COVID-19 và cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ

24/02/2022 - 06:16

PNO - Sau các đợt bùng phát dịch COVID-19, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương, người bán hàng rong ở TPHCM bắt đầu quen dần với việc bán hàng trực tuyến (online), thanh toán qua ví điện tử, liên kết với các dịch vụ giao hàng nhanh… để tăng doanh thu.

Bán ở vỉa hè, thanh toán qua ví điện tử

Sau hơn bốn năm hoạt động, những hộ bán thực phẩm ở phố hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, Q.1 đã có cuộc sống ổn định nhờ kinh doanh hiệu quả. Hiệu quả kinh doanh của họ một phần đến từ việc áp dụng phương thức thanh toán online, đưa gian hàng lên các ứng dụng giao hàng. 

Dịch COVID-19 được xem như “chất xúc tác” làm cho chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. (Trong ảnh: Khách hàng thanh toán bằng mobile money thay cho tiền mặt) ẢNH VIETTEL CUNG CẤP
Dịch COVID-19 được xem như “chất xúc tác” làm cho chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. (Trong ảnh: Khách hàng thanh toán bằng mobile money thay cho tiền mặt) - Ảnh Viettel cung cấp

10g sáng, mặc dù chỉ có vài khách hàng ngồi ăn uống nhưng các chủ gian hàng trên phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm vẫn tất bật chế biến món ăn. Thỉnh thoảng, người của dịch vụ giao hàng nhanh lại đến để nhận hàng. Trên tủ đựng thức ăn của mỗi gian hàng, có rất nhiều logo giới thiệu các phương thức thanh toán điện tử như Momo, VNPAY, Moca hoặc logo các ứng dụng giao hàng như GrabFood, Baemin, ShopeeFood, Loship… 

Anh Đình Trung - chủ quầy 07, kinh doanh mì xào, nui xào ở đây - cho biết, khách đến ăn trực tiếp chủ yếu là người làm văn phòng gần quầy. Từ khi gian hàng liên kết với các ứng dụng giao hàng nhanh, anh có thêm nhiều đơn hàng từ xa: “Trước đây, chúng tôi bán đồ ăn đầu hẻm gần nhà, lượng khách rất ít. Từ khi vào phố hàng rong, tình hình kinh doanh ổn định hơn. Do đặc thù khách hàng là dân văn phòng nên tôi kết nối với các ứng dụng giao hàng, cho phép thanh toán qua ví điện tử Momo, giúp số đơn hàng tăng thêm khoảng 20 - 30%”. 

Đứng bán nước ép trái cây, sinh tố ở quầy 06 kế đó, chị Mai Hương cho biết, hiện một số ví điện tử cho ứng tiền trước để dùng nên giới trẻ chuộng thanh toán bằng ví điện tử hơn trước kia. Nếu thanh toán bằng ví điện tử, khi mua một ly cà phê giá 50.000 đồng, khách được giảm tới 11.000 đồng. Nếu quầy bán hàng có gắn logo chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử thì sẽ có thêm khách hàng, ngược lại có thể mất khách. Cũng nhờ kết nối với các ứng dụng giao hàng Loship, Baemin, quầy của chị Hương tăng đáng kể lượng khách. 

Nhiều hộ kinh doanh ăn uống khác cũng tăng doanh thu nhờ các ứng dụng giao hàng. Trước các quán cơm chay, hủ tíu, nước ép trái cây, bánh tráng trộn trên đường Nguyễn Thượng Hiền, Q.3, vào các giờ cao điểm, có rất đông người giao nhận hàng (shipper) xếp hàng dài chờ nhận hàng; shipper luôn đông hơn khách ăn uống trực tiếp.

Chị Diệu Hạnh - chủ quán cơm chay Diệu Hạnh - chỉ tay vào cây dù có hai màu xanh đỏ đặt trước quán cơm, nói: “Từ khi đăng ký bán cơm trên ứng dụng GoFood, quán được trang bị một cây dù lớn để che nắng. Quán còn đăng ký bán hàng trên các ứng dụng khác như Foody, Baemin, ShopeeFood nên lượng khách tăng đột biến. Mỗi ngày, tôi bán vài trăm suất cơm, có ngày nấu không đủ bán, trong khi trước đó, tôi chỉ bán được vài chục suất, nhiều nhất là 100 suất/ngày”.

Ngược lại, một số quán cơm chay gần đó có lượng khách khá èo uột do không đăng ký bán trên các ứng dụng giao hàng nhanh. 

Tiểu thương các chợ truyền thống ở TPHCM cũng quen với hình thức mua bán online. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách tới chợ Tân Định, Q.1 ngày càng vắng. Tiểu thương kinh doanh ăn uống ở chợ này đã “dọn hàng” lên các ứng dụng giao đồ ăn.

Anh Giang Thanh - chủ quán mì Chú Cẩu - cho biết, trước đây, anh chỉ bán trực tiếp cho khách đến chợ với số lượng khoảng 200 - 300 tô mì, hoành thánh/ngày. Khi dịch bùng phát, lượng bán ra chỉ còn khoảng 150 tô/ngày. Tuy nhiên, nhờ đăng ký bán hàng trên ứng dụng Foody, Loship, lượng bán ra đã bằng trước dịch. Các sạp bún mắm Cô Bông, chè Vân cũng tăng lượng hàng bán ra nhờ bán bằng hình thức online. 

Tại các chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Minh Phụng (Q.6), Bến Thành (Q.1), An Đông (Q.5), Bình Tây (Q.6), không chỉ tiểu thương kinh doanh ăn uống đăng ký bán qua các ứng dụng mà chủ các sạp bán rau củ, trái cây, vải vóc, quần áo, giày dép cũng đăng bán hàng qua các kênh thương mại điện tử Zalo, Facebook, Instagram. Các tiểu thương cũng sắm máy in hóa đơn chuyên nghiệp như các cửa hàng bán lẻ để dễ dàng thống kê đơn hàng. 

Còn nhiều rào cản

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, người bán thức ăn đã quen dần với hình thức bán qua mạng (trong ảnh: Một shipper đang chờ lấy bún mắm tại chợ Tân Định, TP.HCM) - Ảnh: Thanh Hoa
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, người bán thức ăn đã quen dần với hình thức bán qua mạng (trong ảnh: Một shipper đang chờ lấy bún mắm tại chợ Tân Định, TPHCM) - Ảnh: Thanh Hoa

Theo một khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu Q&M, 83% nam nữ trong độ tuổi từ 18 - 40 đang sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho biết, có sử dụng dịch vụ giao hàng ăn uống. Tỷ lệ này trong năm 2020 chỉ khoảng 62%.

Trong số những người sử dụng dịch vụ giao hàng ăn, có đến 77% sử dụng các ứng dụng giao hàng trên điện thoại. Tỷ lệ người sử dụng ứng dụng giao hàng tăng nhưng tỷ lệ gọi đến các cửa hàng để đặt hàng có xu hướng giảm.

TPHCM là nơi sử dụng các ứng dụng phổ biến nhất, tỷ lệ người sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn hằng tuần tăng từ 80% lên 85% sau một năm.

Hiện TPHCM có hai khu bán hàng rong, một ở trên đường Nguyễn Văn Chiêm, một ở công viên Bách Tùng Diệp, Q.1. Tại công viên Bách Tùng Diệp, các quầy vẫn chủ yếu bán trực tiếp.

Chị Nga - kinh doanh thức uống tại công viên Bách Tùng Diệp - cho rằng, chị không đăng ký bán qua ứng dụng vì chị không rành công nghệ, ngại tốn phí đăng ký 1 triệu đồng (đối với GrabFood, còn các ứng dụng khác thì miễn phí), chiết khấu trên mỗi đơn hàng là 25 - 30%: “Giá một trái dừa mua vào đã 10.000 đồng, chúng tôi chặt ra bỏ vào ly, thêm đường, nước đá và bán ra với giá 20.000 đồng mà phải chiết khấu mất 5.000 đồng thì coi như huề vốn. Do đó, chúng tôi chọn bán trực tiếp cho khách”.

Chị Mai Hương - kinh doanh nước giải khát trên đường Nguyễn Văn Chiêm - thông tin thêm, ly nước giá 20.000 đồng nhưng phí ship có khi bằng hoặc cao hơn giá ly nước nên khách hàng cũng e dè, chỉ đặt khi mua số lượng nhiều. Chưa kể, đơn vị bán hàng phải liên tục chạy theo chương trình khuyến mãi của bên giao hàng với phí chạy khuyến mãi là 25%. Nếu không chạy chương trình khuyến mãi, phí trên mỗi đơn hàng là 25 - 30% nhưng nếu chạy chương trình thì tổng phí chúng tôi phải trả cho các ứng dụng là từ 50 - 55%. Khi gian hàng khuyến mãi thì lượt đặt hàng rất cao, nhưng hết chương trình thì khách không đặt nữa mà tìm gian hàng khác hoặc đợi khi nào có giảm giá mới đặt tiếp.

“Bán hàng rong với trị giá sản phẩm thấp nên tiền lời không bao nhiêu trong khi phải trả quá nhiều phí. Một số quầy sạp đã hủy đăng ký trên các ứng dụng, chọn cách treo bảng giới thiệu số điện thoại để khách đặt trực tiếp, giao hàng miễn phí trong bán kính 2km” - chị Hương nói.

Đối với tiểu thương các chợ, việc kinh doanh qua ứng dụng chỉ hiệu quả với ngành hàng đồ ăn, thức uống nhưng phải đáp ứng yêu cầu có mặt bằng để xe cho lực lượng shipper chờ lấy hàng. Chị Oanh - bán gỏi cuốn tại chợ Vườn Chuối, Q.3 - cho biết, chị từng đăng ký bán hàng qua ứng dụng nhưng lối đi vào chợ khá hẹp, nếu gửi xe thì tốn 5.000 đồng/chiếc, còn shipper vào lấy hàng thì gây kẹt xe, bị các điểm bán hàng xung quanh phàn nàn nên chị ngưng áp dụng.

Việc bán hàng trực tuyến vẫn chưa hiệu quả với nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô do khách mua sản phẩm này thích chọn mua trực tiếp hơn. Với ngành hàng quần áo, giày dép, khách vẫn thích thử trực tiếp trước khi mua để tránh đổi trả. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI