Cứ 4 trẻ mắc COVID-19 thì có 1 trẻ bị các triệu chứng kéo dài

15/03/2022 - 12:20

PNO - Theo dữ liệu tổng hợp từ 21 nghiên cứu được thực hiện ở châu Âu, châu Á, Úc và Nam Mỹ, khoảng 25% trẻ em nhiễm COVID-19 phát triển các triệu chứng kéo dài.

Nghiên cứu thực hiện trên 80.071 trẻ mắc COVID-19 phát hiện ra rằng, 25% trong số này phát triển các triệu chứng kéo dài ít nhất 4 đến 12 tuần, hoặc các triệu chứng dai dẳng mới xuất hiện trong vòng 12 tuần. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo kết quả này hôm 13/2, trước sự đánh giá của các chuyên gia trong cùng lĩnh vực.

Những phụ nữ muốn truyền kháng thể bảo vệ do vắc xin COVID-19 tạo ra cho con - qua nguồn sữa của mình - nên chọn tiêm vắc xin mRNA
Muốn truyền kháng thể bảo vệ do vắc xin COVID-19 tạo ra cho con - qua nguồn sữa của mình - các bà mẹ nên chọn tiêm vắc xin mRNA

Các vấn đề mà trẻ nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp nhất là tâm thần kinh (các triệu chứng về tâm trạng, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, thay đổi nhận thức, chóng mặt, các vấn đề về sự cân bằng), tim mạch (khó thở, tắc nghẽn, suy giảm khả năng tập luyện thể dục, đau và tức ngực, ho, nhịp tim không đều), các triệu chứng liên quan đến da (đổ mồ hôi nhiều, ngứa ngáy, rụng tóc) và tiêu hóa (đau bụng, táo bón, tiêu chảy, nôn và buồn nôn).

Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng, do các phân tích dữ liệu được tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác nhau với các phương pháp luận khác nhau, nên kết luận đưa ra vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, điều rõ ràng là “trẻ em và thanh thiếu niên đang phải chịu nhiều hậu quả về sức khỏe thể chất và tinh thần do COVID-19”, tiến sĩ Sonia Villapol - một thành viên của nhóm nghiên cứu, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu theo phương pháp học Houston ở Texas (HMRS) - cho biết.

“Việc xác định các dấu hiệu và triệu chứng chính của COVID-19 kéo dài ở trẻ em có thể giúp chẩn đoán, phát triển các phương pháp điều trị tốt hơn, tạo ra các nhóm đa ngành để quản lý lâm sàng tối ưu, và tìm ra các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa”, tiến sĩ Villapol nói thêm.

Vắc xin mRNA ngừa COVID-19 có tác dụng bảo vệ tốt nhất cho trẻ qua đường sữa mẹ

Theo một nghiên cứu được công bố hôm 14/3 trên tạp chí JAMA Pediatrics, những phụ nữ muốn truyền kháng thể bảo vệ do vắc xin COVID-19 tạo ra cho con - qua nguồn sữa của mình - nên chọn tiêm vắc xin mRNA của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech.

124 phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ đã tham gia nghiên cứu này, mỗi người cung cấp 17 mẫu sữa trong khoảng thời gian 100 ngày.

Những bà mẹ này đã được tiêm vắc xin mRNA, hoặc vắc xin dựa trên vector virus của Johnson & Johnson và AstraZeneca. Các nhà nghiên cứu đã đo hai loại kháng thể trong các mẫu sữa - kháng thể IgA và kháng thể IgG - cả hai đều được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ sơ sinh đang được nuôi bằng sữa mẹ.

Kết quả cho thấy, gần 96-97% những bà mẹ được tiêm 2 liều vắc xin mRNA đều có kháng thể IgA trong nguồn sữa, trong khi chỉ 39% nhóm phụ nữ được tiêm 2 mũi vắc xin AstraZeneca có kháng thể này trong sữa, và tỷ lệ này ở nhóm được tiêm vắc xin dùng 1 liều duy nhất Johnson & Johnson (J&J) là 48%.

Ngoài ra, tất cả những phụ nữ được tiêm 2 liều vắc xin Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc AstraZeneca đều có kháng thể IgG, trong khi tỷ lệ này ở những phụ nữ được tiêm J&J chỉ là 28%.

“Vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA là lựa chọn tối ưu cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, khi muốn truyền kháng thể từ sữa mẹ sang con”, các nhà nghiên cứu kết luận.

Nhất Nguyên (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI