Thủ tướng Nhật Bản xin lỗi những nạn nhân của chương trình triệt sản bắt buộc

25/04/2019 - 10:00

PNO - Hàng nghìn người dân Nhật Bản bị triệt sản theo luật ưu sinh trong giai đoạn 1948-1996, sẽ nhận được bồi thường của chính phủ, sau khi các nhà lập pháp thông qua đạo luật mới vào thứ Tư 24/4.

Hôm 24/4, các nhà lập pháp Nhật Bản thông qua luật đền bù cho hàng chục nghìn người bị triệt sản, mà đa số là vì ép buộc, theo một chương trình của chính phủ nhằm ngăn chặn sự ra đời của những "hậu duệ thấp kém", vốn có hiệu lực cho đến tận năm 1996.

Nhiều nạn nhân bị khuyết tật về thể chất hoặc nhận thức, nhưng những người khác chỉ bị bệnh tâm thần nhẹ (vấn đề hành vi), bệnh phong hay bệnh Hansen (hiện hoàn toàn có thể điều trị).

Thu tuong Nhat Ban xin loi nhung nan nhan cua chuong trinh triet san bat buoc
Các nhà lập pháp tại thượng viện thông qua đạo luật mới và gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân của chương trình triệt sản bắt buộc theo "luật ưu sinh".

Luật mới "nghiêm túc kiểm điểm và gửi xin lỗi sâu sắc", quy định khoản bồi thường 3,2 triệu yên (29.000 USD) cho mỗi nạn nhân. Đạo luật được nhất trí thông qua bởi thượng viện quốc hội Nhật Bản, và trước đó là hạ viện.

"Luật ưu sinh" của Nhật Bản có hiệu lực vào năm 1948 khi đất nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nhu cầu xây dựng lại một quốc gia bị tàn phá. 

Trong khoảng thời gian từ năm 1948 đến năm 1996, ước tính 25.000 người đã trải qua quá trình triệt sản, với ít nhất 16.500 người không thể hiện sự đồng tình nhưng vẫn bị hội đồng ưu sinh ký lệnh thực thi.

Mặc dù luật ưu sinh khét tiếng nhất được áp đặt bởi Đức Quốc xã, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất có các chương trình tương tự trong thời bình. Dù vậy, các quy định tương tự trên thế giới chủ yếu bị thu hồi vào những năm 1970.

Sau cuộc bỏ phiếu nhất trí, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra tuyên bố xin lỗi và nói rằng mọi nỗ lực sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo rằng xã hội luôn tránh xa sự phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Thủ tướng nói: “Trong thời kỳ luật ưu sinh có hiệu lực, nhiều người phải trải qua các ca mổ khiến họ không thể có con, dựa trên việc họ bị khuyết tật hoặc mắc một căn bệnh mãn tính khác, từ đó khiến họ đau khổ vô cùng”.

“Vì chính phủ trực tiếp thực hiện luật này, sau khi kiểm điểm sâu sắc, tôi muốn đưa ra lời xin lỗi từ tận đáy lòng”.

Thu tuong Nhat Ban xin loi nhung nan nhan cua chuong trinh triet san bat buoc
Luật sư và những người ủng hộ đi đến tòa án tại Sendai vào ngày 8/2/2019, để dự phiên tòa giám định thiệt hại của hai người phụ nữ bị triệt sản theo quy định từ "Luật ưu sinh".

Vấn đề trở nên nổi bật vào năm 2018 sau khi một phụ nữ Nhật Bản, giờ đã ngoài 60 tuổi, kiện chính phủ về một hoạt động triệt sản thực hiện vào năm 1972, sau khi cô được chẩn đoán bị khuyết tật tâm thần.

Các luật sư và các nhà vận động từ lâu đã chỉ trích chính phủ và quốc hội vì trì hoãn bồi thường cho các nạn nhân, rất lâu sau khi luật ưu sinh bị bãi bỏ.

Khoảng 20 nạn nhân trên khắp Nhật Bản hiện đang kiện chính phủ đòi bồi thường và xin lỗi. Phán quyết đầu tiên về một trong những trường hợp này dự kiến sẽ được đưa ra ​​vào cuối tháng Năm.

Một phụ nữ ở độ tuổi 70, một trong những nguyên đơn, bày tỏ sự tức giận đối với chính quyền, trong khi khi bà và vài nạn nhân khác, cùng những người ủng hộ theo dõi các nhà lập pháp từ phòng quan sát của thượng viện ở Tokyo.

Người phụ nữ lên tiếng: “Chính phủ chưa xử lý vấn đề một cách triệt để trong 20 năm qua, điều này khiến tôi cảm thấy tức giận. Tôi muốn thủ tướng xin lỗi ngay trước mặt tôi”.

Hiện tại ông Abe đang có chuyến đi tới châu Âu, nhưng luật sư của ông cho biết trong một tuyên bố trước khi đạo luật được thông qua: “Có thể hiểu rằng các nhà lập pháp đã vội vã ban hành luật để trả tiền bồi thường một lần cho các nạn nhân lớn tuổi”.

Linh La (Theo CNA, SCMP, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI