Chuyện sức khỏe tâm thần của vận động viên nữ

03/08/2021 - 06:15

PNO - Giữa muôn trùng lo ngại các ca nhiễm có thể lây lan tại Olympic Tokyo 2020 thì một vấn đề mới được nhắc đến: sức khỏe tâm thần của phái nữ.

Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra với bầu không khí kém sôi động nhất trong lịch sử bởi đại dịch. Nhưng giữa muôn trùng lo ngại các ca nhiễm có thể lây lan thì một vấn đề mới được nhắc đến: sức khỏe tâm thần của phái nữ.

Trong nhiều thập kỷ, các vận động viên (VĐV) luôn được yêu cầu phải mạnh mẽ, cứng rắn, tập trung vào nhiệm vụ mà đất nước kỳ vọng khi bước vào cuộc thi tài. Mọi người đều quan tâm đến thành tích, đến những kỷ lục mới mà không ai quan tâm đến sức khỏe tinh thần của họ. Đến khi VĐV thể dục dụng cụ Mỹ, Simone Biles bỏ thi giữa chừng ngay môn thi đầu tiên, và trước đó một ngày là sự thất bại của tay vợt tennis nữ của nước chủ nhà Naomi Osaka thì câu chuyện về sức khỏe tâm thần của VĐV mới được xem trọng.

Áp lực khi “gánh cả thế giới trên vai”

Simone Biles và Naomi Osaka, hai tài năng sáng giá của thể thao thế giới, được kỳ vọng sẽ tỏa sáng tại Olympic Tokyo. Nhưng cả hai đã kết thúc phần thi của mình theo cách không ai ngờ. 

 

Simone Biles (trái) và Naomi Osaka (phải) mang đến sự chú ý của dư luận về vấn đề hệ trọng là sức khỏe tâm thần của các nữ vận động viên
Simone Biles (trái) và Naomi Osaka (phải) mang đến sự chú ý của dư luận về vấn đề hệ trọng là sức khỏe tâm thần của các nữ vận động viên

Naomi Osaka là tay vợt nữ đứng thứ hai thế giới, là người thắp đuốc trong lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020, được kỳ vọng sẽ đem về tấm huy chương vàng tennis cho Nhật Bản. Nhưng “cô gái vàng” sinh năm 1997 đã bất ngờ để thua trước đối thủ kém mình tới 40 bậc trên bảng xếp hạng thế giới.

Naomi Osaka thừa nhận áp lực phải giành huy chương vàng khiến cô thi đấu không tốt. Trước đó hai tháng, Naomi đã rút khỏi giải Roland Garros 2021 cũng với lý do không chịu nổi áp lực từ truyền thông và luôn cảm thấy stress với những câu hỏi cũng như những bình luận không hay về mình. Naomi còn tiết lộ đã mắc bệnh trầm cảm từ US Open 2018 và đang vật lộn tìm cách thoát khỏi căn bệnh này. 

Một ngày sau thất bại của Naomi Osaka, Simone Biles càng gây sốc hơn khi tuyên bố bỏ cuộc sau một phần thi đấu được xem là tệ nhất trong sự nghiệp đỉnh cao của mình. Là “mỏ vàng” của thể dục dụng cụ Mỹ, Simone Biles sở hữu khối thành tích đồ sộ với 27 huy chương vàng ở cấp độ thế giới.

Cô gái sinh năm 1997 đến Tokyo mang theo kỳ vọng bảo vệ thành tích của mình cũng như khẳng định vị thế số một của thể dục dụng cụ Mỹ. Thế nhưng, kết thúc bài thi nhảy ngựa, Biles đã có pha tiếp đất với chân phải rơi ra khỏi thảm và cô đã bật khóc vì bài thi thảm họa. Sau khi nói chuyện với huấn luyện viên, cô quyết định rút lui. Hôm 1/8, Biles cũng rút khỏi nội dung thi nhảy chống và xà lệch nữ. Còn hai phần thi thể dục tự do và cầu thăng bằng thì vẫn bỏ ngỏ chờ xem tâm lý cô có ổn định hay không.

“Tôi không còn cảm thấy thích thú nữa. Khi bước vào bục thi, tôi hơi lo lắng. Trong đầu tôi luôn xuất hiện những “con quỷ”, và tôi phải cố gắng vượt qua. Trí não và cơ thể tôi không còn là một thể thống nhất và đó là lý do tôi quyết định dừng lại”, Biles bày tỏ.

Tăng cường hỗ trợ sức khỏe tâm thần

Câu chuyện rút lui của Biles đã tạo nên những luồng dư luận trái chiều. Trong khi nhiều người hâm mộ chỉ trích cô là trẻ con và ích kỷ thì rất nhiều người lại ủng hộ. Biles nói trong nước mắt: “Tôi phải tập trung vào sức khỏe tinh thần của tôi. Chúng tôi không chỉ là VĐV, mà còn là con người”. Huyền thoại bơi lội Michael Phelps - từng có 23 huy chương vàng - từ lâu đã chia sẻ về cuộc đấu tranh sức khỏe tâm thần của mình. Phelps từng có ý định tự tử vì bị trầm cảm sau Thế vận hội 2012. Vì thế, khi chứng kiến sự vật vã của Biles, anh rất thấu hiểu.

Đây không phải là lần đầu tiên Biles thừa nhận mình có vấn đề về tâm thần. Trước đây, cô từng tâm sự bị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) và từng bị ám ảnh sợ hãi khi là một trong 265 nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử thể thao Mỹ. Cô và rất nhiều đồng nghiệp bị Larry Nassar - bác sĩ của đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ - lạm dụng suốt thời gian dài trước khi vụ việc bị đưa ra ánh sáng.

Trước những áp lực của các VĐV, Ủy ban Olympic quốc tế đã tăng cường nguồn lực sức khỏe tâm thần trước và sau Thế vận hội Tokyo. Các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần đã có mặt tại làng Olympic cũng như lập “đường dây trợ giúp sức khỏe tâm thần” như một dịch vụ hỗ trợ sức khỏe bí mật cho các VĐV. 

Khánh Anh (theo AP, The Guardian, JT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI