Chuyện tình Khau Vai: Bức tranh đẹp miền Tây Bắc

20/07/2014 - 03:32

PNO - PNO - Ngày xưa, xưa lắm, trên đỉnh Khau Vai có nàng Út xinh đẹp, con của Tộc trưởng người Giáy giàu có...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyen tinh Khau Vai: Buc tranh dep mien Tay Bac

Nàng đem lòng yêu thương chàng Ba - con của một bà mẹ Nùng nghèo khó. Luật lệ bao đời của dòng tộc Giáy, con Tộc trưởng không được lấy người ngoài tộc, hơn nữa nhà chàng Ba lại không môn đăng, hộ đối.

Ngang trái với chàng Ba và nàng Út không chỉ có vậy, tình yêu của họ càng không thể thành sự thật bởi ngày xưa, cha nàng Út và mẹ chàng Ba cũng từng yêu nhau say đắm nhưng không đến được với nhau cũng vì những hủ tục có từ bao đời trước.

Chuyen tinh Khau Vai: Buc tranh dep mien Tay Bac

Yêu thương nhau, không thể sống thiếu nhau, nàng Út, chàng Ba quyết tâm bỏ trốn lên núi cao để được cùng nhau sống đến trọn đời. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang. Quá nhiều biến cố xảy ra với gia đình khiến cả hai đành gạt nước mắt chia tay với lời hẹn ước “Ngày này năm sau sẽ lên núi để gặp lại nhau”.

Tình yêu trắc trở của nàng Út, chàng Ba vốn được xem là sự tích của Chợ tình Khau Vai diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm tại Mèo Vạc, Hà Giang đã được tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết thành kịch bản thơ, sau đó đã được NSƯT Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương và dàn dựng trên sân khấu Nhà hát cải lương Việt Nam vào cuối năm 2013.

Chuyen tinh Khau Vai: Buc tranh dep mien Tay Bac

Ấn tượng đầu tiên của Chuyện tình Khau Vai là sân khấu đẹp như một bức tranh. Vùng núi Tây Bắc bỗng trở nên thật gần gũi, sống động với những cánh hoa đào tươi thắm, với đỉnh núi mù sương hay những lễ hội nhộn nhịp với những chàng trai cô gái trong những bộ trang phục đặc trưng của vùng cao Tây Bắc. Trong không gian đó, phần âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Đài đã góp phần không nhỏ để bức tranh Tây Bắc hoàn chỉnh hơn, nhiều sắc màu hơn.

Một trong những điều khiến không ít khán giả miền Nam lần đầu tiên được xem cải lương Bắc đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác là khả năng diễn xuất chỉn chu, bài bản và những cách luyến láy rất riêng giúp mỗi giọng ca đều mang đậm dấu ấn cá nhân của những diễn viên cải lương đất Bắc.

Chuyen tinh Khau Vai: Buc tranh dep mien Tay Bac

Vốn là một gương mặt không còn xa lạ với khán giả miền Nam, diễn viên Nguyễn Minh Hải (giải Ba Chuông vàng Vọng cổ 2013) tiếp tục chứng minh bản lĩnh và khả năng ca diễn của mình với vai diễn Cố Sầu - kẻ đầy tham vọng và mưu mô, thủ đoạn, sẵn sàng đạp lên tất cả để dọn đường đi cho mình.

Nàng Út của Ninh Thị Như Quỳnh cũng là một nét chấm phá đẹp. Mang vóc dáng, khuôn mặt và giọng ca ngọt ngào của đào thương, cô đào trẻ đã để lại cho khán giả miền Nam những ấn tượng đẹp nhờ lối diễn nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy đặn cảm xúc.

Câu chuyện buồn nhưng không trở thành bi lụy, đẫm nước mắt nhờ những lớp diễn hài nhẹ nhàng được xen kẽ đúng lúc, tiết chế chừng mực và cái kết vẫn có một cánh cửa để các nhân vật bước qua nỗi khổ đau, thù hận, hướng về những điều tốt đẹp trong tương lai.

Chuyen tinh Khau Vai: Buc tranh dep mien Tay Bac

Vở diễn còn có mặt các diễn viên Trần Khải, Xuân Thông, Dạ Ngọc Hương, Thu Hiền, Quỳnh Hương, Đức Hảo, Lệ Hằng, Bích Nhật và Thiên Kiều. Tất cả các diễn viên, dù thể hiện khá tốt vai diễn của mình hay vẫn còn những hạn chế nhất định trong ca diễn, nhưng đều có một điểm rất chung, dễ dàng cảm nhận khi xem cách họ chăm chút cho nhân vật đó là lửa nghề, là niềm đam mê dành cho nghệ thuật cải lương.

Xuất diễn lúc 20g tối nay (20/7) tại Nhà hát bến Thành (số 6 - Mạc Đỉnh Chi, Q.1, TP.HCM) sẽ mở cửa phục vụ miễn phí cho tất cả khán giả. Sau đó, Nhà hát sẽ tiếp tục biểu diễn tại Đồng Tháp (21/7), Cần Thơ (22/7) và Sóc Trăng (23/7).

Bài, ảnh: THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI