ thể, người bệnh ít hoặc không có triệu chứng điển hình. Ban đầu, bệnh nhân có thể bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, sốt, ngứa ngáy… nhưng dễ dàng bỏ qua bệnh cảnh này. Lâu dài, nang sán có thể “làm tổ” ở gan, phổi, thận, tim, não thậm chí ở xương.

“Tuy nhiên, nang sán thường ở gan và phổi nhiều hơn các cơ quan khác. Đặc biệt rất hiếm nang sán ở tim. Như bà B. chỉ là bệnh nhân thứ 2 bị nang sán ở tim được ghi nhận tại Việt Nam. Trước đó một ca được phát hiện tại Bệnh viện Bạch Mai” - bác sĩ Vân cho biết.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng người nhiễm sán chó, mọi người cần giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở. Nhất là các gia đình có nuôi chó và thú cưng phải cho vật nuôi đi vệ sinh đúng chỗ, dọn dẹp sạch khi thú cưng đi xong, rửa tay bằng xà phòng, tẩy giun sán cho thú cưng định kỳ 3 tháng/lần.

Nên tắm rửa sạch sẽ sau khi ôm, đùa giỡn với thú cưng, đặc biệt tránh để thú cưng liếm vùng mặt. Không cho thú cưng ăn các loại nội tạng của động vật khác khi chưa được nấu chín.

Người dân nên ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn đồ tái, sống. Trước khi chế biến thức ăn, cần sửa sạch tay, rửa kỹ rau sống, củ quả trước khi ăn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI