Chính phủ Chile xin lỗi người phụ nữ bị buộc triệt sản

27/05/2022 - 11:20

PNO - Chính phủ Chile đã xin lỗi một người phụ nữ bị các bác sĩ can thiệp triệt sản vì nhiễm HIV mà không có sự đồng ý của bệnh nhân vào năm 2002.

Người phụ nữ, được biết đến với cái tên Francisca, khi đó 20 tuổi, được chẩn đoán nhiễm HIV vào tháng 3/2002 khi đang mang thai đứa con đầu lòng.

Tổng thống Chile, Gabriel Boric, phải, và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Antonia Urrejola
Tổng thống Chile, Gabriel Boric (phải) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Antonia Urrejola

Nhưng khi cô đang được gây mê để sinh mổ, các bác sĩ tại một bệnh viện công đã tiến hành phẫu thuật triệt sản với lý do không thể thiếu trách nhiệm khi để một phụ nữ nhiễm HIV sinh con. Khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, Francisca được một y tá thông báo rằng cô đã bị triệt sản mà không có sự đồng ý của cô.

“Hành động xin lỗi này khẳng định cam kết của chính phủ Chile trong các nỗ lực khắc phục những thiệt hại do hành động của công chức nhà nước gây ra”, Antonia Urrejola - Bộ trưởng Ngoại giao Chile, người đã nói lời xin lỗi chính thức cùng với Tổng thống Gabriel Boric hôm 26/5 - cho biết.

“Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền trong việc bảo vệ quyền sinh sản và quyền tự chủ về tình dục của phụ nữ, để không xảy ra những trường hợp như của Francisca nữa”, ông Urrejola nói thêm.

Theo ước tính của chương trình UNAids, năm 2020 Chile có 77.000 người nhiễm HIV. Tổ chức này cũng cho biết, phụ nữ nhiễm HIV có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực khi thực hiện biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tờ The Guardian nhận định rằng, bất bình đẳng xã hội và kinh tế cũng khiến cho phụ nữ Chile phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe sinh sản hơn. Francisca sống trong một cộng đồng nông thôn nghèo và chưa bao giờ được tiếp cận với giáo dục tình dục hoặc sinh sản.

Năm 2007, Francisca đã đệ đơn tố cáo hành vi của bác sĩ, người tuyên bố đã nhận được sự đồng ý bằng lời nói từ cô cho việc triệt sản. Nhưng trường hợp của cô đã bị bác bỏ 1 năm sau đó, khi tòa án phán quyết rằng hành vi này không cấu thành tội phạm.

2 năm sau, vụ việc được Trung tâm Quyền sinh sản và Vivo Positivo, 2 tổ chức đại diện cho Francisca, đưa lên Ủy ban Quyền lợi của con người Liên Mỹ.

Vào ngày 3/8/2021, nhà nước Chile đã ký một biên bản giải quyết vụ việc, thừa nhận trách nhiệm của mình. Theo đó, chính phủ Chile phải bồi thường cho Francisca những thiệt hại mà cô đã gánh chịu, trợ cấp chi phí nhà ở và chăm sóc sức khỏe cho cả cô và con trai cô, đồng thời cam kết nâng cao nhận thức về HIV và quyền sinh sản.

“Tôi đã nhận được lời xin lỗi từ chính quyền Chile. Tôi nghĩ rằng mình không phải là người duy nhất gặp trường hợp này và thời điểm đó. Tôi cũng rất vui khi biết rằng vụ việc của tôi có thể giúp xóa bỏ những định kiến ​​về người nhiễm HIV, và cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho những phụ nữ khác”, Francisca chia sẻ.

Gần đây, Chile mới tự do hóa quyền sinh sản. Cho đến năm 2017, phá thai vẫn được xem là hành vi vi phạm pháp luật trong mọi trường hợp ở nước này, ngay cả khi việc này là cần thiết nhằm cứu mạng sống của người phụ nữ. Nhưng hiện nay, phụ nữ Chile có thể được hỗ trợ bỏ thai trong 3 trường hợp: khi tính mạng của người mẹ gặp rủi ro, khi thai nhi có khả năng cao không sống được, hoặc việc mang thai là do bị cưỡng hiếp.

Chính phủ mới của Chile, do Tổng thống Boric (36 tuổi) lãnh đạo, đã cam kết củng cố các quyền sinh sản và tình dục.

Quốc gia này gần đây đã hoàn thiện bản dự thảo hiến pháp mới, dự kiến sẽ được trưng cầu ý kiến của người dân trên toàn quốc vào ngày 4/9 tới. Theo hiến pháp mới này, một số quyền lợi của phụ nữ - như quyền tự chủ của một cá nhân đối với cơ thể của mình, quyền được giáo dục tình dục - sẽ được đảm bảo tốt hơn, và phụ nữ cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phá thai.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI