Cơ quan chức năng vào cuộc vụ 'hàng loạt người Việt bị lừa sang Nga lao động chui'

06/01/2015 - 06:45

PNO - PN - Ngay sau loạt bài Hàng loạt người Việt bị lừa sang Nga lao động chui kêu cứu, phanh phui đường dây lao động chui của “cò” Út Nhị ở xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, báo Phụ Nữ đã tiếp nhận thêm những lời kêu cứu mới từ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Co quan chuc nang vao cuoc vu 'hang loat nguoi Viet bi lua sang Nga lao dong chui'

Anh Hòa (bên trái) và anh Sang trước ngày qua Nga

HÃY GIÚP CHÁU TÔI TRỞ VỀ!

Ngày 31/12, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, ngụ 724/94 Phạm Thế Hiển, P.4, Q.8, TP.HCM, mang đơn đến báo Phụ Nữ tố cáo hành vi lừa đảo của bà V.T.N.Th., sinh năm 1971, ngụ ở P.12, Q.Gò Vấp, môi giới đưa con trai của bà là anh Phan Giang Sang và bạn của anh Sang là Từ Ngọc Hòa sang Nga. Điều bất ngờ là chi phí “xuất khẩu lao động” (XKLĐ) mà bà Th. lấy chỉ có 500 USD/người, trong khi vé máy bay hạng phổ thông một chiều đi Nga của các hãng luôn xấp xỉ 900 USD.

Bà Hạnh kể: "Cháu Hòa và thằng Sang con trai tôi là bạn thân, cả hai đang làm ở công ty may Delta Starmark ở Q.8, lương khoảng bốn triệu đồng/tháng. Bị bà Th. dụ dỗ, tụi nó bỏ việc, đùng đùng đòi sang Nga, nói là đi làm công nhân may với mức lương cả ngàn USD/tháng. Chồng tôi phản đối nhưng tôi phần thương con, phần cũng vì nghe nói cháu ruột của bà Th. tên Tuyền, đang làm quản lý bên đó và bà đã đưa mấy chục người sang Nga nên tôi đồng ý. Nào ngờ…”.

Bà Th. giao kèo sẽ lo cho Sang và Hòa hợp đồng lao động ba năm. Khi ra sân bay, người phụ nữ này đã đưa cho Sang và Hòa mỗi người một hộ chiếu và một tờ giấy ghi toàn tiếng Nga, nói đó là “hợp đồng lao động ba năm ở Nga”. Thấy tờ giấy lạ, sinh nghi, bà Hạnh chụp lại. Tới khi vỡ lở sự việc, bà Hạnh mới biết đó là tờ giấy du lịch có thời hạn từ ngày 24/7/2014 đến 29/9/2014!

Ngày 3/8, Hòa và Sang đến Nga, được Cường, chủ một xưởng may ở tỉnh Tver, Liên bang Nga đón và đưa về xưởng ở một khu nông thôn hẻo lánh. Ông này thu hết hộ chiếu của hai anh và bắt ký vào một biên bản hợp đồng nợ của công ty 2.200 USD chi phí làm hồ sơ XKLĐ, sẽ trừ dần vào lương. Nhìn cảnh xưởng may với khoảng hơn 20 lao động, người nào người nấy bơ phờ, xơ xác, phải làm việc từ 7g sáng đến 22g đêm, Sang và Hòa biết mình đã bị lừa.

Co quan chuc nang vao cuoc vu 'hang loat nguoi Viet bi lua sang Nga lao dong chui'

Tin nhắn của Kiệt, con trai bà Út Nhị gửi từ Nga cho vợ của Toàn

Ở Nga mấy ngày, anh Sang liên tục bị ho ra máu, không đi làm nổi. Hòa điện về cho bà Hạnh. Sợ con trai bị nguy hiểm tính mạng, bà Hạnh phải chuộc con về với giá 1.800 USD. Gần hai tháng trời bà Hạnh chạy vạy, cầu cứu khắp nơi, ngày 20/10, Đại sứ quán VN tại Nga đã can thiệp để anh Sang về nước, tuy nhiên, bà Hạnh phải vay mượn 1.000 USD gửi sang để mua vé máy bay cho Sang. Về nước, Sang chỉ còn da bọc xương, được gia đình chở thẳng vô bệnh viện. Vì có gốc hen nên khi gặp khí lạnh, Sang bị ho ra máu.

Sau khi bạn về nước, được vài hôm, từ Nga, anh Từ Ngọc Hòa cũng kêu cứu, xin được giải thoát, nhưng vì gia đình quá nghèo, không có tiền trả cho chủ xưởng may nên tiếp tục bị bóc lột sức lao động với mức lương chỉ hơn 100 ngàn đồng/ngày giữa mùa đông giá rét. Bà Hạnh bật khóc: “Cũng may là trước khi đi, thằng Hòa đã ra công chứng ủy quyền cho tôi đại diện làm các thủ tục về bảo hiểm xã hội và quyền lợi lao động”.

Thế nhưng, cả tháng qua, bà Hạnh chạy vạy khắp nơi, vẫn không ai can thiệp để cứu Hòa về. Khi trao đổi với phóng viên (PV), bà Hạnh mở loa ngoài điện thoại di động liên lạc với ông Cường, hỏi chừng nào trả Hòa về nước, người đàn ông bên kia đầu dây nói: “Có đủ 2.200 USD trả nợ hợp đồng sẽ được về”.

Sau khi xem xét các giấy tờ PV mới thấy, việc ông Cường đòi hỏi số tiền này là bởi ngay sau khi Hòa và Sang đến Nga chưa đầy một tháng, ngày 1/9/2014, ông này đã xin cấp visa mới cho hai người, thời hạn đến hết ngày 6/5/2015. Phòng lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Nga giải thích, đây là một công ty có đăng ký hoạt động nên mới có thể bảo lãnh người lao động gia hạn visa. Như vậy, 500 USD bà Th. nhận chỉ là phí “cò” và làm visa du lịch Nga ngắn hạn. Còn 2.200 USD mà Hòa và Sang ký nợ trong hợp đồng gồm có vé máy bay và phí visa gia hạn, cộng với một số chi phí mà doanh nghiệp này quy định.

PV liên hệ với bà Th., bà chối phăng: “Em còn chẳng biết ông Cường bên đó là ai. Em đang làm ở công ty bảo vệ an ninh T.S., chẳng liên quan gì XKLĐ, chỉ vì thấy hai em nó tha thiết đi lao động ở Nga, và vì em có đứa cháu sang đó đã bảy năm, nên em giúp. Chẳng may một đứa bệnh phải về nước, còn đứa kia lười lao động, không chịu làm. Mấy lần trước em giới thiệu ai đi cũng tốt, lần này ông chủ bên đó chửi em quá trời...”.

Ngay trong ngày 31/12, báo Phụ Nữ đã chuyển toàn bộ thông tin này đến Đại sứ quán VN tại Nga và Sở Ngoại vụ TP.HCM, đề nghị can thiệp.

CÔNG AN VÀO CUỘC, “CÒ” ÚT NHỊ VẪN CHẲNG SỢ

Trở lại đường dây của Út Nhị, ngày 31/12, bà Cao Thị Gái - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã thông tin cùng báo Phụ Nữ: “Lãnh đạo huyện chỉ đạo Công an huyện Củ Chi vào cuộc ngay lập tức. Sáng nay, Công an huyện cho biết đã tiếp nhận đơn tố giác của những người bị hại và bộ phận an ninh đang tiến hành điều tra. Trước mắt, huyện thông tin đến tất cả các xã, thị trấn, đồng thời chỉ đạo hệ thống phát thanh đưa tin cảnh báo cùng toàn thể nhân dân về những đường dây lừa đảo XKLĐ. UBND huyện cũng sẽ chỉ đạo các ban ngành khác như Kinh tế, LĐ-TB-XH tiến hành kiểm tra và có báo cáo nhanh”.

Ngay sau khi bài báo đầu tiên về đường dây môi giới lừa người XKLĐ bất hợp pháp sang Nga được đăng tải, các cơ quan công an, chính quyền ráo riết vào cuộc, thì "cò" Út Nhị đã đến nhà bà Đinh Thị Vân, cô Nguyễn Phú Kim Ngân để đe dọa, thách thức. Bà Vân bức xúc: “Tôi đang bán ở quán thì có một phụ nữ trẻ, đeo khẩu trang, bước vào hỏi: “Ở đây đưa người đi XKLĐ phải không?”, tôi ngước lên nói: “Ở đây không lừa đảo, qua tìm Út Nhị đi!" thì bên kia đường, Út Nhị ngồi trên xe gắn máy la lớn: con mày làm biếng, qua đó cặp bồ cặp bịch, không chịu làm mới phải về nước, giờ đi tố cáo ai”.

Cũng trong ngày này, gia đình anh Trần Văn Thái và anh Nguyễn Quốc Toàn đều bị quấy rối. Anh Toàn cho biết: “Tôi gọi sang Nga, Thái bảo tôi, anh muốn yên ổn sống để kiếm tiền đưa về cho cha mẹ già trả nợ. Giờ mọi chuyện bung bét, anh sắp nguy hiểm rồi”. Anh Toàn còn cung cấp cho phóng viên hàng loạt tin nhắn mà Kiệt, con trai bà Út Nhị từ Nga gửi về đe dọa vợ anh đi thưa kiện với nội dung cực kỳ thô tục.

Anh Phan Cao Tùng, sinh năm 1985, ở ấp Phước An, xã Phước Thạnh, một nạn nhân khác của Út Nhị vừa trốn thoát về nước nói: “Hễ thanh niên thì bà nói lười lao động, còn phụ nữ thì bà nói lo yêu đương, cặp bồ. Cả tôi là bà con mà Út Nhị cũng tung tin như vậy. Thử hỏi, khi gom góp tài sản, gán nợ nần để sang xứ người với hy vọng đổi đời, nhưng đến cái nơi khỉ ho cò gáy, lạnh buốt xương, còn có nguy cơ mất mạng vì cảnh sát đuổi đánh do cư trú bất hợp pháp, ai chẳng muốn trở về quê hương xứ sở. Chỉ có điều các anh chị em vì nghèo, vì không biết đường dây và cũng vì tủi hổ, sợ gia đình muộn phiền, lo lắng nên không dám thông tin về cho gia đình”.

Sáng 1/1/2015, anh Toàn cho biết: hai tấm giấy nhận người đi XKLĐ được dán trước nhà bà Út Nhị đã được gỡ bỏ.

Co quan chuc nang vao cuoc vu 'hang loat nguoi Viet bi lua sang Nga lao dong chui'

Bà Th. (trái ) và bà L., người đại diện nhận 1.000 USD chuộc con từ bà Hạnh để Cường (ở Nga) mua thuốc thang và vé máy bay cho Sang về nước

PHẢI MẠNH TAY!

Nhằm tránh những thông tin sai lệch, mượn danh, một lần nữa, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM khẳng định: “Từ rất lâu Sở LĐ-TB-XH không làm nhiệm vụ đưa người đi XKLĐ”. Về việc một số người trong đường dây "cò" Út Nhị lợi dụng danh nghĩa làm việc ở trụ sở của Sở LĐ-TB-XH (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh), ông Võ Trung Tâm, Chánh văn phòng Sở này còn cho biết, ở địa chỉ này không có đơn vị nào có chức năng XKLĐ. Công ty dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (SULECO - 635A Nguyễn Trãi, Q.5, trước đây trực thuộc Sở, hiện đã cổ phần hóa) từ mấy năm qua cũng không hề có chương trình XKLĐ đi Nga”. Về các đơn tố giác, các cơ quan chức năng hữu quan đều cho biết sẽ vào cuộc điều tra và sớm có phản hồi.

Luật sư Phạm Lĩnh Sơn - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Lâu nay nhiều đường dây môi giới lừa đảo người đi XKLĐ chui được phanh phui, hàng ngàn người lao động đã bị lừa, thế nhưng tôi thấy các cơ quan chức năng còn hờ hững. Pháp luật đã quy định rõ ràng việc xử lý hành vi lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thế nhưng quá ít cơ quan chức năng vận dụng. Vì thế người lao động cứ phải chịu thiệt thòi.

Riêng vụ việc bà Út Nhị, qua thông tin của những người dân tố giác, cho thấy các vi phạm rất rõ ràng. Các cơ quan chức năng nếu phối hợp đồng bộ, kể cả việc liên hệ Sở Ngoại vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, tiếp cận những nạn nhân, ắt sẽ vạch trần được hành vi vi phạm pháp luật. Ngay cả với đường dây của bà Th. ở Q.8, dù công ty bên Nga có đăng ký hoạt động thì đây cũng là một đường dây môi giới lao động bất hợp pháp cần kiểm tra, ngăn chặn.

Việc đi loan tin, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm những người đã bị mình lừa của bà Út Nhị và những người liên quan cũng là một hành vi bị pháp luật dân sự lẫn hình sự chế tài. Cụ thể, điều 604, Bộ luật Dân sự quy định: "Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường".

Điều 121 Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm...”.

Nhóm PV CTXH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI