“Cô tiên” giành lại sự sống cho bệnh nhi ung thư

07/03/2023 - 06:09

PNO - Từ lúc Trung tâm Nhi thuộc Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên vào tháng 11/2019, đến nay đã có hơn 30 bệnh nhân nhi ung thư khắp cả nước được cứu sống nhờ kỹ thuật này. Thành công đó có phần đóng góp rất lớn của Soeur Maria Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó trưởng khoa Ung bướu - Huyết học - Ghép tủy Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế.

Nữ tu sĩ khoác áo blouse trắng

Tiến sĩ, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Kim Hoa là nữ tu sĩ thuộc Dòng con Đức mẹ vô nhiễm (phường Kim Long, TP Huế), làm công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện (BV) Trung ương Huế từ năm 2013.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Huế, Soeur Maria Nguyễn Thị Kim Hoa đã chọn Trung tâm Nhi khoa của BV để thực hiện giấc mơ chữa bệnh cứu người. Bởi như lời BS Kim Hoa từng tâm sự: “Mỗi ngày, nhìn các bệnh nhân nhi ung bướu đau khổ, tôi không thể cầm lòng. Tôi quyết tâm tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân (GTBGTT), mong mang lại sự sống cho các cháu”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa (bìa phải) chúc mừng bệnh nhi thứ 30 (Nguyễn H.B.N., 6 tuổi) bị u nguyên bào thần kinh được ghép tế bào gốc tự thân thành công
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa (bìa phải) chúc mừng bệnh nhi thứ 30 (Nguyễn H.B.N., 6 tuổi) bị u nguyên bào thần kinh được ghép tế bào gốc tự thân thành công

BS Kim Hoa cho biết, GTBGTT có nhiều kỹ thuật phức tạp. Mỗi bệnh nhi được chọn ghép trải qua một phác đồ điều trị riêng biệt. Sau khi điều trị hóa chất, ca bệnh nhi được hội chẩn kỹ. Nếu đáp ứng được quy chuẩn khi đó mới đưa vào ghép tế bào gốc. Kể cả lúc đưa bệnh nhi vào phòng ghép, BS phải nghĩ ra nhiều trò chơi, câu chuyện hài hước nhằm tạo ra sự thân thiện, giúp các cháu tăng sự tự tin.

Cái khó nhất của kỹ thuật GTBGTT chính là ở chỗ khi bệnh nhân phải dùng hóa chất liều cao để diệt tủy; thời gian để tủy mọc bệnh nhân có các biến chứng nhiễm trùng. Do đó, làm thế nào BS cùng ê kíp phải phát hiện và khống chế nhiễm trùng thì lúc đó bệnh nhân mới có cơ hội ghép tế bào gốc thành công. 

Nhận thấy GTBGTT sẽ rất khó thực hiện đối với những gia đình bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn bởi một ca GTBGTT có kinh phí hàng trăm triệu đồng, BS Kim Hoa cùng phòng công tác xã hội của BV đã kết nối nhiều mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp kêu gọi, hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng, cùng hàng ngàn suất ăn, thực phẩm giúp gia đình bệnh nhi ung thư khó khăn. 

Ca GTBGTT thành công đầu tiên mà BS Kim Hoa thực hiện đó là bệnh nhân Nguyễn Ánh H. (4 tuổi, quê Quảng Trị) bị u bào thần kinh. Bệnh nhi có các biến chứng sốc nhiễm trùng ở giai đoạn điều trị bằng hóa chất liều cao nhưng vẫn được cứu sống. Riêng ca ghép u bào võng mạc tái phát với bệnh nhi H.T.N. quê ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) để lại nhiều sự lo lắng nhất cho BS Kim Hoa cùng ê kíp Trung tâm Nhi trong những ngày đầu tiên triển khai kỹ thuật. Cháu gái 8 tuổi này mắc chứng u bào võng mạc di căn, trong quá trình GTBGTT, bệnh nhân nhiễm trùng và trở nặng. Lúc đó, tất cả BS tại BV đều được điều động đến để hội chẩn. Nhờ quá trình điều trị tích cực cũng như theo dõi sát nên bệnh nhi đã phục hồi thần kỳ. 

Hay trường hợp Nguyễn X.B. (9 tuổi, ở Hà Tĩnh) mắc bệnh ung thư hạch. May mắn nhờ sự quan tâm của BS Kim Hoa cùng đồng nghiệp, B. đã được cứu sống một cách ngoạn mục. Chị Lê Thị Loan - mẹ bé B. - kể lại, sau khi thu tế bào gốc, vào thuốc vòng hóa chất cuối cùng thì B. bị xuất huyết bàng quang, đau đớn, bỏ ăn. “Nhìn con, ruột gan tôi như thắt lại. Sự động viên của đội ngũ y BS, trong đó có BS Kim Hoa đã tạo điểm tựa tinh thần giúp mẹ con tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất” - chị Loan tâm sự.

Thương trẻ trong cả tiếng kinh cầu

Trước đây BV Trung ương Huế chưa thể tiến hành GTBGTT, do thiếu phương tiện máy móc, cùng với trang thiết bị chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Dù vậy, để có bước chuẩn bị, lãnh đạo BV đã cử BS, điều dưỡng đi học tập kỹ thuật này tại các BV lớn trong nước. Riêng BS Kim Hoa được BV cử đi học GTBGTT ở TPHCM, Mỹ, Nhật. Cùng với sự giúp đỡ của bà Kazuyo Watanabe - Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á - Trung tâm Nhi hiện đã được trang bị phòng ghép tế bào gốc rất đặc biệt. Phòng có hệ thống lọc khí, vô trùng, nhất là máy thu tế bào gốc hàng tỉ đồng, cũng được bà Kazuyo Watanabe kết nối tài trợ. 

Từ tháng 11/2019, Trung tâm Nhi đã triển khai GTBGTT cho bệnh nhi mắc các bệnh lý ung thư khối mô đặc và hạch bạch huyết. Trong đó, có những ca GTBGTT đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại BV Trung ương Huế. Đó là trường hợp ghép cho bệnh nhi Nguyễn Xuân B. (7 tuổi, tỉnh Hà Tĩnh), mắc u nguyên bào võng mạc di căn và Burkitt Lymphoma tái phát.

Thạc sĩ, BS Hoàng Thị Lan Hương - Phó giám đốc BV Trung ương Huế - chia sẻ: BS Kim Hoa là người có tấm lòng nhân hậu, rất yêu thương bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi ung bướu đang điều trị tại BV. Có chuyên môn tốt, là nữ tiến sĩ nhi khoa đầu tiên của Trung tâm Nhi khoa, đồng thời là người đóng vai trò chủ chốt trong GTBGTT, ban giám đốc BV đánh giá cao năng lực của BS Kim Hoa. Hiện nay, kỹ thuật GTBGTT tại BV Trung ương Huế đã được thực hiện thường quy một cách chuyên nghiệp.

“Trong thời gian tới, BV sẽ tiếp tục triển khai ghép tủy tự thân cho các bệnh nhi bị mắc các bệnh lý u đặc và sẽ triển khai ghép tủy đồng loại, điều trị các bệnh lý suy tủy, ung thư máu hay Thalassemie để nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỹ thuật GTBGTT và đem lại sự sống mới cho nhiều bệnh nhi không may mắc các bệnh hiểm nghèo” - bà Lan Hương thông tin thêm.

Để động viên các sinh viên đang theo học ngành y tâm huyết với nghề, BS Kim Hoa có lời nhắn nhủ, khi đã chọn lựa vào ngành y là xác định vất vả. Do đó, các bạn cần chăm chỉ học hành, cố gắng thăm khám, học hỏi nhiều để tích lũy kinh nghiệm làm hành trang cho mình sau này. “Mỗi buổi sáng, tôi thường thức dậy lúc 4g30 để đọc kinh cầu nguyện. Đặc biệt là đối với những ca GTBGTT khó, khiến tôi lo lắng trăn trở. Tôi nguyện cầu sức khỏe các cháu tiến triển tốt, sớm lành bệnh về nhà” - BS Kim Hoa tâm sự. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI