Chia sẻ quá mức thông tin thảm kịch làm hại sức khỏe tâm thần mọi người

02/11/2022 - 07:46

PNO - Việc chia sẻ thông tin, hình ảnh và video về những tai nạn, thảm kịch một cách quá mức trên các mạng xã hội đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của mọi người.

“Thảm kịch Itaewon cứ lởn vởn trong tâm trí tôi và tôi không thể ngừng nghĩ về nó. Tôi đã gặp ác mộng sau khi xem tất cả những đoạn video về thảm họa này” - một người Hàn Quốc viết trên Twitter.

Một khu tưởng niệm dành cho các nạn nhân trong vụ giẫm đạp ở gần ga tàu điện ngầm Itaewon ở Seoul - ẢNH: KOREA TIMES
Một khu tưởng niệm dành cho các nạn nhân trong vụ giẫm đạp ở gần ga tàu điện ngầm Itaewon ở Seoul - ẢNH: KOREA TIMES

Việc có quá nhiều chi tiết về thảm họa chết người này được mô tả trên phương tiện truyền thông khiến nhiều người cảm thấy hoảng sợ, lo lắng, tức giận và thậm chí là trầm cảm.

Không chỉ thảm kịch Itaewon mà vụ giẫm đạp sau trận đấu bóng đá ở Indonesia hồi đầu tháng Mười khiến hơn 170 người chết hay vụ sập cầu treo ở Ấn Độ ngày 30/10 khiến hơn 140 người tử vong cũng làm mọi người choáng váng. Hình ảnh, thông tin của những thảm kịch này khiến người xem cảm giác buồn bã, tâm trạng nặng nề suốt thời gian dài, ngày càng cứa sâu vào tâm trí, có thể dẫn đến chấn thương tâm lý.

Một số chuyên gia sức khỏe tâm thần cảnh báo việc lưu hành những đoạn phim chi tiết, đáng lo ngại như vậy về những thảm kịch có thể gây ra tổn thương không chỉ cho nạn nhân và gia đình của họ, mà còn cho những người khác.

“Các video và hình ảnh đáng tiếc về các thảm kịch đã được chia sẻ qua mạng xã hội mà không được chọn lọc. Chúng có thể xâm phạm quyền riêng tư của những người đã mất, những người sống sót và có thể dẫn đến nỗi đau thêm cho những người còn ở lại. Hơn nữa, chúng có thể gây ra chấn thương tâm lý cho một số lượng lớn người xem” - một thông báo khẩn do Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc đưa ra hôm 30/10 - một ngày sau khi thảm họa ở Itaewon diễn ra.

Thông báo trên đã kêu gọi các phương tiện truyền thông tuân thủ đạo đức của việc đưa tin thảm kịch và cố gắng không gây ra sự hoang mang, lo lắng cho mọi người. Hiệp hội cũng kêu gọi những người sử dụng mạng xã hội ngừng chia sẻ video hình ảnh đau thương và không đưa ra các bình luận kích động, bởi nó chính là rào cản cho sự phục hồi của những người sống sót, những người thân của nạn nhân.

Nhiều chuyên gia tâm lý cũng khuyến cáo rằng mọi người không nên xem tin tức, hình ảnh, video về sự kiện quá mức, để tránh các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần. Các chuyên gia giải thích rằng việc nhìn nhiều bức ảnh liên tục có khả năng gây ra chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD). Đây là một chứng rối loạn lo âu do tiếp xúc với những sự kiện rất căng thẳng, đáng sợ hoặc đau buồn khiến một người sống trong sự kiện đó trải qua những cơn ác mộng và hồi tưởng, hoặc trải qua cảm giác tội lỗi.

Chung Chan-seung - Hiệp hội Nghiên cứu căng thẳng sang chấn Hàn Quốc (KSTSS) - cho biết: “Bạn có thể đã có được tất cả các thông tin khách quan mà bạn cần. Bây giờ đã đến lúc không xem các phương tiện truyền thông tin tức và đó là cách bảo vệ chính mình”. KSTSS cũng khuyến cáo mọi người cần đến gặp bác sĩ trong trường hợp nếu bị chấn thương tâm lý.

Một số người đăng trên mạng xã hội hình ảnh, video clip quay tại hiện trường thảm kịch đã bị chỉ trích. Một nữ y tá chia sẻ trên Twitter rằng cô đã bị sốc nặng trước những đoạn video khi những người cứu hộ đang thực hiện hô hấp nhân tạo. “Vui lòng không bao giờ tải những video đó lên mạng xã hội. Khi các bác sĩ thực hiện hô hấp nhân tạo, đó là thời điểm cấp bách và nghiêm trọng nhất. Ngay cả đối với một nơi như bệnh viện, tình hình được kiểm soát và nguồn lực dồi dào, những video như vậy cũng không được sử dụng theo cách không thích hợp” - cô nói thêm. 

Lệ Chi (theo Korea Times, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI