Đề xuất hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo để thúc đẩy chuyển đổi số

08/01/2022 - 14:32

PNO - Mặc dù TPHCM từng đi đầu cả nước về việc khởi động cho chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh nhưng đi sâu vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ, TPHCM hiện nay có một số rào cản lớn làm hạn chế tốc độ chuyển đổi số.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lâm Đình Thắng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong nỗ lực chuyển đổi số của TPHCM tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo ông Lâm Đình Thắng, có 4 rào cản. Thứ nhất là sự phối hợp đa ngành còn chưa nhịp nhàng, chặt chẽ - đòi hỏi cần có hệ thống chỉ đạo tập trung để triển khai đồng bộ, hiệu quả việc ứng dụng công nghệ của TP. Thứ hai, TP đang thiếu một quy hoạch hoàn thiện và đầy đủ về ứng dụng công nghệ trong hệ thống chính quyền. Thứ ba, việc triển khai các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về tích hợp, liên thông.

Ba rào cản này dẫn đến hệ quả là quá nhiều ứng dụng được xây dựng ở các cấp, các ngành nhưng thiếu liên thông, kết nối; nhiều ứng dụng trùng lắp dẫn đến lãng phí; hàng loạt ứng dụng công nghệ thông tin được phát triển nhưng quy trình công việc ở nhiều nơi không thay đổi, quyết định được đưa ra vẫn dựa trên báo cáo định tính chứ không phải dựa trên dữ liệu chuẩn xác, đáng tin cậy và theo thời gian thực.

Và thứ tư là nhận thức về “chuyển đổi số” chưa được thống nhất trong các ngành, các cấp của chính quyền TP. Giấy phép điện tử ngành này cấp vẫn không được ngành khác chấp nhận. Doanh nghiệp lẽ ra chỉ cần 1 giấy phép điện tử, nay phải cần đến 2 loại là giấy phép điện tử và giấy phép có “tên đề, dấu đóng”…

Dù tiên phong nhưng TPHCM vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số.
Dù tiên phong nhưng TPHCM vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số

Thực trạng trên cũng đã được nhiều lãnh đạo các cấp nhìn ra và nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, dữ liệu và ra quyết định dựa trên dữ liệu từ đợt bùng dịch vừa qua. Nhận định đây là bước chuyển mình cực kỳ quan trọng, có vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn TP trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm giải quyết các vấn đề lớn trên trong năm 2022.

Có thể kể đến là: tổ chức lại cơ chế chỉ đạo điều hành và hình thành các chính sách nền tảng, đòn bẩy để tạo sự thống nhất; tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp; phát triển kho dữ liệu dùng chung, giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu; xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); phát triển kinh tế số; đào tạo, chuyển đổi nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ; phát triển hạ tầng viễn thông...

Đặc biệt, TP sẽ triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân và ngược lại, giữa người dân với chính quyền.

Theo ông Lâm Đình Thắng trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có một bộ phận vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo. “TP hiện có hơn 144.000 người nghèo, nhiều khả năng một số không nhỏ người không có điện thoại thông minh. Do đó, cần một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn để vừa không để ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển thần tốc của chuyển đổi số, vừa tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số tại TPHCM”- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đề xuất.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp khảo sát, xây dựng chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho khoảng 50 - 70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh trong năm 2022.

Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI