Chuyến tàu lên nóc nhà thế giới

07/12/2024 - 15:58

PNO - Tôi đã ngồi trên hàng trăm chuyến xe lửa khác nhau, không ít chuyến xuyên sa mạc Sahara, cao nguyên mênh mông ở Mông Cổ nhưng cảm giác trải hơn 40 giờ trên tàu lửa Thanh - Tạng thật sự khó quên.

Tôi đã được trải nghiệm rất nhiều chuyến tàu từ trong đến ngoài nước, từ tàu chợ ì ạch chạy đến tàu cao tốc nhanh và êm đến mức để ly nước đầy trên bàn mà không đổ nhưng có lẽ chuyến tàu đến Tây Tạng là khó quên và ấn tượng nhất đối với tôi - một chuyến tàu đi trên tuyến đường sắt cao nhất thế giới.

Chuyến tàu đặc biệt

Đoàn tàu Thanh - Tạng
Đoàn tàu Thanh - Tạng

Thường thì chỉ có 2 cách để đến Tây Tạng: đi máy bay hoặc tàu lửa. Hẳn nhiên đi tàu lửa thì lâu hơn. Vậy nhưng ngồi trên tuyến tàu cao tốc từ Thành Đô (Tứ Xuyên) đến Lhasa chỉ mất 44 giờ thì bõ bèn gì so với chuyện xưa kể rằng cách đây 1.300 năm, công chúa Văn Thành thời Đường phải mất 3 năm mới đến được Lhasa - thủ phủ Tây Tạng - trong cuộc hôn nhân chính trị với vua Tùng Tán Cán Bố của xứ này. Từ khi tuyến đường sắt trên đi vào hoạt động, khách du lịch có thêm cơ hội đi du lịch Tây Tạng với chi phí thấp và an toàn hơn. Tôi cũng không muốn bỏ qua cơ hội được ngồi trên chuyến tàu đặc biệt lên nóc nhà thế giới chu du qua gần 2.000km.

Người ta gọi đó là chuyến tàu Thanh - Tạng, đi trên tuyến đường sắt đầu tiên đến Tây Tạng, xuyên qua vùng cao nguyên vốn được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới".

Chuyến tàu đặc biệt ấy chẳng những giúp du khách thích nghi độ cao một cách từ từ, tránh sự thay đổi độ cao đột ngột, dễ gây choáng mà còn là cơ hội để ngắm những thảo nguyên hùng vĩ tuyệt đẹp. Buổi tối, tôi lên tàu từ Thành Đô, ngủ 2 đêm trên tàu, đổi qua 2 đoàn tàu, đến chiều ngày mốt là đặt chân lên Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng.

Quang cảnh bên ngoài chuyến tàu
Quang cảnh bên ngoài chuyến tàu

44 giờ đồng hồ ấy, ngoài những lúc phải ngủ, còn thì tôi luôn tranh thủ thức để có được nhiều cảm nhận nhất trên chuyến tàu độc đáo hiếm có trên thế giới này. Khi con tàu băng qua cao nguyên Thanh Hải, tôi chợt nhận ra chúng tôi đã đi đến một nơi hoàn toàn khác. Tàu cao tốc mà cứ như thể đang chậm rãi trườn giữa bao la những cánh đồng cỏ khô và núi cao đầy tuyết. Toàn bộ phía Nam của Tây Tạng nằm gọn trong dãy Himalaya, tôi mải ngắm và tự hỏi, liệu có thể ngồi trên tàu mà nhìn thấy Everest hay Namzha, những đỉnh cao nhất, nhì thế giới của dãy núi nổi tiếng này. Ở đây, những dãy núi tuyết trắng khi trùng trùng điệp điệp từ xa lắc, lúc sừng sững ngay sát cửa toa tàu. Ngắm mãi mà chẳng thấy bóng dáng cư dân đâu, chỉ thấy nhiều doanh trại quân đội nằm dọc theo những con lộ tiêu chuẩn.

Càng vào sâu cao nguyên Thanh Tạng, thỉnh thoảng mới thấy bên sườn núi một vài gia đình người Tạng dựa vào nhau trong những ngôi nhà vách và mái làm bằng đất dày để chống gió và rét. Thỉnh thoảng, người Tạng dựng lều bên cạnh đường tàu để trông coi đàn gia súc của họ. Nơi ấy, những chú bò yak yên lành gặm cỏ (Bò yak là loài bò đặc trưng của vùng Himalaya, lông rất dài và rậm. Chúng rất khỏe, được người dân sử dụng để mang vác hàng hóa, lấy sữa). Cảnh vật bình yên và xa vắng, lại thoắt ẩn thoắt hiện qua ô cửa con tàu, cứ trôi đi, trôi đi về phía sau, để tôi thêm suy ngẫm về thời gian.

Đêm ngủ tàu hồi hộp vì… thở ô xy

Bảng thông báo mức độ ô xy trên tàu
Bảng thông báo mức độ ô xy trên tàu

Hành trình Thành Đô - Lhasa gồm 2 đoàn tàu. Đêm đầu tiên trôi qua bình thường. Trưa hôm sau, thấy hành khách lục tục tới lui mà nhân viên trên tàu tuyệt nhiên không biết tiếng Anh, tôi hỏi khắp nơi mới hiểu là phải đổi tàu qua một chuyến tàu khác đang đợi sẵn trong sân ga. Thời gian rất gấp nên ai cũng nhốn nháo mang vác hành lý cho kịp.

Như vậy, sau một hành trình tầm 18 tiếng, tôi cũng như toàn bộ hành khách cùng chuyến đi được đổi qua đoàn tàu thứ hai. Đây là đoàn tàu chuyên dụng đặc biệt có đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc tăng độ cao và thiếu hụt ô xy. (Lượng ô xy càng đến Lhasa càng thấp. Lượng ô xy ở Tây Tạng chỉ bằng 60% mức ô xy bình thường nên du khách đến Tây Tạng thường bị hội chứng say độ cao, choáng, mệt, khó thở kéo dài). Đêm thứ hai trên đoàn tàu chuyên dụng, sau khi đã đi sâu vào cao nguyên Thanh Hải, tôi mới bắt đầu thấm thía.

Đoàn tàu băng qua rất nhiều loại địa hình
Đoàn tàu băng qua rất nhiều loại địa hình

Không biết tiếng Hoa, tôi chẳng thể biết nội dung mà cái loa chặp chặp lại phát lên là gì, những bạn đồng hành nằm cùng khoang cũng không biết. Nhân viên phục vụ trên tàu lại không biết tiếng Anh. Thế là thông tin cứ hóng theo cập nhật của bạn đồng hành đang ở toa khác. Bạn ấy may mắn ở cùng 1 du khách Trung Quốc biết tiếng Anh nên mới biết rằng khuya, khi tàu lên đến độ cao hơn 3.000m, ô xy sẽ được bơm vào các khoang cho khách dễ thở hơn. 11g đêm, tôi leo lên giường nằm, tự nhiên thấy trằn trọc mãi.

Sáng hôm sau, nhiều người cho biết đêm qua ngủ được rất ít. Có người cho là vì uống trà. Không ai để ý tới một chút nhoi nhói ở sau vai. Mấy bọc bánh kẹo, kim chỉ đem theo căng phồng lên, chực chờ bung ra. Cả đoàn uống thuốc chống sốc độ cao theo hướng dẫn. Tôi từng ngủ đêm trên tàu nhiều lần, nhiều nơi nhưng lần này thì lạ thật. Cảm giác hơi nhức đầu một chút. Đó là cảm giác choáng nhẹ với độ cao hay do phản ứng phụ của thuốc chống say độ cao, tôi không rõ. Thế nhưng những cơn choáng nhẹ này giúp cơ thể tôi quen dần với việc thay đổi độ cao từ từ để rồi sau đó, khi tới Lhasa, tôi bắt đầu quen dần với độ cao mới một cách dễ dàng hơn.

Bạn có biết tôi hay dừng ở đâu mỗi khi đi dạo trên đoàn tàu không? Ở đầu mỗi toa, tôi hay tò mò nhìn vào bảng thông báo độ cao con tàu đang đi qua. Đây cũng là nét đặc biệt riêng có ở chuyến tàu này. Cứ mỗi đoạn đường, mỗi ga đi qua, những con số 3.500m, 4.000m, 4.250m, 4.500 cứ lên xuống dập dìu cho tôi biết rằng con tàu đang miệt mài tiến vào mái nhà thế giới, băng qua những núi đồi với độ cao khác nhau.

Và rồi, cuối cùng, con tàu từ Thành Đô vượt qua sự hùng vĩ của biết bao đỉnh núi cao tuyết phủ, đi qua sự mênh mông của những thảo nguyên tiếp nối, đang hụ những hồi còi dài để vào ga Lhasa. Thế là tôi đã được đặt chân đến vùng đất mơ ước bấy lâu…

Giá tour đi Tây Tạng hiện tại ở mức từ 44 đến 46 triệu đồng/người cho một hành trình 6 ngày 5 đêm hoặc 9 ngày 8 đêm. Bạn nên liên hệ một số đơn vị chuyên những tour này, ví dụ Offtrack travel. Nên cẩn thận với những tour Tây Tạng được quảng cáo giá thấp vì đây là các tour shopping, nghĩa là chỉ có mua sắm và phải mua sắm trong những địa điểm được chỉ định bắt buộc.

Tuyến đường sắt cao nhất thế giới

Các chuyên gia về thời tiết cảnh báo rằng hiện tượng tăng nhiệt độ của trái đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tuyến đường này vào những năm 2050. Nghĩa là nếu có dịp, bạn hãy tranh thủ trải nghiệm với con tàu Thanh - Tạng ngay nhé.

Dài tổng cộng 1.956km và vượt qua 675 cây cầu, đường sắt Thanh - Tạng chia làm 2 phần chính: phần 1 từ ga Tây Ninh đến ga Golmud dài 815km, phần 2 từ ga Golmud đến ga Lhasa dài 1.142km. Nhờ sự ra đời của đường sắt Thanh - Tạng mà ngày nay, du khách có thể đi tàu suốt từ Bắc Kinh (Beijing), Thượng Hải (Shanghai), Tây An (Xian), Quảng Châu (Guangzhou), Trùng Khánh (Chongqing), Thành Đô (Chengdu), Lan Châu (Lanzhou) đến Tây Ninh (Xining) để từ đó đi tiếp vào Lhasa. Tuyến đường sắt này giữ một số kỷ lục khác, chẳng hạn như: Đường sắt với số đường hầm nhiều nhất thế giới (33 đường hầm, trong đó, đường hầm Phong Hỏa Sơn ở độ cao 4.905m là đường hầm cao nhất thế giới)…

Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI