Chương trình truyền hình thiện nguyện: Gian nan tìm đường dài

30/03/2021 - 07:23

PNO - Nguồn tài trợ là vấn đề lớn với các chương trình truyền hình thiện nguyện, vì cộng đồng. Để có được nguồn này, trước tiên chương trình phải có nội dung đủ lôi cuốn.

Đâu chỉ có giải trí vô bổ

Sau 12 chuyến hành trình đến: Kiên Giang, Phú Thọ, Hậu Giang, Quảng Trị… chương trình Cơ hội đổi đời đã giúp nhiều gia đình trả nợ, có vốn làm ăn. Mỗi tập quy tụ hai nghệ sĩ và một vận động viên, cùng thực hiện những thử thách do chương trình đặt ra. Số tiền có được sau mỗi thử thách tương đồng với thời gian còn lại trong quỹ 30 phút của chương trình. Trong tập 12 vừa lên sóng, chương trình đã hỗ trợ cho gia đình ông Danh Tư (70 tuổi, Châu Thành, Kiên Giang) hơn 64 triệu đồng.

Sô diễn cuộc đời tìm đến những mảnh đời bất hạnh nhưng có tài năng nghệ thuật để tổ chức một sô diễn nhỏ cho họ. Tiền thu được từ khán giả có mặt trực tiếp cũng như thông qua kêu gọi trên mạng xã hội sẽ được trao toàn bộ cho nhân vật. Mỗi số phát sóng, ngoài MC Color Man, sẽ có sự đồng hành của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Thanh Hằng, Dương Ngọc Thái, Phương Anh…

Nghệ sĩ Thanh Hằng tham gia chương trình Sô diễn cuộc đời giúp đỡ nghệ nhân Thái Văn Hai (Tiền Giang), bị khuyết tật một tay, chơi guitar 50 năm
Nghệ sĩ Thanh Hằng tham gia chương trình Sô diễn cuộc đời giúp đỡ nghệ nhân Thái Văn Hai (Tiền Giang), bị khuyết tật một tay, chơi guitar 50 năm

Hành trình lột xác mang đến cơ hội thay đổi diện mạo cho những người không may bị khiếm khuyết khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ hàng ngàn hồ sơ gửi về, chương trình sẽ chọn ra 10 người để hỗ trợ phẫu thuật một hoặc nhiều phần như: cằm, má, mũi, mắt… cho họ. Hiện, chương trình đã làm được năm mùa. Có những trường hợp như: Phan Thị May, Cao Thị Lan… sau khi được phẫu thuật, đã bước sang trang mới của cuộc đời.

Ngày may mắn đã giúp được nhiều hoàn cảnh sau 26 tập phát sóng. Mỗi tập, nghệ sĩ sẽ tìm đến một gia đình có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm cũng như trải nghiệm công việc thường ngày với họ. Cũng từ đây, chương trình kêu gọi giúp đỡ cho họ thông qua địa chỉ, số điện thoại được công khai.

Ngoài ra, thời gian qua cũng có những chương trình khác mang tính chất thiện nguyện vì cộng đồng như: Tiếng rao 4.0, Mở cửa tương lai… Tuy không nhiều, nhưng nhóm chương trình này đã góp thêm một màu sắc mới cho thị trường chương trình truyền hình đang thiên về yếu tố giải trí đơn thuần. Mỗi tập phát sóng thu hút từ vài trăm ngàn cho đến hàng triệu lượt xem. Khán giả đều bị lôi cuốn vào các tình huống cảm động khi chứng kiến những số phận nghiệt ngã được đổi đời.

Tìm đường dài trong gian nan

Tài trợ luôn là yếu tố quan trọng với game show, chương trình truyền hình. Đặc biệt những chương trình thiện nguyện, vì luôn cần một nguồn vốn lớn để hỗ trợ nhân vật. Tuy nhiên, việc kêu gọi tài trợ cho những chương trình này khá khó khăn.

Ông Trần Thành Trung (Giám đốc T-Production, đơn vị sản xuất chương trình Ngày may mắn) cho biết, nguồn kinh phí của chương trình được vận động từ những đối tác từng hợp tác trong những chương trình trước đây và quỹ từ thiện của công ty. Hiện T-Production vẫn chưa có kế hoạch sản xuất mùa thứ hai. “Nếu sản xuất tiếp, chúng tôi phải tính phương án tìm nguồn tài trợ, đảm bảo cho việc sản xuất, hỗ trợ nhân vật” - ông Trung chia sẻ.

Phương Mỹ Chi tham gia chương trình Cơ hội đổi đời tập 12
Phương Mỹ Chi tham gia chương trình Cơ hội đổi đời tập 12

Không khó để lý giải thực tế này. Những con số vài trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem tương đối khá, nhưng so với mặt bằng chung của game show, nhất là các chương trình thuần giải trí thì rating của những chương trình thiện nguyện chỉ ở mức trung bình. Vì thế, các nhà tài trợ cũng đắn đo. 

Nghệ sĩ Quyền Linh chia sẻ: “Những chương trình thiện nguyện vì cộng đồng ý nghĩa, cần được cổ vũ. Lượng khán giả xem xong có phản hồi tích cực cũng rất nhiều. Tuy nhiên, nhà tài trợ cũng có lý do của họ. Khi bỏ ra một nguồn kinh phí, họ cần thu về hiệu ứng lan tỏa của thương hiệu, sản phẩm. Họ có thể đồng hành với nhà sản xuất từ một đến ba năm, nhưng về lâu dài là không thể nếu không sinh ra lợi nhuận như mong muốn”. 

Anh Nguyễn Duy Vĩ (Giám đốc tiếp thị nền tảng mua sắm Fabo.vn, một chuyên gia trong lĩnh vực marketing) nhận định: “Bên cạnh việc hỗ trợ cộng đồng thì sự đầu tư cho các chương trình thiện nguyện cũng là bước quảng bá gián tiếp của thương hiệu. Việc tăng tính nhận diện được xem là tiêu chí hàng đầu. Muốn có được điều này, đồng nghĩa với lượt xem phải tốt trên các nền tảng mạng, rating cao trên sóng truyền hình. Có những yếu tố quyết định như: người dẫn, khung giờ phát sóng, nhưng quan trọng nhất, để quảng bá tốt phải có nội dung hay. Tiền có nhiều thế nào nhưng nội dung tệ thì cũng chẳng bao giờ thu hút người xem”. Theo quan sát của anh Vĩ, nhiều chương trình hiện tại có nội dung khó lôi cuốn được khán giả. 

Có thể thấy rõ ở một số chương trình, format, nội dung, kỹ thuật quay dựng kém hấp dẫn, hiệu ứng lan tỏa không mạnh. Có chương trình chỉ cố gắng trụ được thời gian ngắn rồi “chết”. Ngay cả những chương trình có thâm niên cũng đành ngậm ngùi chia tay khán giả, bởi format nhiều năm không thay đổi, trong khi các chương trình truyền hình luôn phải vận động không ngừng.

Phan Thị May - một trường hợp được giúp đỡ để thay đổi diện mạo trong Hành trình lột xác
Phan Thị May - một trường hợp được giúp đỡ để thay đổi diện mạo trong Hành trình lột xác

Tuy vậy, trong bối cảnh đó, Hành trình lột xác đến nay đã tổ chức được năm mùa, mỗi tập đều thu hút hàng triệu lượt xem, nhờ đánh trúng thị hiếu tìm hiểu nhu cầu làm đẹp của khán giả. Dĩ nhiên, những câu chuyện cảm động cũng là yếu tố lôi cuốn họ. Có lẽ, trường hợp này ít nhiều sẽ cho các nhà sản xuất cách thức để tìm một đáp án. 
Anh Duy Vĩ nhận định việc đầu tư cho những chương trình thiện nguyện, vì cộng đồng là khoản đầu tư an toàn, ít gặp rủi ro nhất đối với các thương hiệu. Đó là lý do vì sao có những doanh nghiệp đồng hành với chương trình Vượt lên chính mình đến hơn chục năm. Thực sự, nếu muốn tìm hiệu ứng nhanh chóng như các chương trình giải trí sẽ khó, nhưng để đi đường dài, thì việc đồng hành với các chương trình thiện nguyện sẽ là một lựa chọn tốt của các nhãn hàng. Nhưng một bên có kinh phí, một bên duy trì nội dung hấp dẫn, thì mới đủ sức giải quyết được bài toán khó này.

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI