'Chuyện tình Khau Vai': Phép thử cho sàn diễn cải lương thời 4.0

07/06/2019 - 18:48

PNO - Khởi động cuối tháng 3/2019, 'Chuyện tình Khau Vai' gây chú ý nhờ những cách làm rất mới của sân khấu cải lương.

Những ngày này, vở cải lương Chuyện tình Khau Vai (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể và đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) đang gấp rút tập luyện để kịp ra mắt ngày 8-9/6. Khởi động cuối tháng 3/2019, Chuyện tình Khau Vai gây chú ý nhờ những cách làm rất mới của sân khấu cải lương.

Dựng vở, không chỉ là lên sàn

Giữa tháng 5/2019, hình ảnh một góc thôn Khau Vai nằm lọt thỏm giữa mênh mông rừng núi, đẹp như một bức tranh, được đăng tải trên fanpage Chuyện tình Khau Vai, đã gây ấn tượng đặc biệt cho công chúng. Loạt poster cũng thú vị với hình ảnh đặc tả các nghệ sĩ (NS) trong trang phục và tâm trạng của nhân vật, trên nền hình ảnh hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc. Cùng với hình ảnh, clip về Khau Vai, fanpage của tác phẩm còn có nhiều thông tin về vở diễn, hình ảnh các nhân vật, hình ảnh tập luyện, mini game đố vui với phần thưởng là vé xem tác phẩm... 

'Chuyen tinh Khau Vai': Phep thu cho san dien cai luong thoi 4.0
Poster ấn tượng của Chuyện tình Khau vai

Mở fanpage cho một tác phẩm, cập nhật hình ảnh, thông tin, chuyện hậu trường, mở kênh bán vé… là những việc làm còn khá mới ở lĩnh vực cải lương. Điều ít ai ngờ là: tất cả hình ảnh Khau Vai, núi rừng Đông Bắc và cả những đoạn clip về Khau Vai trên fanpage, poster, vé… đều được ghi lại trong chuyến đi thực tế Khau Vai - quê hương nàng Út và chàng Ba - nguồn cảm hứng để hình thành kịch bản Chuyện tình Khau Vai.

Các NS đã vượt hàng ngàn ki-lô-mét để trải nghiệm không gian văn hóa của Khau Vai, cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc, để hiểu hơn mảnh đất, con người sẽ được họ tái hiện. Đây là điều chưa có tiền lệ ở lĩnh vực sân khấu. Các NS đã đến, quan sát cuộc sống, gặp gỡ người dân địa phương, nghe họ kể lại truyền thuyết tình yêu của nàng Út, chàng Ba - những người được họ ngưỡng mộ, lập đền thờ. NS cũng đã được chạm tay vào những vật dụng trong gia đình của đồng bào dân tộc, nghe giải thích cách sử dụng từng loại vật dụng...

Ngoài việc tổ chức một chuyến đi, đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên còn khát khao mang cả không gian văn hóa Đông Bắc trưng bày ở sảnh nhà hát Trần Hữu Trang, nhằm mang đến cho công chúng nhiều thông tin nhất có thể về vùng đất ấy, để khán giả có cảm xúc trọn vẹn, đầy đặn hơn khi xem Chuyện tình Khau Vai. Ông đến các thôn bản, nài nỉ bà con nhượng lại những món đồ đang được sử dụng: chiếc cối cũ, lưỡi cày gỗ, chiếc đàn cổ của người Mông, máy dệt sợi lanh, lù cở (gùi tre)...

'Chuyen tinh Khau Vai': Phep thu cho san dien cai luong thoi 4.0
NSƯT Quế Trân, NSƯT Khải Trần và NSƯT Lê Tứ trong chuyến đi thực tế Khau Vai

Giờ G

Đã khá lâu, sân khấu cải lương mới có lại không khí tập tuồng tập trung như ở Chuyện tình Khau Vai. Lịch tập tuồng được sắp xếp trước 2 tháng. Thời gian tập tập trung từ 9g30 - khoảng 16g. Trên sân khấu những NS có lớp tập với đạo diễn. Nơi góc phòng NS nhiều kinh nghiệm góp ý về những lớp diễn, cách phối hợp khi lên sàn với NS trẻ. Ngoài mảng miếng, tổng thể vở diễn, đạo diễn cũng chăm chút từng chi tiết diễn xuất của NS - điều hiếm thấy trong dàn dựng hiện nay. Nhiều chi tiết nhỏ cũng được yêu cầu làm đi làm lại, để có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các NS, sự liên tục, hợp lý giữa ca diễn, thoại lời và hành động của nhân vật.

Giọng ca khác biệt vùng miền giữa chàng Ba (NSƯT Quang Khải) và nàng Út (NSƯT Quế Trân) - nỗi lo lớn khi kết hợp NS hai miền Nam - Bắc đã phần nào được hóa giải. Từng luyện ca cải lương và thoại lời bằng giọng miền Nam, NS Quang Khải đã quyết tâm và nỗ lực gấp đôi để hòa giọng cùng nàng Út và ê-kíp NS tham gia vở.

Chuyến đi thực tế ở Khau Vai còn làm thay đổi cả cách xây dựng tính cách nhân vật của các NS. “Khi đọc kịch bản, tôi hình dung sẽ thể hiện nhân vật tộc trưởng là người gia trưởng, độc tài. Nhưng lên Khau Vai, tiếp xúc với người dân ở đây, tôi nhận ra rằng, kiểu áp đặt của tộc trưởng không xuất phát từ bản chất hà khắc, độc đoán, mà được hình thành do lối sống còn nặng những hủ tục, tập quán xưa cũ. Tôi đã tìm cách xây dựng nhân vật tộc trưởng phóng khoáng hơn, tự do hơn, nhưng bị ràng buộc bởi những tập tục của tổ tiên” - NSƯT Lê Tứ chia sẻ.

'Chuyen tinh Khau Vai': Phep thu cho san dien cai luong thoi 4.0
Chuyện tình Khau Vai đang ở giai đoạn nước rút để ra mắt tối 8/6

Ngỡ nàng Út rất gần với ngoại hình, tính cách và những vai diễn từng đảm nhận, nhưng NSƯT Quế Trân cho biết, mình đã có cách nhìn rất khác về nhân vật, sau chuyến đi Khau Vai: “Không lạ lẫm với cuộc sống khó khăn của đồng bào miền núi phía Bắc, nhưng tôi ngạc nhiên và khâm phục sự hồn nhiên, lạc quan của họ. Quan sát những phụ nữ, bé gái ở Khau Vai, nhìn bức tượng bán thân của nàng Út ở đền thờ, tôi nhận ra, dù ở hoàn cảnh sống nào, họ cũng không yếu mềm, chỉ biết than khóc cho số phận. Họ có đủ mạnh mẽ để hiện thực hóa khát vọng tự do, khát vọng được sống cho chính mình và dám đấu tranh để bảo vệ tình yêu”.

Nhiều NS đã chạm được vào cảm xúc của nhân vật, để sống với chính cảm xúc đó, khóc cười với nhân vật ngay trong từng buổi tập. Từng được đánh giá là khá liều khi chọn câu chuyện, bối cảnh vùng Đông Bắc để ra mắt sân khấu cải lương mới ở TP.HCM, nhưng những gì ê-kíp sáng tạo Chuyện tình Khau Vai đang thực hiện đủ để hy vọng về một cách làm mới trong tiếp cận và tìm kiếm khán giả cũng như nâng chất lượng tác phẩm. 

 Đạo diễn – NSƯT Triệu Trung Kiên

Đại Việt sẽ không tự trói mình, giới hạn sự sáng tạo

Sau lần “thử nghiệm” phối hợp cải lương hai miền Nam - Bắc bằng vở cải lương Thầy Ba Đợi, NSƯT Triệu Trung Kiên- Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam đã quyết định Nam tiến cùng NSƯT Quang Khải, kết hợp với soạn giả Hoàng Song Việt lập ra sân khấu cải lương Đại Việt. Chuyện tình Khâu Vai là vở diễn đầu tiên của Đại Việt.

Phóng viên: Chuyện tình Khâu Vai từng được dàn dựng cách đây 6 năm ở Nhà hát cải lương Việt Nam, bản dựng lần này sẽ có gì thay đổi so với bản dựng trước?

NSƯT Triệu Trung Kiên: Chuyện tình Khâu Vai đã là kịch bản đã khá hoàn chỉnh nên bản dựng lần này không có quá nhiều khác biệt so với bản dựng với các NS Nhà hát Cải lương Việt Nam trước đây. Sự khác biệt lớn nhất chỉ là những sáng tạo riêng của các nghệ sĩ . Đây cũng là điều cho tôi nhiều hứng thú nhất trong lần dàn dựng này.            .

Kịch bản Chuyện tình Khâu Vai vốn rất giản dị, trên chất  liệu đó, tôi mong muốn vở diễn cũng thật dung dị như chính con người và mảnh đất Khâu vai. Không sử dụng nhiều chiêu trò khi dựng nhưng phải làm sao để khán giả có được những cảm xúc mạnh mẽ, day dứt với từng số phận nhân vật là mong muốn lớn nhất cuả tôi.

*Một số ý kiến lo ngại khi Đại Việt chọn vở diễn có bối cảnh của vùng cao phía Bắc để ra mắt ở TP.HCM. Anh sẽ làm gì để chinh phục khán giả miền Nam ở tác phẩm “chào hàng” này?

- Ngay từ sáng lập SK Đại Việt, chúng tôi đã đặt ra cho mình tiêu chí không tự bó buộc mình vào bất kỳ một giới hạn, phong cách nào khi dựng vở. Đại Việt sẽ làm tất cả những gì có thể, nhưng không làm méo mó, biến dạng cải lương. Tất cả những sáng tạo đều được dựa trên nền tảng, nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật cải lương. Chúng tôi ước muốn khán giả không sẽ “đóng khung” cải lương ở bất kỳ một góc nhìn, quan điểm nào để không làm mất đi những tiềm năng của nghệ thuật cải lương vẫn chưa được khai thác hết.

Rất có thể với một không gian văn hoá hoàn toàn mới lạ, Chuyện tình Khâu Vai sẽ là “món ăn” tinh thần hấp dẫn công chúng miền Nam. Cũng có thể với tác phẩm đầu tiên khán giả còn chưa quen hoặc chưa thích, nhưng chúng tôi không dừng lại ở một tác phẩm mà sẽ cố bằng một chuỗi kế hoạch tiếp theo với những tác phẩm được đầu tư, dàn dựng chỉn chu, nghiêm túc. Hy vọng khán giả sẽ nhìn nhận nỗ lực của SK Đại Việt để dần chấp nhận, yêu mến và đến với SK Đại Việt.

* Vì sao là SK cải lương Đại Việt mà không phải là tên gọi khác?

- Thành lập SK Đại Việt, chúng tôi hướng đến xây dựng một ngôi nhà chung, nơi tất cả nghệ sĩ cải lương và những người có đam mê, tâm huyết với cải lương ở khắp mọi miền đất nước cùng hội tụ về, chung tay gầy dựng một sân khấu cải lương để phục vụ khán giả mộ điệu. Đó còn là khát vọng về một đất nước Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt, trong đó có cả văn hoá.

* Cám ơn anh

Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI