Công sở văn minh nhìn từ thực chất

04/11/2022 - 06:53

PNO - UBND TPHCM vừa biểu dương, tặng bằng khen 28 tập thể và 24 cá nhân trong phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2022. Theo UBND TPHCM, qua ba năm triển khai phong trào, chất lượng phục vụ của cán bộ - bao gồm thái độ và hiệu quả làm việc - có nhiều cải thiện, mang tới sự hài lòng cho người dân.

Dân hài lòng vì được phục vụ chu đáo  

Sáng 3/10, ông Trần Thành Đạt (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TPHCM) mang một tập hồ sơ dày đến UBND quận làm thủ tục đất đai. Vốn đã cao tuổi, lại lo thủ tục hành chính rầy rà, ông Đạt nhờ người thân đi cùng.

Ông Trần Thành Đạt (P.Bình Hưng Hòa) đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND Q.Bình Tân sáng 3/11 ẢNH: SƠN VINH
Ông Trần Thành Đạt (P.Bình Hưng Hòa) đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND Q.Bình Tân sáng 3/11 - Ảnh: Sơn Vinh

“Chào chú, chú cần làm thủ tục gì ạ?” - anh nhân viên khoảng 25 tuổi ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND Q.Bình Tân niềm nở. Sau vài phút nghe hướng dẫn và bấm số thứ tự, bộ hồ sơ của ông Đạt đã được đặt trên bàn của cán bộ xử lý. Sau đó, ông Đạt đến chiếc máy đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức để chấm điểm cho cán bộ vừa tiếp nhận hồ sơ của mình. Ông nhận xét: “Mọi việc rất nhanh gọn. Đặc biệt, cán bộ ở đây rất niềm nở, nhiệt tình nên tôi đánh giá vào máy là rất hài lòng”.

9g sáng, có hàng trăm người đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND Q.Bình Tân để làm thủ tục. Sau khi lấy số thứ tự, người dân được hướng dẫn ngồi ghế, chờ đến lượt. Trong khuôn viên làm việc, có ba chiếc máy đánh giá sự hài lòng, hai máy tra cứu hồ sơ và nhiều bàn giấy để người dân tiện tìm kiếm, kê khai các thủ tục hành chính.

Ở trong dãy vách kính, hàng chục cán bộ liên tục tiếp nhận, phân loại, xử lý hồ sơ theo từng lĩnh vực. Hình ảnh này được camera ghi lại, được chuyển trực tiếp về các bộ phận chức năng, đặc biệt là Sở Nội vụ TPHCM để giám sát. Do đó, các cán bộ, nhân viên ở đây luôn hết sức chú trọng về thái độ ứng xử với người dân.

Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết, trong ba năm qua, chỉ số cải cách hành chính của quận luôn được xếp loại xuất sắc, tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong sáu tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hài lòng của người dân là 99,74%.

Bà nói: “Để làm được điều này, UBND quận đã tổ chức tốt phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do UBND TPHCM phát động. Địa phương chúng tôi rất chú trọng xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, nhanh chóng, hiện đại. Chúng tôi luôn coi trọng nhiệm vụ cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Ngoài ra, Quận ủy, UBND quận thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Không bắt dân “chạy tới chạy lui”

Gần trưa, vẫn còn khá đông người đến UBND P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân liên hệ công tác. Để nắm các thủ tục hành chính, họ xem bản hướng dẫn trên máy tính đặt ở bên trái cổng ra vào thay vì phải hỏi cán bộ hoặc tự tìm hiểu.

Ki ốt đánh giá hài lòng của người dân được đặt ngay gần bàn viết hồ sơ để người dân có thể dễ dàng “chấm điểm” cán bộ
Ki ốt đánh giá hài lòng của người dân được đặt ngay gần bàn viết hồ sơ để người dân có thể dễ dàng “chấm điểm” cán bộ

Chị Lê Thị Kim Tuyến (P.Bình Trị Đông) chia sẻ: “Trước đây, khi đến các cơ quan công quyền, tôi ngại nhất là hỏi cán bộ về thủ tục hành chính. Việc nhiều người thay nhau hỏi và hỏi đi, hỏi lại khiến cán bộ ức chế, to tiếng. Bây giờ, có máy tra cứu rồi nên rất tiện”.

Ông Võ Văn An - Chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông - cho biết, mỗi ngày, có khoảng 80-100 người đến bộ phận một cửa của UBND phường làm các thủ tục hành chính. Cùng với việc tiếp nhận trực tiếp, UBND phường còn tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, trả kết quả qua bưu điện nên người dân đỡ tốn thời gian chờ đợi.

Chị Tuyến kể, cách đây không lâu, người thân của chị đến UBND P.Bình Trị Đông đăng ký kết hôn. Việc xác minh tình trạng hôn nhân khá phức tạp do người này từng cư trú ở nhiều địa phương. Đích thân cán bộ hộ tịch của P.Bình Trị Đông chủ động liên hệ với cán bộ xã ở quê để trao đổi. Nhờ vậy, việc đăng ký kết hôn diễn ra nhanh chóng. Chị nói: “Nếu cán bộ chỉ hướng dẫn thì chúng tôi phải chạy về quê xin xác nhận rồi trở lại UBND P.Bình Trị Đông, vừa tốn tiền, vừa tốn công sức, thời gian mà không biết có được việc hay không. Rất may là cán bộ ở đây nhiệt tình”.

Lập tổ hướng dẫn dân làm hồ sơ trực tuyến

Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết, UBND quận đã triển khai mô hình “Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các khu phố” và “Bộ phận hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến” tại UBND quận, phường.

Đây là mô hình đầu tiên của TPHCM nhằm hướng dẫn, giúp đỡ người dân thực hiện dịch vụ trực tuyến tại nhà, nâng cao tỷ lệ cá nhân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình cải cách hành chính.

Ông Võ Văn An cho biết, UBND P.Bình Trị Đông yêu cầu, cán bộ ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan liên quan để giải quyết các thủ tục cho người dân. Ví dụ, khi hướng dẫn làm hồ sơ xác nhận cho học sinh khuyết tật, cán bộ không chỉ hướng dẫn thủ tục mà còn liên hệ với nhà trường để hướng dẫn, làm thủ tục để các em đỡ phải đến nhiều nơi, nhiều lần. Khi người dân làm thủ tục kết hôn, với trường hợp cần xác minh phức tạp, cán bộ cũng liên hệ với địa phương khác để xác minh chứ không bắt người dân tự làm.

Ông Võ Văn An khẳng định: “Thái độ phục vụ người dân là yếu tố quan trọng để đánh giá một công sở văn hóa, văn minh. Do đó, UBND phường rất quan tâm xây dựng các nội quy, tiêu chí về văn minh, văn hóa công sở. Ngoài ra, đây cũng là chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý, hằng năm của cán bộ thuộc UBND phường”. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích cao trong phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, ngày 2/11
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích cao trong phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, ngày 2/11

Cán bộ phải có cái tâm

Ngày 2/11, phát biểu tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, cái tâm là cốt lõi trong phẩm chất người cán bộ.

Theo ông, trừ vướng mắc pháp lý, mọi vướng mắc của người dân đều có lời giải. Tuy nhiên, trên thực tế, có tình trạng cán bộ chưa hệ thống hóa quy trình thủ tục đối với từng vụ việc để giải thích, phổ biến cho người dân. Do đó, có tình trạng vụ việc giống nhau nhưng người này được giải quyết nhanh chóng, người kia thì không, khiến dân bức xúc. Ông lưu ý, đối với những vụ việc bị vướng về mặt pháp lý, cán bộ phải giải thích sao cho người dân có thể chưa được việc nhưng vẫn hài lòng. Cán bộ phải làm việc theo phương châm thấu tình đạt lý, để người dân hiểu và đồng tình. 

Về văn hóa công sở thời gian qua, ông Võ Văn Hoan nhận định, ý thức trách nhiệm và phong cách ứng xử của cán bộ trong giao tiếp, giải quyết công việc với người dân có chuyển biến rõ nét. Ông ghi nhận và biểu dương nỗ lực của nhiều cá nhân, đơn vị trong phong trào thi đua. 

Theo ông, phong trào thi đua nhằm tạo ý thức về sự tự tu dưỡng, nâng cao đạo đức công vụ, nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, mỗi người, mỗi đơn vị cần thực hiện phong trào thi đua tốt hơn nữa; đặc biệt, người đứng đầu cần có trách nhiệm nêu gương, là tấm gương mẫu mực về văn hóa, đạo đức công vụ cho mọi người trong đơn vị mình.

Phục vụ dân như với người thân 

“Trời ơi, chị cứ qua ủy ban đi, có con bé An dễ thương lắm, có gì An nó hướng dẫn cho” - bà Đỗ Đạm Trinh (khu phố 2, P.2, Q.11, TPHCM) khẳng định chắc nịch khi thấy một người tỏ ra bối rối với thủ tục nhận F0 (từng mắc COVID-19). Bà Trinh còn cho số điện thoại của cô cán bộ phường tên An rồi dặn cứ gọi điện thoại trước để hỏi thông tin, khỏi phải mất thời gian đến UBND phường.

Góc không gian đọc sách nơi công sở do Mai Trần Thúy An tự thiết kế, sắp đặt để người dân có thể thư giãn khi đến chờ đợi liên hệ công tác
Góc không gian đọc sách nơi công sở do Mai Trần Thúy An tự thiết kế, sắp đặt để người dân có thể thư giãn khi đến chờ đợi liên hệ công tác

Những người dân từng tiếp xúc đều có cảm tình với Mai Trần Thúy An - nữ cán bộ trẻ tuổi phụ trách công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và trẻ em của UBND P.2, Q.11. Nói về Thúy An, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (khu phố 4, P.2) không tiếc lời khen: “Cổ lúc nào cũng nhỏ nhẹ, vui vẻ, ai hỏi gì cũng hướng dẫn tận tình”.

Bà kể, chính Thúy An đã đến khu phố 4 bàn bạc với dân để thực hiện công trình “Cải tạo ngõ tối, chỉnh trang đô thị”, sau đó cùng các đoàn viên sơn vẽ tranh lên tường, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, xóa được điểm đen về rác thải và tệ nạn xã hội. 

Trong trụ sở UBND phường, Thúy An còn tận dụng khoảng trống ở chân cầu thang để tạo ra “Góc đọc sách xanh - thân thiện môi trường”. Góc này có diện tích chừng 4m2, trưng bày nhiều sách, tường được sơn vẽ sống động nhằm tạo sự thân thiện cho người dân khi đến cơ quan hành chính, đồng thời làm nơi để cán bộ phường thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng. 

“Mỗi khi làm việc với người dân, tôi đều liên tưởng đến hình ảnh cha mẹ, người thân của mình. Do đó, tôi luôn cố gắng thêm chút nữa để phục vụ họ tốt hơn”.

 Mai Trần Thúy An (UBND P.2, Q.11)

Bà Chu Thị Tuyết Nhung - phụ trách lĩnh vực văn phòng, thống kê của UBND P.2 - nhận xét: “Chỉ riêng áp lực công việc cũng đủ khiến mình dễ quạu chứ đừng nói giúp đỡ ai. Nhưng mà với An thì ai nhờ gì cũng không nề hà, mà đã nhận lời thì làm một cách nhiệt tình, tích cực chứ không qua loa”. 

Bà Tuyết Nhung cho biết, trong đợt dịch COVID-19, Thúy An phải kiêm thêm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng y tế và trực đường dây nóng của UBND phường để sẵn sàng hỗ trợ người dân. Trung bình mỗi ngày, An tiếp nhận và nhập liệu từ 800-1.000 thông tin đăng ký tiêm ngừa vắc xin do người dân gửi đến. Đó là chưa kể hàng trăm công việc không tên khác. Thế nhưng, bà chưa từng nghe An than vãn hay tỏ ra bực bội, khó chịu. 

Bà Tuyết Nhung kể, thời điểm đó, An mắc COVID-19, phải ở nhà cách ly nhưng cô vẫn phản hồi mọi cuộc gọi của người dân bất kể ngày đêm, để kịp thời kết nối với trạm y tế lưu động, giải quyết các ca bệnh. Vừa khỏi bệnh, An quay lại cơ quan, mang theo cả chiếc máy may để may khẩu trang những lúc rảnh, sau đó tặng hơn 3.500 chiếc khẩu trang cho người dân.

“Đang đi đâu giữa chừng mà nghe người dân đến tìm mình, An cũng chạy về hoặc không thể chạy về thì tìm cách hỗ trợ tốt nhất cho họ. Khi có nhiệm vụ đột xuất, An đều gửi lại hồ sơ và dặn dò kỹ lưỡng để người dân không phải đi lại mất thời gian” - bà Tuyết Nhung nói. Theo bà, thái độ làm việc hết lòng và cách ứng xử thân thiện của An đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, công chức trong mắt người dân.

Thu Lê

 Sơn Vinh - Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI