“Còn con đường là tôi còn bước đi”

11/01/2017 - 11:30

PNO - Nguyễn Thị Thơm bị teo cơ toàn thân sau cơn sốt bại liệt vào năm ba tuổi.

“Con con duong la toi con buoc di”
 

Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm, chị đã tập vật lý trị liệu để có thể tự đi lại được. Chị hiện là thành viên nhóm nhạc Đời Rất Đẹp, nhân viên tại Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM, đồng thời là đại sứ cho chương trình “Khoảnh khắc kỳ diệu”, giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Mỗi cuối tuần, Thơm tham gia bán đồ lưu niệm để trích lợi nhuận hỗ trợ các trung tâm nuôi dạy người khuyết tật. “Niềm vui mỗi ngày của tôi chính là được đi làm, trở thành người có ích và có thể giúp được nhiều người khác, kể cả những người không khuyết tật. Tình thương của mọi người là một trong những điều động viên lớn nhất để tôi có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”, Thơm tâm sự.

Có những cuộc gặp gỡ như là định mệnh. Có lẽ, ngay tại thời khắc ấy, mãi mãi Nguyễn Thị Thơm không bao giờ có thể tưởng tượng rằng ngày cô tìm đến Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD), gặp chị Diễm Hương để tìm hiểu về học bổng “Những người bạn đồng hành” là một ngày khác, rất khác cho cuộc đời cô:

- Em đến đây bằng gì?

- Dạ, em đi xe ôm.

- Tại sao em không đi bằng xe buýt?

- Dạ, tại em sợ xe buýt...

- Nhiều bạn đi xe lăn mà vẫn đi xe buýt, sao em nghĩ mình không?

- ...

- Em giờ đang học ở Học viện hành chính, tương lai em sẽ làm gì?

- Quản lý nhà nước ạ, ít ra em cũng sẽ có một chỗ đứng và biết đâu em sẽ góp phần thay đổi nền hành chính nước nhà...

- Em có biết quy định của nhà nước phải nhận 3% người khuyết tật nhưng thực tế là không như thế, rồi khi ra trường em sẽ làm thế nào để kiếm việc?

- Dạ... em chưa nghe tới.

“Nhiều câu hỏi xoáy sâu vào tôi, vào chính những hạn chế của mình. Tôi nghĩ chỉ thêm một câu hỏi nữa thôi chắc mình sẽ oà khóc”, Thơm mỉm cười nhớ lại.

Ấn tượng đầu tiên với DRD là thế: không hề có sự thương hại mà là một sự nghiêm khắc, để mỗi người phải nhìn lại bản thân. Và Thơm quyết định không xin học bổng nữa, nhường lại cho nhiều bạn đang cần. Cô bắt đầu tham gia những buổi sinh hoạt ở DRD. Những nỗi buồn, ám ảnh và lo lắng mông lung khi Thơm vừa bước chân vào giảng đường đại học cũng dần nguôi ngoai.

Nguyễn Thị Thơm dần nhen lại những hoài bão xưa kia: muốn tạo nên một cộng đồng người khuyết tật khác những hình ảnh lê lết xin ăn, ngồi xe lăn để người khác đẩy đi bán vé số... Thơm bắt đầu đi học trở lại đều đặn hơn. Những hoài nghi về tương lai dần có lời đáp.

Thật ra, bản thân Thơm là một cô gái mạnh mẽ, giàu nghị lực. Khó có ai khi đối diện hoàn cảnh như Thơm có thể vươn lên mãnh liệt đến vậy. Năm lên ba tuổi, một cơn sốt bại liệt đã khiến Thơm bị teo cơ toàn thân. “Mấy năm liền, tôi chỉ nằm một chỗ, hễ đứng dậy là ngã sóng soài. Hai tay tôi run run nên cầm, nắm cái gì cũng khó. Ở nông thôn, bấy giờ gia đình nào cũng tất bật lo miếng cơm, manh áo. Cha mẹ tôi đầu tắt mặt tối làm việc. Những tháng ngày đầu tiên sau cơn bệnh, tôi chỉ ngồi một mình ngoài hiên trông theo lũ bạn.

Bắt đầu tuổi đi học, các chị đưa tôi đến trường, bạn bè và thầy cô thay nhau đưa tôi về nhà. Dù thế, tôi cũng không thể tránh khỏi những lời trêu đùa của chúng bạn. Lúc đầu tôi buồn lắm, cúi gằm mặt và lê bước lên lớp trong im lặng. Mẹ tôi bảo: “Dần dần rồi mọi người cũng sẽ quen thôi con”. Trong suy nghĩ, tôi không muốn như thế, tôi phải khiến các bạn nhìn khác đi. Tôi chăm chút cho bài học. Thời gian ở nhà, tôi mang sách vở tập đọc to, rõ ràng. Với môn toán, tôi làm và kiểm tra tỉ mỉ, luôn nhắc nhở mình không được sai.

Thành quả của tôi là luôn dẫn đầu lớp và cô giáo phân cho tôi làm lớp phó học tập. Tôi cũng phát huy khả năng trong các kỳ thi học sinh giỏi, dù luôn dừng ở giải khuyến khích của huyện, tỉnh nhưng đã để lại trong lòng thầy cô và các bạn một cái nhìn khác: thay vì “Ê, què!” thì các bạn đã trìu mến gọi tôi: “Lớp phó”. Những bước chân khó nhọc đã mang tôi đi hết những năm tháng trung học cơ sở” - Thơm mỉm cười kể lại chuyện đời mình, nhưng ẩn sâu trong đáy mắt, có vài giọt nước long lanh.

Nhưng con tạo nhiều khi cũng muốn trêu ngươi, cứ đẩy người ta từ thử thách này sang thử thách khác. Gia đình lại đột ngột xảy ra biến cố, cha Thơm bị phá sản, nhà cửa, đồ đạc bị xiết nợ. Cả nhà tám người sống tạm bợ trong căn chòi bằng cót thưng, chạy gạo ăn từng bữa. Rồi có một buổi tối kinh hoàng, em trai đang học lớp 5 co giật liên hồi và cứ 10-15 phút lại lên cơn một lần do viêm não Nhật Bản.

Bệnh tình em ngày càng xấu, tưởng không qua khỏi. Cha mẹ Thơm vay mượn khắp nơi để chữa chạy, cuối cùng thằng bé đã thoát khỏi tay tử thần, hết bệnh và đi học lại nhưng mang trong mình di chứng viêm não: đó là những cơn động kinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường xuyên phải uống thuốc.

Những ngày tháng ấy lại tiếp tục nung nấu trong Thơm quyết tâm phải học hành đỗ đạt. Năm 2005, cô thi vào Học viện Hành chính Quốc gia và… rớt. Thơm ở nhà chăm em để cha mẹ yên tâm làm kinh tế. Tự ôn bài để thi lại, cô nhất quyết không từ bỏ. Kỳ thi năm 2006, Thơm lại rớt. “Chẳng lẽ sức mình chỉ thế này thôi sao? tôi đã tự vấn như thế khi nhìn thấy các bạn đồng trang lứa bước vào đại học.

Tôi xem lại cách học của mình, thả cho đầu óc thư thái, bỏ qua mọi áp lực và vấn đề cá nhân khi học, kiểu như là mặc kệ vậy. Năm 2007, tôi đã đậu vào trường mình mong muốn: Học viện Hành chính Quốc gia (cơ sở tại TP.HCM). Tôi bước vào đại học với bao niềm hạnh phúc, sung sướng của bản thân và tự hào của gia đình, họ hàng” -  Thơm nhớ lại.

Vừa nghe Thơm đàn organ và hát bài , trong đầu tôi là hình ảnh của những tổn thương em đã phải đeo mang: đang là tấm gương nghị lực cho sinh viên và được nhà trường công nhận Nữ sinh tiêu biểu, có được chứng chỉ A loại giỏi môn vi tính, là thành viên nhóm nhạc Đời Rất Đẹp (DRD) thì Thơm nhận được tin dữ: mẹ bị ung thư buồng trứng. “Những ngày tháng đó, tôi không muốn làm gì cả. Rồi điều tồi tệ nhất cũng xảy ra: mẹ tôi ra đi” - nước mắt Thơm lăn dài theo câu chuyện. Nhưng cô vẫn phải gượng dậy, để sống cho mình và cả cho người. Hiện Thơm đang làm việc tại đội Kê khai - kế toán thuế thuộc Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM. Ngoài giờ hành chính, cô đi hát và tham gia các hoạt động xã hội.

“Tôi vinh dự được mời làm đại sứ cho lễ tổng kết dự án "Bản đồ tiếp cận"  - dự án giúp người khuyết tật dễ hòa nhập cộng đồng và cộng đồng cũng sẽ hiểu hơn về người khuyết tật. Tôi lấy ví dụ nhé: Các bạn đã bao giờ thử ngồi lên xe lăn di chuyển lên từng bậc thang chưa? Các bạn có biết trong hơn 1.800 công trình tại quận 1 và quận 3, chỉ có 78 công trình là người khuyết tật có thể sử dụng dễ dàng? Những công trình không có hạng mục dành cho người khuyết tật là rào cản đối với người khuyết tật trên đường hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi - những người khuyết tật - cần được tạo điều kiện để sinh sống, lao động và làm việc mà không phải phụ thuộc bởi những rào cản.

Bất kỳ một đất nước nào cũng mong muốn sự giàu mạnh, người dân ấm no và xã hội giàu tính nhân văn. Thực tế, trên thế giới đã có rất nhiều nước xây dựng thành công các công trình tiếp cận như New Zealand, Chicago - Hoa Kỳ, Canada, Brazil (công trình tiếp cận là có lối riêng dành cho xe lăn rộng 1.800mm (nếu là lối đi dành cho xe lăn và một người), bậc thang chỉ cao từ 120mm - 160mm để ai cũng có thể sử dụng thuận tiện chứ không chỉ người khuyết tật). Cuộc sống, với tôi là chuỗi những thử thách cần sự kiên nhẫn và sáng suốt để vượt qua. Chỉ cần còn hy vọng là còn phấn đấu, còn con đường là tôi còn bước đi”, Nguyễn Thị Thơm sôi nổi chia sẻ.

                                                                                                          Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI