
Chị N.T.K.L khốn khổ vì bệnh tật vẫn phải mòn mỏi “phục vụ chồng”
Hôn nhân bền vững?
Vượt chặng đường gập ghềnh 21km từ Quốc lộ 1A chúng tôi đến đồi Bằng Lăng giữa trưa nắng cháy. Hơn 20 năm trước, những người nông dân ở Cẩm Mỹ, Định Quán, Quảng Trị, Quảng Ngãi… đã bỏ quê hương xứ sở về ba ngọn đồi này dựng nhà, lập nghiệp. Họ hoàn toàn không biết đang xâm canh vào vùng đất của quân đội (nơi đây vốn là khu Trường bắn quốc gia 3, do Quân khu 7 quản lý) và kéo theo chuỗi hệ lụy: hình thành một khu dân cư không được thừa nhận với 1.892 con người không hộ khẩu, hàng trăm đứa trẻ không được khai sinh và hơn 200 cặp vợ chồng (trên tổng số 410 hộ) không ràng buộc gì về mặt luật pháp. Họ không ly hôn, vì chưa bao giờ đăng ký kết hôn.
Với những cặp vợ chồng là dân sinh trưởng tại đồi, chuyện xác nhận nhân thân, độc thân hay ly hôn là một thách thức. Còn những cặp từng kết hôn ở địa phương khác về đây sinh sống, muốn ly hôn phải tìm về chốn cũ. Chị P.T.V., ngụ ở đồi 2 nói: “Tới lui làm giấy ly hôn gian nan, cực khổ; trong khi chữ nghĩa, tiền bạc mình không có!”. Chị P.T.P., 56 tuổi, nhà ở đồi 3 cũng trầy trật “đường ly hôn”. Anh chị có bốn người con. Anh T.V.M. - chồng chị, tính tình cộc cằn, gia trưởng, luôn mắng chửi vợ con té tát khi không vừa ý, đã vậy còn… cấm khóc! Thấy vợ hay con khóc, anh càng mắng chửi nặng nề hơn. Chị P. vượt hơn 20km lên xã xin ly hôn, nào ngờ nghe nói phải về tận Quảng Trị nộp đơn, chị đành lủi thủi quay về…
Niềm vui, hạnh phúc của những người phụ nữ ở đồi chính là những vụ mùa bội thu do đất đai màu mỡ, là con cái học hành thành đạt. Tuy nhiên, vùng Bằng Lăng cũng phải chịu lắm gian nan trên đường tìm con chữ; trẻ cấp II, cấp III bỏ học đi làm ngày càng nhiều. Hai mươi năm đồi không có trường học, toàn thể trẻ em, người lớn đều học chữ ở một lớp học tình thương. Năm 2011, trường đã được xây, nhưng chỉ là ba phòng cho cấp tiểu học. Đồi vẫn không điện, không đường và không trạm xá. Cả ba hướng vào đồi là ba cái cầu ván tạm bợ do dân Bằng Lăng tự làm, tự quản, ai qua lại phải trả mỗi lượt 2.000đ cho những cây cầu mang tên ông Quân, ông Bắc, bà Đức. Mùa nắng hạn, nước không có để dùng, đất đai nứt nẻ. Mưa thì lầy lội, gió một tí đã thành phong ba, tốc mái biết bao ngôi nhà. Mới trúng mùa năm trước, năm sau lũ cuốn sạch hoa màu là chuyện bình thường.
Điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu nước sạch đã làm tỷ lệ bệnh phụ khoa ở chị em gia tăng. Và do thiếu hiểu biết, nhiều chị phải chịu trận những cơn đòi hỏi của chồng dù đang mang bệnh. Chị N.T.K.L., sinh 1969 ở đồi 3, giở chiếc nón cho chúng tôi xem cái đầu đầy nấm đã làm rụng không còn sợi tóc, kể: “Nấm nhiễm hết cả vùng kín nữa, vậy mà vẫn phải chiều chồng mỗi khi anh ấy đi làm xa về. Không thỏa mãn được, anh ấy đánh đập, chửi bới tôi dữ lắm. Làm đàn bà thật khổ, làm đàn bà ở đồi Bằng Lăng này còn khổ hơn!”.

Một trong những căn nhà có vợ bỏ trốn
Những bà vợ… bỏ trốn!
Có gần 10 căn nhà như thế ở cả ba đồi Bằng Lăng 1, 2 và 3. Gọi là nhà, nhưng thực chất đó chỉ là những tấm phên, hoặc ni lông phủ kín những vạt tre cũ kỹ, xiêu vẹo. Dẫn đường cho chúng tôi đến thăm những căn nhà này, ông Phạm Thao - trưởng ấp 2 ngao ngán: “Trước đây vợ chồng đầm ấm lắm, chỉ vì rượu mà ra!”. Mới hơn 9g sáng, giữa vườn điều nhà anh N.V.D. ở đồi 3 đã có một mâm gần chục người đàn ông ngồi nhậu rôm rả. Ông Thao cho biết, đó chính là một trong những điểm hẹn thường nhật của các “chiến hữu lưu linh”. Vốn là công an xã Xuân Tâm, từng trực tiếp xử lý rất nhiều ca bạo lực gia đình khu vực đồi Bằng Lăng, nên chuyện về những người đàn ông bị vợ bỏ, ông Thao có cả “kho”! Anh N.V.H. bị vợ bỏ vì… lười lao động. Thấy chồng lười biếng, ỷ lại, người vợ cằn nhằn thì bị anh đánh đập. Do nhà ở quá xa hàng xóm, nên khi có người đến ứng cứu, chị L.T., vợ anh H. đã tự băng bó xong vết thương, H. cũng ngủ vùi vì thấm rượu. Ông Thao và những người làm công tác an ninh chỉ còn biết cách chờ H. tỉnh rượu mời ra tổ nhắc nhở. Cứ mươi bữa, nửa tháng, sự việc lại tiếp diễn, chị T. xấu hổ cũng không dám kêu cứu nữa. Chịu đòn chồng suốt bốn năm, cuối năm 2011, chị dẫn con bỏ trốn biệt xứ.
Cách nhà vợ chồng anh H. một vườn điều, là căn chòi xiêu vẹo của anh L.M.G. G. mới hơn 20 tuổi, quê gốc Định Quán. Sau khi lập gia đình, G. được bố mẹ chia cho vài công đất, lập vườn điều. Có vợ con, G. lại chí thú… nhậu nhiều hơn! Nguyên do một phần cũng vì chị L.T.M., vợ anh, bị chứng trầm cảm sau sinh nên cứ tránh né gần gũi chồng. G. đánh đập vợ tả tơi. Có lần, trong cơn say, G. đã dùng dao đâm chị M. ba nhát, may có những cán bộ an ninh đưa chị đi cấp cứu. Sau vụ việc, chị M. sợ quá, bỏ trốn, G. cũng trốn luôn!
Ông Võ Minh Hiếu - công an xã Xuân Tâm - cán bộ phụ trách an ninh khu vực ấp 2 cho biết, trong vòng bốn năm qua, xã đã phải lập hàng chục hồ sơ đưa những người chồng ở đồi Bằng Lăng có hành vi đánh vợ xử phạt theo Nghị định 163; khởi tố bốn trường hợp gây thương tích nặng, chuyển thành vụ án hình sự và hàng chục vụ việc vẫn còn đang trong tầm theo dõi. Ông Hiếu kể: “Các chị đã bị chồng đánh, còn sợ… phải nộp tiền cho chồng; sợ chồng bị đưa đi cải tạo nên nhiều anh tái phạm hoài, nhưng được vợ bao che, cứ vô tư ở nhà, tiếp tục đánh vợ! Vì đường sá hiểm trở, công an vào đến hiện trường thì hung thủ và nạn nhân đã… ôm nhau ngủ!”.

Chuyện vợ chồng chung sống không đăng ký kết hôn, gia đình không có hộ khẩu đã thành một vấn nạn của ba đồi Bằng Lăng, khiến biết bao phụ nữ thiệt thòi khi sinh ra những đứa con chỉ có thể được khai sinh (đã là may mắn), không được làm CMND và sau này lại tiếp tục không thể đăng ký kết hôn vì không có nơi cư trú. Bà Huỳnh Kim Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tâm cho biết: “Từ năm 2011, được sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, UBND xã Xuân Tâm đã làm giấy khai sinh cho hàng trăm người từ lớn đến bé ở vùng đất này. Tuy nhiên, về chuyện đăng ký kết hôn thì dù rất nhiều cặp vợ chồng có nhu cầu nhưng họ không có nguồn gốc giấy tờ theo quy định nên xã đành chịu!”. Những câu chuyện đau lòng do thiếu giấy tờ tùy thân, không hộ tịch vì thế vẫn cứ tiếp diễn…
Nghi Anh