Con muốn thành vợ đảm

14/05/2016 - 10:53

PNO - Cháu làm tất cả các việc cho cậu ấy: mang thức ăn cháu tự nấu sẵn cho cậu, dành phần làm mọi việc, cả cuối tuần cháu qua bên ấy dọn dẹp...

Tôi có cô con gái năm nay 17 tuổi, chuẩn bị vào lớp 12. Cháu cũng đã có bạn trai, là một cậu bạn bằng tuổi, học cùng trường. Chúng tôi không cấm cản việc cháu hẹn hò sớm và luôn coi chuyện đó là một bước phát triển bình thường của con. Cả nhà cũng quý cậu bé ấy, ngoan ngoãn và lễ phép, chăm học.

Cậu thường ghé chơi, ăn uống cùng cả nhà. Nhưng, từ ngày quen cậu bạn ấy, cô gái tôi thành một người khác hẳn. Có cảm giác như cháu lúc nào cũng sẵn sàng làm một bà vợ đảm. Cháu làm tất cả các việc cho cậu ấy: mang thức ăn cháu tự nấu sẵn cho cậu, dành phần làm mọi việc, kể cả cuối tuần cháu qua nhà bên ấy dọn dẹp, giặt giũ cho bạn, ủi sẵn quần áo…

Tôi rất bực mình, xót con, nhưng phân tích kiểu gì cháu cũng không nghe. Lúc nào nói với nhau vài câu, cháu lại vùng vằng bỏ đi. Tôi định gặp riêng cậu bạn để nói chuyện. Chưa kịp thực hiện thì vừa rồi xảy ra chuyện: mẹ của cậu ấy khuyên con gái tôi đừng như vậy nữa. Cháu chạy về nhà khóc lóc và một mực cho rằng tại mẹ. Cháu nghĩ rằng tôi đã nhờ nhà ấy trao đổi với cháu dù tôi thật sự không làm điều đó. Bây giờ, tôi phải làm gì với con mình đây?

Minh Hòa (Q.Phú Nhuận)

Con muon thanh vo dam
Ảnh mang tính minh họa

Chị Minh Hòa mến,

Chị là người mẹ hiện đại, không ngăn cấm chuyện yêu của con, tạo điều kiện cho bạn trai của con đến nhà chơi, ăn uống cùng gia đình... Chị thật tâm lý khi hiểu hẹn hò là sự phát triển tâm sinh lý bình thường của tuổi 17. Một số cha mẹ khác cấm cản con, không cho con được yêu làm biết bao trẻ bị đau khổ, lén lút yêu hoặc buồn chán, bất mãn…

Giúp con biết cách yêu đúng và giúp con xử lý những tình huống xảy ra là điều cần thiết. Con trẻ cần cha mẹ định hướng đúng để không mắc sai lầm.

Sự việc xảy ra khiến cháu rất buồn vì cháu nghĩ cháu đang làm đúng, làm điều tốt cho người yêu… Cháu chỉ chưa hiểu rõ vì sao hai mẹ đều phản đối. Sự phản ứng của mẹ bạn trai đã khiến cháu tổn thương, tự ái và cả lo lắng, sợ mất lòng mẹ chồng tương lai nữa. Một cô bé mới lớn, với mối tình đầu thì đây là một cú sốc.

Hiện nay, tâm trạng của cháu không tốt. Chị cần kiên nhẫn đợi cháu nguôi ngoai. Khi cháu bình tĩnh lại, chị cần nói chuyện với cháu, khẳng định cho cháu biết mẹ không có lý do gì để sang nói với nhà bạn trai con về chuyện này. Mẹ luôn muốn bảo vệ con, chỉ muốn tốt cho con. Chị cũng cho cháu biết, mẹ bạn trai nhắc nhở con như vậy cũng là sự chân tình, thương con, không muốn con vất vả. Họ cũng không muốn con họ ỷ lại…

Giúp đỡ người khác là tốt, quan tâm đến bạn không sai, nhưng con đang đánh mất cơ hội tự lập của bạn, nuôi dưỡng sự lười biếng của bạn. Nếu sau này lập gia đình, con mang bầu, nuôi con nhỏ yếu, mệt, vất vả chăm con nhỏ thì con có còn thời gian làm mọi việc cho chồng con như hiện tại? Nếu chồng không biết tự phục vụ chính mình làm sao biết giúp đỡ vợ con? Chị có thể đặt ra những câu hỏi tương tự để dẫn dắt cháu dần hiểu vấn đề, hiểu rằng hai mẹ phản đối cũng là vì tương lai hai đứa.

Nói chuyện với con ở giai đoạn này không dễ. Nếu cha mẹ phân tích đúng sai theo kiểu dạy dỗ, rót nước vào bình, áp đặt các cháu, các cháu sẽ không chịu nghe, không chịu hiểu và thậm chí sẽ chống đối. Khi trò chuyện cha mẹ nên công nhận con, khen những gì con làm đúng, chấp nhận suy nghĩ của con để con thấy cha mẹ tôn trọng mình. Sau đó hãy gợi cho con nói ra lý do vì sao con làm như vậy, con làm như vậy có lợi gì, con có biết vì sao mẹ bạn ấy đề nghị như vậy…? Hãy cho con cơ hội tự suy nghĩ, tự nói ra… con sẽ tự định hướng lại cách nghĩ, cách làm của con.

Chị cũng có thể chủ động mời con và bạn trai con đi ăn chung và cùng trò chuyện với cả hai cháu về việc này. Nếu hai nhà quen nhau, chơi cùng nhau chị cũng có thể mời mẹ cháu trai đi ăn cùng hai đứa để giúp cả hai cháu hiểu tấm lòng hai mẹ, cũng là tăng cơ hội hiểu nhau, xóa bỏ sự ngượng ngùng cho con… Nếu chị thấy khó khăn khi tạo ra những cuộc trò chuyện trực tiếp, chị có thể viết thư cho con hiểu, hoặc nhờ bố cháu, hay người nào gần gũi với cháu nói chuyện cùng cháu.

Tác động đến hai cháu bằng tình yêu thương và sự nhẹ nhàng tế nhị của người mẹ, tôi tin chị sẽ giúp các cháu nhận ra vấn đề và thay đổi để cả hai cùng vui vẻ. 

Chuyên viên tham vấn Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI