Chuyên đề 'Đừng bất lực với bạo lực trẻ em': Dạy con biết tự bảo vệ

10/12/2017 - 10:22

PNO - Vì cha mẹ không thể luôn ở cạnh, để mắt canh chừng mọi lúc, mọi nơi, nên tôi luôn thẳng thắn trò chuyện, cho con biết về những cạm bẫy, nguy hiểm có thể xảy ra trên bước đường đời.

Chấp nhận nuôi con một mình, đồng nghĩa với việc tôi không được phép yếu mềm, đủ sức che chở, bảo vệ con trong mọi hoàn cảnh. Nghĩ là vậy, nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng như mong muốn. 

Chuyen de 'Dung bat luc voi bao luc tre em': Day con biet tu bao ve
Diễn viên Mai Phương và con gái

Với tính chất công việc của diễn viên, lúc con về nhà, con được nghỉ cuối tuần, lễ tết thì tôi lại phải đi diễn, đi làm phim, thời gian dành cho con rất ít. Xa con khiến tôi chạnh lòng, phải chi có người cùng chung vai, chia sẻ gánh nặng kinh tế để mình có thời gian bên cạnh con nhiều hơn. 

“Hôm nay con đi học có gì vui?”

Chuẩn bị cho con đi học, tôi ám ảnh với những vụ trẻ mầm non bị bạo hành. Tôi dò la về những ngôi trường muốn xin cho con vào học, tôi không quan tâm trường rộng bao nhiêu, mà là các cô giáo có yêu trẻ, chăm sóc các con chu đáo.

Mỗi ngày đưa con đến lớp, tôi nấn ná để quan sát cách các cô chăm sóc, trò chuyện với trẻ, cả ánh mắt các con khi nhìn cô. Đến đón con, tôi nói chuyện với các cô để hiểu một ngày của con ở trường và cũng hiểu hơn tính tình của cô. 

Khi con còn nhỏ, chưa thể kể rành rọt những việc xảy ra trong lớp học, tôi đặc biệt chú ý đến những biểu hiện của bé khi ở trường về. Theo dõi xem con có ngủ ngon giấc hay giật mình hốt hoảng giữa đêm? Tắm cho con, tôi tìm xem bé có bị những vết thương lạ trên người.

Thời gian đầu con đi học, tôi luôn ở trong trạng thái “cảnh giác cao độ” trước những biểu hiện khác thường của bé. Con vui vẻ, tôi an tâm với suy nghĩ bé được chăm sóc tốt ở trường. Bé lớn hơn, mỗi ngày đón con, tôi luôn hỏi chuyện học hành, thầy cô, bạn bè ở trường. Thành thói quen, câu chuyện trên đường về của hai mẹ mỗi ngày là “hôm nay ở lớp có gì vui?”. 

Con phải biết tự bảo vệ

Bạo lực học đường dường như là câu chuyện xảy ra ở mọi thời đại. Khác là ngày xưa bạo lực giữa các học sinh chỉ là chuyện chọc ghẹo, nếu có bắt nạt bạn cũng không đến mức dã man như hiện nay. Thời đi học, tôi chưa bao giờ bị bạn bè bắt nạt nên cũng lúng túng khi nghĩ đến việc phải dạy con ra sao trước thực trạng bạo lực học đường ngày càng phổ biến, mức độ độc ác ngày càng cao. 

Quan sát cuộc sống, nghe chuyện kể của bạn bè có con từng bị bắt nạt, tôi ngộ rằng, quan trọng nhất là phải dạy con biết cách tự bảo vệ mình. Khi bị bạn đe dọa, con phải tìm cách thoát thân, tìm sự bảo vệ của người lớn. Nếu không được người khác can thiệp, con phải bảo vệ mình, quyết liệt phản kháng.

Khi cần thiết con hãy mạnh dạn đánh trả để tự vệ một cách chính trước hành vi bạo lực của kẻ khác. Im lặng, nhẫn nhịn chỉ khiến cái ác có cơ hội lấn tới, khi đó nạn nhân có thể không chỉ là con mà còn là nhiều bạn bè yếu thế, hiền lành khác.

Điều quan trọng nữa là tôi cho con niềm tin để có thể chia sẻ mọi vui buồn, biến cố của cuộc sống, dù con chỉ có mẹ nhưng mẹ sẽ luôn bên cạnh, sẵn sàng bảo vệ con trong mọi tình huống. Trên hết, cho con sự tự tin để luôn đứng thẳng, mạnh mẽ tin vào khả năng của mình.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng khi con lớn lên, va chạm, vấp ngã… là điều sẽ xảy ra. Không thể ôm, giữ con bên mình vì cha mẹ không thể luôn ở cạnh, để mắt canh chừng mọi lúc, mọi nơi, nên tôi luôn thẳng thắn trò chuyện, cho con biết về những cạm bẫy, nguy hiểm có thể xảy ra trên bước đường đời.

Tôi sẽ dạy con cách nhảy qua những ổ gà, những chướng ngại vật thay vì cố gắng tìm một con đường bằng phẳng hoặc chạy nhanh hơn. Tôi tin sẽ giúp được con mạnh mẽ, tự tin để bảo vệ mình trước những tình huống xấu đe dọa cuộc sống của con. 

Diễn viên Mai Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI