Chỉnh sửa gen và tham vọng hủy hoại tiến trình tự nhiên

01/12/2018 - 09:13

PNO - Tuyên bố chỉnh sửa gen người mới đây của nhà khoa học Trung Quốc buộc giới khoa học và công chúng phải suy nghĩ về giới hạn của “lòng tham” muốn cải biến tự nhiên, bất chấp hậu họa về di truyền cho nhân loại.

Dùng khoa học chinh phục thế giới nhưng nếu không vạch ra những giới hạn về đạo đức và di truyền, con người sẽ tự “kết liễu” sự phát triển của chính mình bằng vô vàn sinh vật phi tự nhiên.

Điều chỉnh gen nhằm tạo ra thế hệ hoàn hảo?

Chinh sua gen va tham vong huy hoai tien trinh tu nhien
Công nghệ IVF được cảnh báo có thể "biến tướng" để phục vụ nhu cầu sản xuất ra những đứa trẻ hoàn hảo.

Từ công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhằm hỗ trợ những cặp vợ chồng hiếm muộn, nhiều nhà khoa học đã âm thầm lợi dụng công nghệ này để tạo ra những đứa trẻ hoàn hảo hoặc theo "đơn đặt hàng".

Từ tháng 4/2015, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc công bố trên tạp chí Nature rằng đã sử dụng kỹ thuật CRISPR/Cas9 biến đổi gen của phôi thai người. Dù họ sử dụng các phôi thai không có khả năng sống sót nhưng dự án này vẫn bị chỉ trích.

Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ sau đó phải nhắc lại lệnh cấm gây quỹ cho nghiên cứu biến đổi gen trên phôi thai người, áp dụng cả với những phôi thai không có khả năng sống sót.

Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là lĩnh vực tiềm năng “hái ra tiền” cho những nhà khoa học muốn bắt tay với các cặp vợ chồng muốn sinh ra những đứa con hoàn hảo hoặc theo ý muốn của họ.

Tại Mỹ, công ty Genomic Prediction ở New Jersey tuyên bố họ có cung cấp dịch vụ chọn lựa gen thông minh cho những đứa trẻ sắp chào đời. Đối tượng khách hàng họ nhắm đến là những trung tâm y tế, bệnh viện có thực hiện IVF.

Sinh vật lai nửa người nửa thú

Chinh sua gen va tham vong huy hoai tien trinh tu nhien
Các nhà khoa học tại California đã cấy tế bào của người vào lợn, tạo ra loại phôi mang tên chimera – lai giữa lợn và người.

Năm 2016, các nhà khoa học người Mỹ cho biết họ đang nỗ lực nuôi cấy các bộ phận trong cơ thể lợn sao cho chúng có khả năng tương thích với cơ thể người. Mục đích là phục vụ cho việc cung cấp nguồn nội tạng cấy ghép vào cơ thể người về sau.

Đến đầu năm 2017, các nhà khoa học ở Viện Salk (SI), California cho biết họ đã tạo ra một loại phôi lấy tên là chimera - lai giữa người và lợn, có khả năng tạo ra một sinh vật nửa người nửa thú đầu tiên trong thế kỷ 21. Việc này được đánh giá là cột mốc đánh dấu sự phát triển của công nghệ chỉnh sửa gen.

Cách mà các nhà khoa học đã làm là tiêm tế bào gốc của người vào hàng loạt phôi lợn mới được một vài ngày tuổi. Họ quan sát và thấy được môi trường thuận lợi phát triển thành những bào thai.

Xét về ứng dụng thuần túy thì đây có thể là nguồn nội tạng phong phú, cung cấp cho con người bất cứ khi nào cần đến mà không cần phải mất quá nhiều công sức, thậm chí phải có đường dây mua bán nội tạng trái pháp luật như hiện nay.

Chinh sua gen va tham vong huy hoai tien trinh tu nhien
Các tế bào gốc của người có màu xanh lá trong phôi chimera. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã dừng lại ở mức độ phôi thai, không phát triển lên thành bào thai nhằm tránh vượt qua lằn ranh pháp lý và đạo đức, cũng như cơn bão dư luận.

Nhưng đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học thực hiện tham vọng về di truyền kiểu này. Cách đây hơn 100 năm, báo chí đã chỉ trích mạnh mẽ dự án của nhà khoa học người Nga Ilia Ivanov khi ông chứng minh mối quan hệ tiến hóa gần gũi giữa con người và các loài linh trưởng khác bằng cách tạo ra một con vật lai giữa người và thú.

Ông kết hợp tinh trùng của loài tinh tinh với tinh trùng người, ghép buồng trứng của một phụ nữ vào một con tinh tinh có tên là Nora, nhưng con vật này đã chết trước khi có thể thụ thai. Những thí nghiệm của Ilia Ivanov bị chặn đứng vì nó chứa đầy rủi ro cho bộ gen người.

Chinh sua gen va tham vong huy hoai tien trinh tu nhien
Những loài sinh vật lai tạo khiến mọi người rùng mình khi nghĩ về tương lai loài người.

Dù dư luận và giới chuyên môn có nhiều ý kiến phản đối tới đâu thì vẫn có những nhà khoa học quyết tâm theo đuổi ý tưởng sinh vật nửa người nửa thú. Đầu năm nay,  Đại học California tuyên bố phát triển thành công phôi của một con cừu được tiêm tế bào gốc của người lớn.

Các nhà khoa học này lập luận rằng sự đóng góp của tế bào người rất nhỏ so với phôi của một con cừu nên không có chuyện con cừu mang gương mặt người, hoặc có những bộ phận có bề ngoài trông giống của con người.

Tuy nhiên, không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra, liệu rồi sẽ có thêm những đột biến nào mà con người không thể kiểm soát được?

Tham vọng “tráo đổi” đầu người

Chinh sua gen va tham vong huy hoai tien trinh tu nhien
Nhóm bác sĩ có tham vọng "đánh tráo" đầu người.

Tháng 11/2017, bác sĩ người Ý Sergio Canavero cùng bác sĩ người Trung Quốc Ren Xiaoping tuyên bố đã ghép đầu thành công trên tử thi người. Ca phẫu thuật này kéo dài 18 tiếng, được thực hiện ở Trung Quốc.

Cụ thể, họ đã nối lại được tủy sống và mạch máu của đầu người lên một tử thi khác. Sau thành công, nhóm bác sĩ này phấn khởi tuyên bố rằng họ có thể tiến hành ghép đầu lên một bệnh nhân đã chết não nhưng cơ thể còn sống.

Tuy nhiên, không lâu sâu đó, cũng chính những bác sĩ này phải thừa nhận vẫn còn con đường rất dài mới đến được mục tiêu họ cần. Liên đoàn Các Hiệp hội Phẫu thuật thần kinh Thế giới cho rằng tham vọng này là điều khó thực hiện vì không thể kết nối thần kinh giữa đầu và thân vì có vô số kết nối phức tạp và với điều kiện hiện nay, đây là nhiệm vụ bất khả thi.

Minh Khôi (Theo SCMP, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI