Cơ chế phù hợp để TP.HCM phát triển ắt tạo ra thế 'nước lên, thuyền lên'

08/11/2017 - 10:40

PNO - Đóng góp hàng đầu cho ngân sách quốc gia, là đầu tàu kinh tế, đón lượng lớn dân cư đến sinh sống, hơn bao giờ hết TP.HCM rất cần phát huy tối đa tính chủ động để phát triển hơn, tiếp tục “cùng cả nước, vì cả nước”

Xung quanh vấn đề Quốc hội chuẩn bị thông qua nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm phát triển TP.HCM bền vững, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng đương nhiệm.

TP.HCM có cơ chế phù hợp, các vùng lân cận được chắp cánh

- Một thành phố có vai trò đầu tàu đặc biệt như TP.HCM nếu được tạo cơ chế phù hợp, điều kiện tối đa để phát triển thì sẽ có sức bùng lên rất lớn. Cụ thể, để có sức bùng đó, TP.HCM cần phải củng cố những gì, thưa ông?

Co che phu hop de TP.HCM phat trien at tao ra the 'nuoc len, thuyen len'
TP.HCM đang cần cơ chế đặc thù để phát triển hơn nữa

- Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên: TP.HCM đang có quá nhiều nút thắt như hạ tầng đô thị còn kém, còn ách tắc giao thông, úng ngập, ngân sách thu hẹp, chất lượng lao động chưa cao, năng lực bộ máy chính quyền chưa như kỳ vọng, nguồn vốn cạn kiệt. TP.HCM cần có một nguồn vốn lớn gấp 10 lần hiện nay mới có thể giải quyết những vấn đề này.

Nhưng, để giải quyết những nhược điểm đó, vấn đề không phải là tiền, mà TP.HCM cần có cơ chế vượt hẳn lên cả nước. TP.HCM cần được trao nhiều quyền hơn nữa, như quyền tự chủ, bảo đảm cơ chế, chính sách phù hợp với vai trò, chức năng của một siêu đô thị và đầu tàu để hoạt động hiệu quả, hợp lý hơn. 

- Và nếu được hưởng cơ chế đặc thù, TP.HCM cần phải làm gì để phát triển xứng tầm? 

- Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên: Song song với phân cấp thì TP.HCM cần được phân quyền nhiều hơn. Sự phân quyền này giúp TP.HCM tự chủ hơn nữa. Nếu được hưởng cơ chế đặc thù, điều đầu tiên cực kỳ quan trọng là TP.HCM phải thay đổi cách thức tổ chức bộ máy chính quyền: được quyền tuyển dụng, xây dựng bộ máy, phân bổ nhân sự, có chế độ thu hút đội ngũ trí thức và người tài, trả lương khuyến khích công chức. Bộ máy cần hoạt động hiệu quả và hợp lý hơn, không thể giống một bộ máy ở tỉnh, địa phương. 

Tiếp theo là ngân sách. TP.HCM đang nộp ngân sách cho trung ương quá nhiều (từ ngày 1/1/2017, TP.HCM chỉ được giữ lại 18% ngân sách, giảm 5% so với trước đó - PV) khiến nguồn lực cạn kiệt. Hơn nữa, hiện nay TP.HCM lọt thỏm trong cơ chế phân - cho, muốn có thêm, phải vướng cơ chế xin - cho từ trung ương. Thay vì vậy, TP.HCM cần được cấp ngân sách riêng của địa phương chứ không phải chỉ có ngân sách trung ương, để bảo đảm chủ động phát triển, kịp thời xử lý vấn đề của mình.  

Co che phu hop de TP.HCM phat trien at tao ra the 'nuoc len, thuyen len'
Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang gặp khó khăn vì thiếu vốn thanh toán cho nhà thầu.

Thứ ba là về đầu tư. TP.HCM phải được quyền chủ động kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư. Hiện nay, nhiều dự án phát triển với tư cách  đầu tàu nhưng trung ương chịu trách nhiệm, rơi vào tình trạng khan vốn. Trong khi đó, nếu cho phép tự chịu trách nhiệm, cho phép tái lập quỹ đầu tư phát triển, TP.HCM có năng  lực huy động nguồn vốn lớn từ tư nhân gấp 10 lần hiện nay, cụ thể như cho dự án đường sắt. 

Vì vậy, TP.HCM phải có quyền, chức năng phù hợp với một đô thị hiện đại, tạo điều kiện cho TP.HCM xử lý vấn đề của mình một cách kịp thời. Theo tinh thần như thế, TP.HCM sẽ có động lực bùng lên. Cấu trúc TP.HCM nếu được phân quyền nhiều hơn cũng sẽ tạo đột phá rất nhanh để thực sự trở thành một siêu đô thị, đầu tàu kéo theo sự tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước. 

- Khi có cơ chế đặc thù, vai trò siêu đô thị và đầu tàu của TP.HCM sẽ được hiểu như thế nào? Các tỉnh sẽ được những lợi ích gì, thưa ông?

- Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên: Lúc này, lập tức các tỉnh lân cận được hưởng lợi ích ngay. Trong vai trò siêu đô thị, TP.HCM sẽ là trung tâm lớn có sức tiêu dùng mạnh mẽ, sẽ tạo ra tác dụng đẩy. Trong vai trò đầu tàu, TP.HCM sẽ có tác dụng kéo. Hợp lực kéo và đẩy của TP.HCM sẽ khiến kinh tế các tỉnh lân cận và cả nước đi lên.

Co che phu hop de TP.HCM phat trien at tao ra the 'nuoc len, thuyen len'
 

Lúc này, TP.HCM sẽ có hạ tầng hiện đại, các kết nối với các tỉnh lân cận (trọng điểm là miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và miền Tây Nam bộ như Long An, Tiền Giang…) sẽ diễn ra trực tiếp và lan rộng trên nhiều phương diện: giáo dục, thương mại, dịch vụ, thị trường lao động.  

Khi sức tiêu dùng TP.HCM lên cao, các tỉnh này có thể trở thành vùng cung cấp nguyên liệu, lương thực, thực phẩm với khối lượng lớn và sản phẩm cao cấp, mức giá tốt cho TP.HCM. Hoặc khi TP.HCM phát triển vượt bậc về giáo dục, hay khi trở thành một trung tâm công nghệ cao, chắc chắn TP.HCM sẽ hấp dẫn các trí thức, doanh nghiệp, nhân lực trong quỹ đạo này.

Đó là những tác động có thể thấy rất rõ. Ngoài ra, khi logistic ở TP.HCM tốt, sẽ giúp chi phí kinh doanh, sản xuất, thương mại ở các tỉnh vùng ven giảm đáng kể. Có rất nhiều lợi ích mà hiện tại chưa thể đong đếm được. Sự kết hợp tốt của TP.HCM cùng các vùng lân cận sẽ tạo một sự đột phá thực sự để phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. 

- Xin cảm ơn ông! 

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Thành phố phát triển được thì số tuyệt đối của ngân sách sẽ tăng

Xin ông cho biết những điểm chính trong dự thảo nghị quyết mà sắp tới Quốc hội (QH) có thể thông qua cho TP.HCM?

- TS Trần Du Lịch: Nên hiểu cơ chế chính sách thí điểm để phát triển TP.HCM bền vững sắp thông qua là cơ chế phù hợp với tầm vóc, quy mô của thành phố (TP), chứ không phải đặc thù. Thí điểm ở đây theo nghĩa cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách mà hiện nay luật pháp chưa quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp. Dĩ nhiên điều này vẫn bảo đảm không trái với Hiến pháp.

Cơ bản dự thảo có 5 nội dung. Một là cơ quan quản lý đô thị và đất đai. Hai là về đầu tư, HĐND TP có quyền quyết định chủ trương đầu tư quy mô nhóm A, sử dụng ngân sách của TP. Hoặc một số trường hợp TP được quyền chỉ định thầu trong các hợp đồng đối tác công tư.

Điểm thứ ba, tôi cho rằng quan trọng nhất là vấn đề quản lý tài chính, ngân sách. Vấn đề rất quan trọng là cho TP chủ động hơn trong việc quyết định một số khoản chi, tạo cơ chế cho TP tăng nguồn thu, chủ động chi. Điểm thứ tư là quản lý hành chính. Điểm cuối cùng là cho phép TP được quyết định cơ chế thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của mình.

Co che phu hop de TP.HCM phat trien at tao ra the 'nuoc len, thuyen len'
TP đề xuất được quyết định cơ chế thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của mình.

- Ông có thể gói gọn ý nghĩa của cơ chế mới cho TP.HCM?

- TS Trần Du Lịch: Nôm na là một số chính sách hiện nay theo luật định là thẩm quyền của Thủ tướng nhưng phân cấp cho TP.HCM ra quyết định. Một số quy định mới về thuế, phí, lệ phí thuộc thẩm quyền QH thì nay chuyển cho UBTV QH quyết định. Tức phân quyền nhiều hơn cho TP.

- Vấn đề ở đây có phải bàn nhiều về tỷ lệ điều tiết trong thu chi ngân sách, một vấn đề rất “tế nhị” đối với TP.HCM không, thưa ông?

- TS Trần Du Lịch: Cơ chế mới hoàn toàn không phải là điều chỉnh lại tỷ lệ phân chia bởi vấn đề % điều tiết đã có quy định hết rồi. Tất cả cơ chế ở đây lại nhằm giải quyết vấn đề tăng nguồn vốn đầu tư cho TP về hạ tầng. Việc chủ động tăng đầu tư như thế lại không làm giảm đi phần điều tiết về trung ương.

Nói cách khác, “nước lên thuyền lên”, tức là tạo ra ngân khoản lớn hơn thì dù theo tỷ lệ phân chia nào, trung ương cũng được nhiều, TP cũng được nhiều. Nghĩa là tăng con số tuyệt đối lên, để làm sao tăng nguồn thu của TP mà không ảnh hưởng nguồn thu chung, không ảnh hưởng đến việc trung ương phân bổ cho các địa phương khó khăn. Bởi ai cũng biết, lâu nay, TP.HCM chỉ xin cơ chế, không xin tiền.

Dù thực tế, tỷ lệ điều tiết hiện nay để lại cho TP rất thấp. Do đó, ta nghĩ một cơ chế làm sao cho TP tự chủ. Nghĩa là không chia “cái bánh” hiện nay nữa mà làm cho “cái bánh” lớn lên. Tỷ lệ điều tiết chia nhau không thay đổi nhưng con số tuyệt đối đều tăng.

Đơn cử nguồn thu sắp tới rất quan trọng đó là phần vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý sẽ để lại cho TP hầu tạo nguồn “vốn mồi” để thu hút các thành phần ngoài khu vực nhà nước đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nhìn chung, các cơ chế chính sách mới tạo quyền tự chủ hơn cho TP. Thay vì xin ngân sách thì TP xin chủ động tạo nguồn thu, tạo cơ chế chủ động trong thu chi, tạo điều kiện để TP cải cách thủ tục hành chính, tổ chức lại bộ máy hiệu quả hơn.

- Cơ chế để TP.HCM phát triển phù hợp chắc chắn cũng có lợi cho các tỉnh thành khác chứ không riêng gì TP, đúng vậy không thưa ông?

- TS Trần Du Lịch: Có ba cái lợi chung. Thứ nhất,với cơ chế này, TP phát triển được thì số tuyệt đối của ngân sách sẽ tăng, “cái bánh” sẽ lớn hơn, và như vậy tỷ lệ điều tiết của TW không thay đổi, giúp cho ngân sách quốc gia hỗ trợ các địa phương khó khăn.
Thứ hai, nếu TP phát huy được vai trò đầu tàu thì tác động lan tỏa đến các khu vực nhất định, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm.

Co che phu hop de TP.HCM phat trien at tao ra the 'nuoc len, thuyen len'
Kẹt xe và ngập nước là hai khó khăn TP.HCM đang đối diện

Thứ ba, nếu sau 5 năm tổng kết thành công sẽ áp dụng cho một số TP khác. Khi đó đã có đủ cơ sở để hoàn thiện chính sách tốt hơn nữa từ kinh nghiệm thí điểm của TP.HCM.

- Cơ chế để TP.HCM phát triển phù hợp sẽ tác động như thế nào đến người dân TP, thưa ông, bởi thoạt nghe đã thấy hàng loạt thứ thuế mới, phí, lệ phí mới?

- TS Trần Du Lịch: Chắc chắn người dân sẽ bị ảnh hưởng nhưng tôi cho rằng đó là những ảnh hưởng giúp tạo ra những điều hợp lý. Cũng không phải hàng loạt thứ phí mới mà là lâu nay có dự kiến một số cái mức phí cao hơn ở đô thị như mức phạt vi phạm hành chính của TP.HCM phải hơn ở Lai Châu, mới có tính răn đe hơn, bởi 100.000 đồng phạt hành vi phóng uế, xả rác ở đây khác 100.000 đồng ở đó.

Hoặc hiện nay, chủ yếu dựa vào thuế gián thu như VAT. Bản chất thuế này là thuế bất công cho người nghèo vì thu nhập nghèo hay giàu ra chợ mua bó rau cũng bị đánh thuế như nhau.

Cơ chế mới cho phép HĐND TP có quyền quyết định thu phí những dự án nhà cao tầng để lấy phí đó giải quyết giao thông, hạ tầng điện nước, vệ sinh môi trường. Muốn điều tiết dân cư, TP chủ động tạo ra những mức phí cao hơn với những địa bàn mà mình không muốn tập trung đông dân cư. Ví dụ đánh thuế về bất động sản những ai ở những nơi sang trọng, giá cao, phải đóng thuế nhiều hơn để bù đắp.

Thật ra, những nội dung sắp tới thông qua là phần riêng rất quan trọng về phân cấp, phân quyền của đề án Chính quyền đô thị trước đây. Bản chất cơ chế này không gọi là đặc thù, mà là cơ chế chính sách thí điểm phù hợp với quy mô TP. Giúp cho TP có thể huy động tốt hơn nguồn lực để phát triển.

- Xin cảm ơn ông. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội): Các tỉnh lân cận sẽ kết nối với thành phố để cùng phát triển

Việc cho TP.HCM một cơ chế đặc thù là để tạo ra điều kiện khai thác tốt nhất các nguồn lực, cơ hội, tiềm năng mà thành phố này có. Bằng cơ chế này, tự thân TP.HCM sẽ khai thác và tạo ra được các nguồn lực phát triển, chứ không nhất thiết Nhà nước phải đầu tư thêm tiền. Ví dụ như việc xây dựng tàu điện ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông công cộng, TP.HCM có thể có cơ chế khai thác quỹ đất, khai thác không gian ngầm để vừa tạo ra ngân sách phát triển, vừa tạo ra được nguồn lực thu hút nhà đầu tư… 

Cần lưu ý rằng, cơ chế này không phải chỉ tạo ra nguồn lực phát triển riêng cho TP.HCM mà còn tạo ra tác động lan tỏa sang các vùng lân cận. TP.HCM sẽ thu hút được các nhà đầu tư, mối quan hệ kinh tế với các khu vực khác trên thế giới và trở thành trung gian trao đổi sản phẩm, tạo dựng các mối quan hệ kinh tế cho cả các tỉnh lân cận. 

Khi đó, mỗi tỉnh và mỗi vùng lân cận đó sẽ tìm ra thế mạnh phù hợp nhất để tạo ra vệ tinh. Vệ tinh ở đây không chỉ là đô thị mà còn là vệ tinh của các hoạt động kinh tế, kinh doanh, kết nối với TP.HCM để cùng phát triển.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (tỉnh Thừa Thiên - Huế): Thành phố đã mặc một chiếc áo quá chật chội 

Khi cho cơ chế đặc thù để TP.HCM phát triển, cái khó nhất là sẽ động tới các luật hiện hành, có những điều chưa được quy định trong luật. Vì vậy, cần thiết phải có một nghị quyết của Quốc hội cho phép một số chính sách, quy định không phù hợp với luật hiện hành vẫn được chấp nhận. 

Có những nơi, có cho cơ chế đặc thù cũng không làm được. TP.HCM là một thành phố năng động và giàu tiềm năng, nhưng như họ đã nói, họ đã mặc một cái áo quá chật thì phải cởi trói cho họ. Sau khi cho cơ chế đặc thù thì chính sách phải là “cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước”. 

Khi TP.HCM càng phát triển, càng thu ngân sách nhiều thì đóng góp cho ngân sách nhà nước càng lớn. Nhà nước lấy nguồn ngân sách đó để điều phối cho các tỉnh, bộ, ngành. Bên cạnh đó, đây sẽ trở thành “điểm sáng” tạo công ăn việc làm, thu hút các nguồn vốn nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (tỉnh Bến Tre): Tạo đầu tàu kéo các toa 

Quan điểm của tôi là ủng hộ TP.HCM. Chúng ta không dàn đều, dàn trải nữa mà tập trung cho những nơi có năng lực thật sự để từ đó tạo được bước phát triển mới cho đất nước.

TP.HCM là trung tâm kinh tế - chính trị của đất nước nên dân cư ở các nơi khác dồn về nhiều. Do đó, cơ chế cần có đầu tiên cho TP.HCM là về tài chính, để từ đó thúc đẩy cải tiến hạ tầng. Đừng nghĩ rằng TP.HCM có cơ chế đặc thù là một sự ưu ái khiến nhiều địa phương khác cũng muốn đề xuất tương tự. Bởi cơ chế này là tạo đầu tàu kéo các toa chứ không phải là tạo đặc quyền, đặc lợi cho từng địa phương. Ai cũng muốn xin cơ chế riêng, sẽ tạo ra tình trạng cát cứ. TP.HCM chỉ xin cơ chế để thúc đẩy phát triển.

Thủy Nguyễn - Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI