Con ở đâu trong hạnh phúc mới của mẹ cha?

24/01/2022 - 14:31

PNO - Người phụ nữ tìm hạnh phúc thế nào sau cuộc ly hôn. Những đứa trẻ ở đâu trong hạnh phúc mới của người mẹ, người cha?

Vụ bạo hành đến tử vong đứa bé con riêng của người tình ở TP.HCM vừa gây sốc bao người, dư luận lại rúng động trước chuyện cô bé ba tuổi ở Hà Nội bị đóng đinh vào đầu. Nghi phạm là người tình của mẹ bé. 

Những vụ bạo hành trẻ em nối tiếp nhau, vụ sau dã man hơn vụ trước, đang dần hé lộ phần chìm của một tảng băng: môi trường sống của trẻ em đáng báo động. Trẻ thơ chưa biết kêu lên nỗi đau khổ của mình. Nếu cứ quay mặt đi mãi, rồi sẽ đến lúc tất cả chúng ta đau đớn nhận ra rằng những lời cuối chúng ta nói về các em chỉ là những lời than khóc. 

Trong câu chuyện đứa bé bị người tình của cha hành hạ, người ta xót xa đặt câu hỏi “tại sao mẹ không nuôi con, nếu bé ở với mẹ chắc không đến nỗi”, nhưng trong câu chuyện vừa xảy ra, đứa bé ở với mẹ vẫn bị người tình của mẹ hành hạ tàn độc. Điều này khiến không ít người nghĩ lại về việc ly hôn, về việc người phụ nữ tìm hạnh phúc thế nào sau cuộc ly hôn. Những đứa trẻ ở đâu trong hạnh phúc mới của người mẹ, người cha? 

 

Vị trí của các bé là vị trí khó khăn nhất, nhạy cảm nhất trong những “tập hai”, “tập ba” của cha mẹ, nhưng các bé thường không có quyền xác định vị trí ấy. Là những người phụ thuộc non nớt, dễ bị tổn thương, những đứa trẻ thường bị lôi theo quyết định của người lớn, cảm xúc, suy nghĩ của trẻ thường bị bỏ qua. Thế nhưng, trong cuộc sống chung sau đó, giữa những mối quan hệ mới, đứa trẻ lại được yêu cầu phải thích nghi, phải làm quen, và cư xử phải phép theo mong muốn của người lớn.

Với phụ nữ, một quan điểm phổ biến vẫn tồn tại: cần một người đàn ông để nương tựa, một bờ vai để dựa dẫm, gửi gắm cuộc đời. Tâm lý này ít nhiều đều dẫn đến sự phụ thuộc. Khi bản thân mẹ còn chưa lo được cho mình, thì làm sao bảo vệ được con? Bạo lực trút lên cả mẹ và con rất dễ xảy ra, và trong thực tế, sự im lặng của người mẹ hay người cha đã đẩy những đứa trẻ xuống vực thẳm. 

Với nam giới, một người tình hay một “tập hai” xuân sắc, trẻ trung thường có sức tác động mạnh mẽ, khiến người đàn ông bị thuyết phục có thể bỏ qua những câu chuyện, những phản ứng của con mình, cho đó là chuyện trẻ con, chuyện rồi sẽ qua, rồi sẽ quen…

Gia đình trước nay vẫn được coi là môi trường an toàn cho trẻ. Nhưng tội ác với trẻ em đang diễn ra sau cánh cửa của nhiều gia đình. Khi con mắt của pháp luật nhìn thấy thì đã quá trễ, tổn thương đã xảy ra. Bao nhiêu người đã nghe tiếng đứa bé khóc la khi bị hành hạ, đánh đập, nhưng nghĩ đó là chuyện nhà người ta, không nên can dự làm gì. Xã hội kêu gọi bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực với trẻ em, nhưng xã hội cũng là những con người cụ thể xung quanh trẻ. Các đường dây nóng báo cáo bạo hành trẻ đã được thiết lập, được thông báo rộng rãi, nhưng có lẽ vẫn chưa thể vượt qua cánh cửa của ngôi nhà riêng đã trở thành địa ngục.

Phải thừa nhận rằng, khi hôn nhân tan vỡ, mỗi thành viên gia đình đều ít nhiều bị tổn thương. Người cha/người mẹ có thể thay đổi sau ly hôn, có thể không còn được toàn vẹn phẩm chất, tình cảm làm cha làm mẹ trong gia đình đầy đủ như trước. Nhận thức này tuy dễ gây đau đớn, nhưng đã đến lúc phải đặt ra một cách rõ ràng. Khi thống nhất rằng, tất cả những ai đi qua cuộc chiến ly hôn đều là nạn nhân, xã hội sẽ chú ý chăm sóc những nạn nhân ấy. Có thể đặt lòng tin vào họ, bởi họ vẫn yêu thương con, nhưng cũng phải có cơ chế kiểm tra, để đảm bảo mọi việc được thực hiện đúng như mong đợi. 

Yêu thương không đúng cách cũng có thể giết chết con người. Cuộc đời cũng dạy chúng ta rằng, hạnh phúc của người này có thể là bất hạnh đối với người khác, không loại trừ đó là mẹ và con, cha và con. Hạnh phúc của người lớn và hạnh phúc của trẻ con luôn khác nhau, trong trường hợp cha mẹ tái hôn, hạnh phúc ấy còn ẩn chứa đầy mâu thuẫn. Người lớn trong những gia đình như vậy có nhìn ra mâu thuẫn này không? 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Sau đổ vỡ hôn nhân, đôi khi người ta tìm thuốc giảm đau cho vết thương lòng qua một mối quan hệ tình cảm mới. Ngăn cản điều này là đi ngược lại với quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân. Nhưng kèm đó sẽ xuất hiện nỗi băn khoăn: nên đặt hạnh phúc của con lên trước, hay hạnh phúc của cha mẹ lên trước? Xã hội có cần can thiệp để đảm bảo an toàn cho trẻ ngay trong gia đình, khi cha mẹ chúng đang bay bổng trong kiểu hạnh phúc mù quáng? 

Nhìn nhận cặp đôi “quyền phụ nữ” và “quyền trẻ em” trong một thế gắn bó chặt chẽ và có cơ chế thực tiễn để đảm bảo sự phát triển đầy đủ của cả hai đối tượng này đang là một vấn đề đặt ra cho Hội Phụ nữ và các cơ quan chức năng. Có thể sẽ phải có những thử nghiệm ban đầu, theo cách có những nhân viên xã hội theo sát các bà mẹ, ông bố nuôi con nhỏ sau ly hôn. Những buổi đào tạo kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm là cần thiết. Nhưng cần thiết hơn, cần có cơ chế để nhân viên xã hội có thể tận mắt kiểm tra môi trường sống của trẻ, mở tủ lạnh xem thức ăn dành cho trẻ, và gặp trẻ định kỳ để xem các bé có an toàn không, có thực sự được chăm sóc đầy đủ; và đánh giá khách quan xem có nguy cơ nào tiềm ẩn nơi những người gần gũi trẻ hay không. 

Ai cũng tin rằng nước mắt chảy xuôi, cha mẹ thương con, nhưng xã hội phải có thiết chế để gìn giữ tình thương ấy, nhất là trong bối cảnh các gia đình tan vỡ và tái cấu trúc đang ngày một nhiều lên. 

Hoàng Mai

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI