Có thể tin thực phẩm sạch?

20/06/2016 - 16:42

PNO - Nhiều tiêu chuẩn sạch, an toàn, Gap... của nhiều mặt hàng thực phẩm trên thị trường hiện nay được đánh giá chỉ mang hình thức.

"Chứng nhận có thể mua"?

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Hồng Minh, nhiều chứng nhận sạch, GAP hiện nay không được người tiêu dùng (NTD) tin tưởng vì quy trình cấp, quản lý, giám sát những tiêu chuẩn này không chặt chẽ. Kết quả kiểm nghiệm có thể mua, xin chứng nhận sạch, an toàn không cần kiểm mẫu… đã dẫn đến tâm lý mất niềm tin của NTD, ngay cả với những nhà bán lẻ lớn, chủ động về nguồn cung sản phẩm. Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh nông sản, việc xin chứng nhận VietGAP hiện không khó, vì có khá nhiều đơn vị (sở NN-PTNT địa phương, trung tâm được chỉ định) cấp chứng nhận này.

Việc chứng nhận chủ yếu dựa trên khai báo của người thực hiện, quá trình nuôi trồng ghi chép lại nhưng ghi chép đúng hay sai thì chẳng ai thẩm định được. Đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát gần như chỉ căn cứ vào ghi chép của người sản xuất và thẩm định bằng… mắt thường. “Nhiều nhà nhập khẩu từ Canada, Mỹ… từng đến các vườn trái cây được chứng nhận VietGAP, được cung cấp đủ nhật ký canh tác của nông dân, quá trình canh tác không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bừa bãi, nhưng khi đem mẫu về kiểm tra thì hầu hết dư lượng BVTV đều vượt ngưỡng, không thể nhập được”, vị này nói. Bà Minh cho biết thêm, một cuộc khảo sát nhỏ cho thấy, nếu như tại TP.HCM có khoảng hơn 70% NTD tin vào các chứng nhận thì tại Hà Nội chỉ hơn 30% tin vào những chứng nhận này.

Co the tin thuc pham sach?

Nhiều mặt hàng thực phẩm hiện chịu quản lý của ba Bộ (Công thương, Y tế, NN-PTNT), nhưng không ít vụ việc cơ quan quản lý lấy mẫu kiểm nghiệm, và khi có kết quả thì bên nói độc hại, bên lại nói an toàn, NTD chẳng biết tin vào đâu, còn nhà sản xuất phải gánh chịu thiệt hại. Rõ nhất là thời gian vừa qua, sản phẩm xúc xích Vietfood bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kết luận có chứa chất sodium nitrate gây ung thư, nhưng sau đó Cục An toàn thực phẩm đưa ra quyết định trái ngược.

Trong khi đó, việc cấp phép chứng nhận các tiêu chuẩn sạch, an toàn chỉ chú trọng hình thức, nhiều đơn vị phấn đấu, cam kết đủ điều để được cấp chứng nhận sạch, an toàn, khi có chứng nhận rồi thì quên ngay những cam kết ban đầu. Họ sử dụng chứng nhận như một thứ “bùa hộ mệnh” để bán sản phẩm của mình. Theo tiết lộ của một đơn vị cung ứng thịt heo đạt chứng nhận VietGAP tại chợ Hòa Bình, khi thấy thịt đạt chứng nhận bán ra thị trường được tiêu thụ tốt, một doanh nghiệp giết mổ lớn đã nhanh chóng tuyên bố cũng bán thịt VietGap và cung cấp cho nhiều tiểu thương khác trong chợ để bán.

Tuy nhiên thịt heo nuôi theo hướng an toàn (GAP) có tỷ lệ mỡ cao, nhiều tiểu thương khó bán nên họ chỉ lấy “tượng trưng” một lượng nhỏ thịt heo GAP từ doanh nghiệp cho có chứng nhận, sau đó trà trộn thịt heo thường vào để bán. Người mua nhìn thịt trên sạp thì không thể biết miếng nào "có GAP", miếng nào không, chỉ cán bộ thú y mới nắm được, nên mỗi khi nghe thông tin có cán bộ thú y là không ít tiểu thương nháo nhào tìm cách tẩu tán những miếng thịt không được chứng nhận GAP tại sạp của mình.

Với cơ chế quản lý, giám sát như hiện nay, ngay cả những thông tin được khai báo trên bao bì, hình thức truy xuất nguồn gốc hiện cũng không thể tin tuyệt đối vì quá trình làm, nguồn gốc nguyên liệu có thể một đằng, công bố một nẻo.

Đánh bài ngửa

Ngoài kỹ thuật, chỉ những người thực sự có tâm mới làm ra được những sản phẩm sạch, an toàn thực sự, nhưng họ thường gặp khó khăn khi đưa sản phẩm đến tay NTD vì khi tự cho biết mình bán sản phẩm sạch, rất ít NTD tin. Chúng ta thiếu một tổ chức trung gian để xác nhận việc này. Vì thế, hiện nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn đang tìm cách liên minh với nhau để lập thành một hiệp hội thực phẩm minh bạch. Tổ chức này sẽ liên kết các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn theo chuẩn mực và có quy tắc ứng xử chung, chỉ những nhà sản xuất đạt yêu cầu và tiêu chuẩn nhất định mới được gia nhập.

Ông Vũ Thế Thành cho rằng, việc có một đơn vị giữ vai trò trung gian như Hiệp hội thực phẩm minh bạch là rất cần thiết, nhưng hoạt động như thế nào mới là quan trọng. Minh bạch đơn giản là nói thật. Chẳng hạn, với mặt hàng cháo tươi mới được bán ra thị trường, nhắm tới đối tượng khách hàng là trẻ nhỏ, sản phẩm này được giới thiệu là có omega 3 nhưng omega 3 có nhiều loại, trong đó có khoảng hai loại dòng DHA phù hợp với trẻ nhỏ dưới sáu tuổi nên nhà sản xuất cần nói rõ sản phẩm có những chất đó không, tỷ lệ bao nhiêu chứ không thể công bố chung chung như vậy.

Với sản phẩm sữa cũng cần rõ ràng giữa sữa thanh trùng với tiệt trùng, hoàn nguyên… Các loại thực phẩm khi lưu hành đã phải đăng ký, phải kê khai nguyên liệu, dinh dưỡng, hạn dùng, bảo quản… trên nhãn. Có phù hợp với quy định thì cơ quan hữu trách mới gật đầu, mới được phép lưu thông trên thị trường. Chẳng hạn, nhà sản xuất khai dùng phosphate, nhưng dùng phosphate loại công nghiệp hay phosphate thực phẩm?

NTD muốn biết món hàng đã được chế biến thế nào và những thứ gì đã được cho vào đó. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu hết những gì nhà sản xuất nói, nên bản thân những thành viên tham gia hiệp hội cũng cần minh bạch với nhau và sẵn sàng “ngửa bài”, kiểm soát chéo lẫn nhau mới có thể minh bạch được. Minh bạch mà không kiểm tra sự minh bạch đó thì cũ ng như không.

Tham gia hiệp hội mà tự mình kiểm tra mình coi như huề. “Một nhà trồng rau an toàn, hiểu là rau được trồng đúng quy định pháp luật, chẳng hạn ngưng phun thuốc trừ sâu 10 hay 15 ngày trước khi thu hoạch, và phải chứng minh điều họ làm, qua phòng thí nghiệm, hoặc những đồng nghiệp trồng rau kiểm tra chéo lẫn nhau theo cách thức thỏa thuận”, ông Thành nói.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI